Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc bị chất vấn trước thềm ASIAD 2022
Thứ năm, 21/04/2022 19:05 (GMT+7)
Với việc ASIAD 2022 chuẩn bị khởi tranh, cộng đồng người hâm mộ Esports Hàn Quốc không ngừng săn lùng những thông tin liên quan tới những tuyển thủ sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, những gì mà Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA) làm gần đây khiến người hâm mộ phải đặt ra 4 câu hỏi lớn xung quanh việc chọn đội hình đội tuyển quốc gia.
Thời gian công bố đội tuyển đại diện cho Hàn Quốc tham dự ASIAD 2022 đã có sự thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, việc này vốn sẽ diễn ra vào thứ Sáu và thứ Bảy tuần trước. Tuy nhiên, việc công bố đội tuyển đại diện cho Hàn Quốc tham dự ASIAD 2022 hiện đã bị lùi lại 4 ngày so với thông báo trước đó.
Hiệp hội Thể thao điện từ Hàn Quốc (KeSPA), đơn vị chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn đội hình cho ASIAD 2022 thông báo: “Quy định ngặt nghèo về việc cách ly phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc khiến cho các đội tới từ đất nước này gặp nhiều khó khăn trong việc nhập cảnh vào Hàn Quốc. Đồng thời, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước hiện nay cũng trở thành quan ngại lớn với các đội nước ngoài khi họ phải phải kéo dài thời gian ở Hàn Quốc trước khi chính thức bước vào thi đấu tại MSI. Sự mong đợi của khán giả cũng khiến cho những tuyển thủ dự bị và các HLV cảm thấy áp lực hơn bao giờ hết trước khi tham gia vào trận đấu đánh giá”.
KeSPA đang phải hứng chịu cơn mưa chỉ trích từ công chúng. Nhiều người cho rằng KeSPA đang điều hành theo cách quá nóng vội. Hơn nữa, KeSPA còn khiến cho nhiều người phải đặt ra câu hỏi khi lên lịch tổ chức trận đấu đánh giá năng lực cho ASIAD 2022 ở Gwangju.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là về sự thay đổi trong cách thức lựa chọn tuyển thủ. KeSPA cho biết, trước khi công bố danh sách tuyển thủ sơ bộ, họ sẽ xác định 6 tuyển thủ đại diện quốc gia thông qua việc “tuyển chọn”. Tuy nhiên, sau khi danh sách tuyển thủ sơ bộ được công bố, KeSPA lại thông báo rằng 6 tuyển thủ sẽ được lựa chọn thông qua việc tổ chức trận đấu đánh giá năng lực. Sau đó, KeSPA lại nói họ sẽ duy trì việc “tuyển chọn” đội hình như trước, nhưng trên thực tế, có nhiều luồng thông tin cho rằng họ đang “lật lọng” so với thông báo đưa ra ban đầu.
Đội tuyển phải chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu phải tham gia trận đấu đánh giá là T1. Đội hình một của T1 với 5 thành viên đều sẽ tham gia trận đấu tuyển chọn lần này. Hiện nay, T1 đang tích cực luyện tập không ngừng để chuẩn bị cho MSI 2022 khởi tranh vào ngày 10/5 tới đây. Điều này khiến cho cả đội T1 chắc chắn không có thời gian để nghỉ ngơi. Dưới tình huống như vậy, T1 vẫn phải dành thời gian tham gia trận đấu tuyển chọn của KeSPA.
Tuyển thủ đường giữa của T1, Lee “Faker” Sang Hyeok đã chia sẻ suy nghĩ của mình về trận đấu đánh giá trong buổi phát sóng cá nhân: “Gần đây tôi thực sự mệt mỏi. Kể cả tôi có nói ra như thế này thì cũng chẳng cải thiện được điều gì cả”. Các thành viên khác của T1 cũng thổ lộ rằng họ rất mệt mỏi với việc vừa phải chuẩn bị cho trận đấu đánh giá, vừa phải quay quảng cáo, tham gia nhiều lịch trình khác nhau. Tuyển thủ đi rừng của T1, Moon “Oner” Hyun Jun cũng thừa nhận: “Thậm chí chúng tôi còn phải quay quảng cáo cho trận đấu đánh giá, hình như mọi chuyện đi quá xa rồi”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng các tuyển thủ bị loại khỏi đội hình quốc gia bị đối xử một cách thiếu quan tâm. Các tuyển thủ tham gia trận đấu đánh giá sẽ mất hoàn toàn kỳ nghỉ giữa các mùa giải và thậm chí phải tham gia tập huấn tập trung 1 tuần. Tuy nhiên, khi những tuyển thủ này bị loại khỏi đội hình sơ bộ thì họ lại không nhận được một chút bù đắp nào. Tuyển thủ Lee Ji Hoon (Chovy) đến từ Gen.G Esports chỉ trích việc này giống như “Hệ thống biến 4 tuyển thủ bị loại thành những người đần độn”.
Theo đó, KeSPA đã đưa ra phản hồi về thông tin này như sau: “Trận đấu đánh giá được tổ chức dưới hình thức tập hợp tất cả các đội để họ thi đấu cùng nhau, từ đó mỗi đội chọn ra một đội khác. Còn việc ‘tuyển chọn’ đã nhắc đến trước đó là việc tập hợp các tuyển thủ ở mỗi đội, nhằm tìm hiểu kỹ năng của tuyển thủ đó để tìm ra một tuyển thủ đại diện cho cả đội. Phương thức lựa chọn đội hình của chúng tôi không thay đổi. Việc tổ chức trận đấu đánh giá là cần thiết trong việc đánh giá năng lực hiện tại của tuyển thủ có đủ tốt để vào đội tuyển quốc gia hay không”.
Câu hỏi thứ 2 dành cho KeSPA nằm ở việc: “Tại sao trận đấu đánh giá lại được tổ chức ở Gwangju”. Khi KeSPA muốn sử dụng trung tâm Esports ở các địa phương để tổ chức trận đấu đánh giá, họ có thể lựa chọn 1 trong 3 trung tâm ở Busan, Daejeon hay Gwangju. Cuối cùng, theo thông tin từ Inven, các trung tâm của Busan và Daejeon không nhận được liên hệ từ phía KeSPA.
Trả lời cho việc này, KeSPA thông báo: “Chúng tôi đã cân nhắc đến 3 trung tâm sự kiện để tổ chức trận đấu đánh giá cho kỳ ASIAD 2022 sắp tới. Với tiêu chí có thể gặp gỡ nhiều người hâm mộ nhất có thể được đặt lên hàng đầu, chúng tôi đã quyết định lựa chọn trung tâm Esports Gwangju. Sau khi trao đổi, phía trung tâm Esports Gwangju đã cho thấy thiện chí hợp tác, vậy nên chúng tôi không lên hệ với các trung tâm còn lại”.
Câu hỏi thứ 3 được đặt ra cho KeSPA là về những tranh cãi xung quanh các thành viên của Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe tuyển thủ. Theo thông tin đã được công bố, Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe tuyển thủ sẽ bao gồm 1 thành viên có xuất thân là tuyển thủ, 1 trưởng ban, 1 Chủ tịch của tổ chức thể thao tỉnh/thành phố, 1 người không phải tuyển thủ thể thao và 1 thành viên nữ.
Tranh cãi xuất hiện xung quanh việc thành phần của Ủy ban này bao gồm “1 người không phải tuyển thủ và 1 thành viên nữ”. Ở sự kiện ASIAD 2022, các tuyển thủ tham dự không những nhận được đặc quyền miễn nghĩa vụ quân sự, mà còn mang trên mình trọng trách đem vinh quang về cho đất nước “quê nhà” của Esports. Với việc phải liên tục cải thiện trạng thái của tuyển thủ trong các trận đấu, người ta đặt ra câu hỏi về việc 1 người không xuất thân từ tuyển thủ Esports và 1 thành viên nữ sẽ có thể làm được những gì.
Giải thích cho vấn đề này, KeSPA chia sẻ: “Người không xuất thân từ tuyển thủ Esports có vai trò quan trọng trong Ủy ban. Bên cạnh tuyển thủ thì nền công nghiệp Esports có nhiều chuyên gia khác như các công ty quản lý và các công ty truyền hình. Để cải thiện khả năng thi đấu của các tuyển thủ, chúng ta cũng cần phải cân nhắc tới các yếu tố bên ngoài game. Những vấn đề đó sẽ được người không xuất thân từ Esports hỗ trợ giải quyết”.
Về chuyện có 1 thành viên nữ nữ trong Ủy ban, KeSPA giải thích: “Việc bổ sung một thành viên nữ là nhằm lắng nghe những câu chuyện của phái yếu về thể thao điện tử trong xu hướng ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc phát triển thể thao cho phái nữ trên toàn cầu. Thực tế là, dù thế nào thì chúng tôi vẫn sẽ bổ sung 1 thành viên nữ vào Ủy ban vì đó là quy định của Ủy ban Công bằng Thương mại Esports”.
Câu hỏi cuối cùng dành cho KeSPA là về một tiểu ban cuối cùng chưa được công bố. KeSPA hiện vẫn chưa công bố thông tin về tiểu ban tham gia vào quá trình chọn ra đội hình LMHT của Asian Games 2022. Điều này đang gây ra rất nhiều tranh cãi vì những tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn tuyển thủ không rõ ràng và không ai rõ tiểu ban này được cấu thành từ những nhân viên nào.
Chia sẻ về tiểu ban chưa được công bố này, KeSPA tiết lộ: “Hiện tại có quá nhiều thông tin nhiễu loạn bên ngoài có thể gây ảnh hưởng tới quá trình chọn lựa tuyển thủ một cách công bằng của tiểu ban. Thông về tiểu ban này được giữ kín hoàn toàn nhằm đảm bảo rằng không một áp lực từ phía ngoài nào có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn đội hình cuối cùng của họ”. Đồng thời, KeSPA cũng xác nhận rằng họ sẽ thông báo danh tính của 6 người trong tiểu ban này sau khi hoàn thành việc công bố đội hình chính thức tham dự ASIAD 2022.