Khánh Phong giành HCB Thể dục dụng cụ ASIAD 19, tái lập kỳ tích của Hà Thanh
Thứ năm, 28/09/2023 18:30 (GMT+7)
Sau Bắn súng, đến lượt đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam có thành tích ấn tượng trong ngày 28/9. Nguyễn Văn Khánh Phong đã trở thành gương mặt tiếp theo đại diện Thể dục dụng cụ Việt Nam đứng trên bục nhận huy chương.
Bước vào vòng chung kết ASIAD 19 môn Thể dục dụng cụ, nội dung Vòng treo, Nguyễn Văn Khánh Phong được kỳ vọng trở thành VĐV có thể mang huy chương về cho đoàn thể thao Việt Nam. Trước một VĐV chủ nhà có thành tích quá ấn tượng là Lan Xing Yu, Khánh Phong xác định mục tiêu cạnh tranh HCB cùng các đối thủ Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Đài Bắc Trung Hoa.
Là người bước ra sân thi đấu đầu tiên, Lan Xing Yu cho thấy đẳng cấp vượt trội so với những VĐV khác. Anh giành số điểm 9,033, con số gần như hoàn hảo, với một bài thi có điểm độ khó lên tới 6,4. Tổng điểm 15,433 giúp Lan chắc chắn cầm HCV. Người ra sân thi đấu sau đó là Lin Guan Yi, VĐV Đài Bắc Trung Hoa cũng có điểm số rất tốt 14,266.
Về phía Khánh Phong, đại diện Việt Nam ra sân thi đấu ở lượt thứ 6. Anh đăng ký thực hiện bài thi có điểm độ khó 6,1, chỉ thấp hơn Lan Xing Yu và VĐV Triều Tiên Jong Ryong Il (6,3). Màn thể hiện xuất sắc của Khánh Phong giúp anh được các trọng tài chấm điểm thực hiện rất cao, lên tới 8,500 và không có điểm trừ.
Với tổng điểm 14,600, Khánh Phong đứng vị trí thứ nhì và giành HCB ASIAD 19. HCĐ thuộc về Tanigawa Wataru, VĐV người Nhật Bản. Wataru có cùng tổng điểm với Jong Ryong Il, nhưng xếp trên nhờ có điểm thực hiện bài thi cao hơn. Tấm HCB của Khánh Phong cũng giúp VĐV 21 tuổi đi vào lịch sử thể dục dụng cụ Việt Nam ở đấu trường Á vận hội.
Trước Khánh Phong, VĐV Việt Nam duy nhất từng giành ngôi Á quân ASIAD là Phan Thị Hà Thanh. Đó là tấm HCB nội dung cầu thăng bằng nữ, được Hà Thanh giành được tại ASIAD 17 diễn ra vào năm 2014. Năm đó, Hà Thanh còn giành thêm 1 HCĐ nội dung Nhảy chống.
Tấm HCB ASIAD của Hà Thanh trước đây, và Khánh Phong bây giờ được xem là những tấm huy chương quý như vàng với thể thao Việt Nam. Bởi, thể dục dụng cụ luôn là sân chơi của các đoàn mạnh và có truyền thống phát triển môn thể thao này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên.