Bong da Viet Nam Bong da Viet Nam
EURO 2024 Nhật ký Euro

Kể chuyện EURO 1968: Nạn bạo lực quật ngã nhà vô địch thế giới

Thứ năm, 03/06/2021 09:35 (GMT+7)

Người Anh từng sung sướng vì năm 1966 chưa có công nghệ Goal-line nên "bàn thắng ma" của Geoff Hurst trong trận chung kết World Cup với người Đức mới được công nhận. Nhưng sau đó 2 năm, lại chính Tam sư hiểu được cảm giác của một nạn nhân trong thời kỳ mông muội của bóng đá.

ĐT Anh tiến tới EURO 1968 với tư cách đương kim vô địch thế giới sau chức vô địch đầy tranh cãi trên quê nhà. Đội quân xứ sương mù tự tin hơn bao giờ hết bởi đội hình gồm toàn hảo thủ như Bobby Moore, Bobby Charlton, Gordon Banks và Geoff Hurst. Nhưng rốt cuộc, người được nhớ tới nhiều nhất ở giải đấu đó lại là Alan Mullery, với tư cách là cầu thủ người Anh đầu tiên, và nổi tiếng nhất, bị đuổi ở một giải đấu lớn.

"Tôi không bao giờ có thể vượt qua được chuyện đó", Mullery nhớ lại. "Tôi đã thi đấu 700 trận trong suốt sự nghiệp từ tuổi 15 đến 34 nhưng mọi người chỉ nhớ về trận đấu đó, và một trận khác là khi tôi volley vào lưới Leicester. Pha bóng đó được chiếu đi chiếu lại trên chương trình Match of the Day vào tối thứ Bảy trong suốt một năm. Còn 698 trận còn lại, họ chẳng nhớ quái gì".

Kể chuyện EURO 1968: Nạn bạo lực quật ngã nhà vô địch thế giới - Ảnh 1
Danh thủ Alan Mullery

"Trận đấu đó" mà Mullery ám ảnh chính là bán kết EURO 1968 nơi nhà đương kim vô địch thế giới chạm trán Nam Tư. Ở thời điểm phút 89, Mullery và những đồng đội đang sốt ruột hơn bao giờ hết khi Anh bị dẫn 0-1 thì độ nhiên khoảnh khắc kinh hoàng đó diễn ra.

"Bobby Moore chuyền bóng cho tôi ở vạch giữa sân và khi đó tôi đang quay lưng về phía khung thành đối thủ. Tôi trả ngược bóng lại cho Moore thì đột nhiên một cái gầm giày lao đến và đạp thẳng vào bắp chân trái của tôi.

Bất kể gã kia có ý đồ gì thì đó là một pha chơi xấu kinh tởm. Đôi tất của tôi chuyển thành màu đỏ, máu bắt đầu túa ra khiến tim tôi sục sôi. Bằng tất cả sự tức giận, tôi quay lại và sút thẳng vào háng của hắn, tên hề đó đổ xuống như một bao tải. Trọng tài chỉ đứng cách đó 3 mét và ông ta đuổi luôn tôi ra khỏi sân. Thất vọng một phần vì thời gian không còn nhiều, nhưng thất vọng lớn hơn vì trọng tài chẳng hề bảo vệ cầu thủ Anh một chút nào".

Kể chuyện EURO 1968: Nạn bạo lực quật ngã nhà vô địch thế giới - Ảnh 2
Alan Mullery là cầu thủ người Anh đầu tiên nhận thẻ đỏ ở một giải đấu lớn

"Tên hề" mà Mullery nói là Dobrivoje Trivic - người đã hoàn thành "xuất sắc" nhiệm vụ của mình ngày hôm đó khi không cho bất cứ cầu thủ người Anh nào sạch sẽ rời sân. 

Tiếng còi chung cuộc vang lên, Anh hết cơ hội giành chức vô địch. Mullery tiến vào phòng thay đồ với sự ái ngại khủng khiếp khi nhìn vào mắt đồng đội và HLV huyền thoại Alf Ramsey. 

"Tôi xin lỗi mọi người ở đó", Mullery bồi hồi. "Nhưng Alf thật tốt. Ông ấy đến gần, nhìn vào tôi và nói: "Tôi mừng vì có ai đó trả thù mấy thằng khốn đó". Chính Alf cũng rất tức giận về pha bóng đó".

Kể chuyện EURO 1968: Nạn bạo lực quật ngã nhà vô địch thế giới - Ảnh 3
Dobrivoje Trivic (bên trái)

Ramsey đi vào huyền thoại không chỉ bởi chức vô địch World Cup 1966 mà còn vì được kính trọng bởi các học trò. Khi trở lại Anh, liên đoàn bóng đá phạt Mullery 50 bảng. Hãy nhớ rằng, mức lương trung bình của một cầu thủ MU năm 1968 chỉ là 204 bảng/năm, đủ thấy con số 50 bảng lớn lao tới nhường nào. Một con số điên rồ nhưng xứng đáng với tội nhân thiên cổ của quốc gia. Dẫu vậy Ramsey đã đứng ra trả hết cho Mullery.

Quay lại Italia để hoàn thành trận tranh hạng Ba với Liên Xô, Mullery cũng đi cùng đồng đội. Từ trên khán đài, ông ấm lòng khi nhìn thấy các đồng đội hạ gục nhẹ nhàng nhà vô địch EURO 1960, nhưng càng áy náy hơn khi tưởng tượng ra cảnh Tam sư đã có thể lội ngược dòng trước Nam Tư nếu có đủ người.

Kể chuyện EURO 1968: Nạn bạo lực quật ngã nhà vô địch thế giới - Ảnh 4
Đội tuyển Anh đánh bại Liên Xô trong trận tranh hạng 3 Euro 1968

"Tôi cảm thấy thật ngu ngốc, đến bây giờ vẫn vậy. Nhưng rất nhiều cú xoạc bóng của họ ngày hôm đó thật man rợ", Mullery dằn vặt. "Ở thời đó, không có nhiều camera để quay lại những tình huống không có bóng. Nếu trận đấu đó diễn ra trong thời đại này, nó sẽ dừng chỉ sau 20 phút bởi Nam Tư chỉ còn 6 cầu thủ trên sân, còn chúng tôi cũng chỉ còn 9. Những người kia nhận thẻ đỏ cả rồi".

Nhưng chỉ có nếu tồn tại trong nỗi luyến tiếc của Mullery, còn máu của ông mới là thứ thực sự được nhìn thấy. Nó nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ mà những tên côn đồ lộng hành thoải mái trên sân cỏ, và bóng đá là trò chơi của máu và nước mắt đúng nghĩa.