Hữu hảo 2 nền bóng đá, tấm gương vượt khó của phụ nữ 2 nước Việt - Mỹ
Thứ bảy, 22/07/2023 12:03 (GMT+7)
Hai nền bóng đá nữ Việt Nam và Mỹ tưởng như rất xa vời nhưng vẫn có những điểm chung đáng ngưỡng mộ. Và điểm chung nhất, chính là ý chí phấn đấu để được thừa nhận.
So sánh hai đội tuyển, hai nền bóng đá nữ Việt Nam và Mỹ xem ra rất khập khiễng. Một bên là nhà ĐKVĐ, đội bóng đã đăng quang đến một nửa số lần World Cup nữ được tổ chức (4/8), một bên là đội bóng tân binh, với những cô gái hầu như chưa được biết đến ở sân chơi thế giới dành cho nữ.
Trận đấu vừa qua tại sân Eden Park cũng phản ánh rõ chênh lệch ấy. Mỹ dứt điểm 27, với 9 lần đi trúng đích và 3 lần thành bàn. Bên phía Việt Nam, tất cả chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí khi tiền vệ Mỹ Anh tạt bóng ở cuối trận, người ta mới có lần hiếm hoi được chứng kiến thủ thành của tuyển Mỹ chạm tay đến trái bóng.
Chất lượng về chuyên môn chênh nhau trời vực. Và cũng phải thừa nhận rằng còn rất lâu thì Việt Nam mới có thể rút ngắn khoảng cách với các cô gái Mỹ, những người luôn thi đấu với đẳng cấp cao nhất, nhận được điều kiện tập luyện, thi đấu và hưởng mức thù lao tốt nhất thế giới.
Nhưng trước khi có được ngày hôm nay, những nữ cầu thủ Mỹ cũng phải hứng chịu vô số thiệt thòi. Phải mất một thời gian dài, họ mới được xã hội nhìn nhận công bằng hơn. Về khía cạnh này, thực sự các cô gái Mỹ và Việt Nam có chung một xuất phát điểm.
Bóng đá nữ thiệt thòi hơn bóng đá nam. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Vì không phải ở đâu trên thế giới cũng xảy ra tình trạng này. Tại Australia, từ năm 2015 LĐBĐ nước này đã duy trì chế độ đãi ngộ giữa nam và nữ ngang nhau, dù xét về thành tích tại World Cup, đội tuyển nữ chỉ nhỉnh hơn tuyển nam một chút (các cô gái Australia vào sâu nhất là tứ kết còn đội tuyển nam là vòng 1/8).
Chế độ đãi ngộ được xem là “mặc định” của Australia, lại là điều mà các cô gái Mỹ phải mất một hình trình đấu tranh gian khổ mới đạt được, bất kể thành tích của họ vượt trội hoàn toàn.
Sau nhiều lần lên tiếng, thậm chí kiện LĐBĐ nước nhà ra tòa án Liên bang, tuyển nữ Mỹ mới được đối xử như các đồng nghiệp nam, từ cơ sở vật chất tập luyện, tần suất tập luyện, cách được huấn luyện, điều trị y tế... và đặc biệt là thù lao khi khoác áo ĐTQG.
Tại Việt Nam là một “cuộc đấu tranh” âm thầm, trước tiên là để thay đổi cách nhìn nhận từ phía NHM. Vì bấy lâu nay, nhắc đến bóng đá, tất cả luôn mặc định đây là sân chơi dành cho phái mạnh. Chính các cô gái cũng bị gia đình ngăn cản nhiều khi đến với trái bóng chứ chưa nói gì tới việc tỏa sáng và đóng góp cho ĐTQG như các đồng nghiệp nam.
Nhưng bằng tất cả nỗ lực, sự khổ luyện và ý chí chiến đấu, các cô gái Việt Nam đã vượt qua nghịch cảnh. Họ đã và đang được thừa nhận rộng rãi hơn, sống tốt với nghề hơn.
Chứng kiến hàng vạn CĐV hò reo khi tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games, gây ấn tượng ở Asian Cup và mới nhất là bước ra đấu trường World Cup, ta có thể hiểu phần nào sự quan tâm lớn lao từ NHM cho các cô gái đá bóng.
Như các nữ cầu thủ Mỹ hay châu Âu, những chị em đá bóng ở Việt Nam đã phải đi trên một hành trình dài để khẳng định mình. Và qua hành trình ấy, họ đã trở thành tấm gương vượt khó của phụ nữ ở hai quốc gia.