Kể chuyện EURO 1992: Chức vô địch của kẻ bị loại
Thứ tư, 09/06/2021 08:05 (GMT+7)
Trước 1992, người ta chỉ biết tới cổ tích của Đan Mạch trên những bút tích của Hans Christian Andersen, nhưng sau 1992, thế giới bóng đá đã được nhìn thấy một câu chuyện cổ tích thật sự trên sân cỏ. Bằng một cách nào đó, vô vàn những thứ không thể đã tập hợp lại với nhau để viết nên một kỳ quan sống của làng túc cầu.
Đan Mạch chỉ đứng thứ 2 sau Nam Tư ở bảng 4 Vòng loại EURO 1992. Vào thời điểm đó, chỉ có đội đứng đầu của 7 bảng vòng loại mới giành vé vào VCK cùng đội chủ nhà Thụy Điển.
Như vậy, các cầu thủ Đan Mạch sẽ phải xem EURO từ phòng khách nhà mình. Một số người thậm chí đã đi du lịch cùng gia đình để tận hưởng những ngày nắng đẹp nhất trong năm. Nhưng trước khi EURO 1992 khởi tranh chỉ đúng một tuần, tất cả thành viên của Đan Mạch được triệu tập để chuẩn bị bay sang... Thụy Điển.
Tư cách tham dự của Nam Tư đã bị tước vì những rắc rối nội bộ. Chiếc vé của họ bất đắc dĩ phải nhường cho Đan Mạch.
Trên thực tế, đây cũng không khác một kỳ nghỉ là bao với đội bóng Bắc Âu này. Thực lực của họ không được đánh giá cao, chưa kể ngôi sao lớn nhất Michael Laudrup bất hòa với HLV Richard Moller Nielsen và không tham dự. Để chốt hạ, Đan Mạch còn cùng bảng với 2 ông kẹ Anh, Pháp và chủ nhà Thụy Điển.
"Chúng tôi không thể thất bại vì chẳng có kỳ vọng nào cả", Kim Vilfort, thành viên huyền thoại của Đan Mạch 92 nhớ lại. "Nếu chúng tôi có thua 0-5 cả 3 trận vòng bảng thì cũng chẳng sao".
Trong tư tưởng của Vilfort cũng như các đồng đội, họ rất thoải mái. Kiểu như thay vì đi du lịch vòng quanh thế giới thì mùa hè này họ sẽ nghỉ dưỡng ở Thụy Điển, tham dự một vài trận bóng vui rồi lại trở về nhà.
Cho đến trận đấu cuối cùng ở vòng bảng gặp Pháp, sau khi đã hòa Anh và thua Thụy Điển, tư tưởng đó vẫn nằm trong đầu các thành viên Đan Mạch. "Chúng tôi bước vào trận đấu mà không một chút lo lắng bởi mọi người đều nghĩ mình sẽ phải về nhà", Vilfort nhấn mạnh.
Nhân chứng Vilfort không thể cùng các đồng đội nghênh chiến Pháp vì phải về nhà gấp gặp con gái 7 tuổi Line, cô bé tội nghiệp đang phải chống lại căn bệnh bạch cầu. Ông nghĩ rằng mình sẽ về nước trước, rồi các đồng đội sẽ về sau. Nhưng không thể ngờ, chính Vilfort lại phải quay lại Thụy Điển.
Sau 90 phút kịch tính, 2 bàn thắng của Henrik Larsen và Lars Elstrup giúp Đan Mạch hạ Pháp 2-1, qua đó lách qua khe cửa hẹp giành vé vào bán kết. Đến tận lúc đấy, tia hi vọng về một điều điên rồ mới bắt đầu nhen nhóm.
Vilfort trở lại trong trận bán kết để cùng các đồng đội nghênh chiến siêu cường Hà Lan - nhà ĐKVĐ của giải đấu. Với sự hứng khởi sẵn có, Đan Mạch 2 lần dẫn trước nhưng đều bị Oranje gỡ hòa. Thông thường, với những đội bóng cầm vàng mà để vàng rơi, gánh nặng tâm lý sẽ đè lên họ trong loạt luân lưu may rủi. Bản lĩnh của Hà Lan thì cũng là thứ không phải bàn cãi khi họ sở hữu quá nhiều cầu thủ kinh nghiệm và đẳng cấp thế giới.
Chỉ riêng 5 cái tên tham gia lượt đấu súng của Hà Lan đã có thể làm khiếp sợ bất cứ đối thủ nào: Ronald Koeman, Van Basten, Dennis Bergkamp, Frank Rijkaard và Robert Witschge.
Nhưng danh tiếng đôi khi không song hành với hiệu quả. Van Basten có thể volley bóng sống ở góc không tưởng lập siêu phẩm để đời nhưng luôn gặp khó khăn với quả bóng được đặt cố định ở khoảng cách 11m. Hơn nữa, trước mắt tiền đạo thuộc biên chế AC Milan còn là người khổng lồ Peter Schmeichel - thủ môn vừa ký hợp đồng gia nhập Man United 1 năm trước đó.
Van Basten sút hỏng, và là người duy nhất thất bại ở loạt luân lưu đó. Nhà đương kim vô địch trở thành cựu vương và hai tay dâng vé đi tiếp cho "ngựa ô" Đan Mạch trong sự tức tưởi.
Và khi đã đến ngưỡng cửa thiên đường, chắc hẳn không ai muốn làm người bình thường. Cứ gọi họ là kẻ mộng mơ nếu muốn nhưng những cầu thủ Đan Mạch của 29 năm về trước đều muốn hóa thân thành Andersen và viết lại câu chuyện cổ tích của đời mình.
Trước mặt họ chỉ là Đức thôi mà. Danh tiếng, các ngôi sao, sự ca tụng của truyền thông dành cho Cỗ xe tăng... những thứ đó chưa bao giờ đọng lại trong tâm trí những chú lính chì dũng cảm. Khát khao của họ nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh, ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào mà sạch banh.
Karl-Heinz Riedle, Stefan Reuter và Guido Buchwald bất lực trước tài nghệ của Schmeichel. Để rồi chương cuối của câu chuyện màu nhiệm được viết bằng 2 bàn thắng của John Jensen và chính Vilfort. Tin được không, Đan Mạch đã vô địch EURO 1992, dù rằng đến vé tham dự chính thức họ còn chẳng có.
"Chúng tôi không có cầu thủ xuất sắc nhất, nhưng chúng tôi có một tập thể xuất sắc nhất", lời của Vilfort - người hùng của thế hệ.