Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam V League

Hành trình từ đại gia đến con nợ rồi vỡ nợ của Than Quảng Ninh

Thứ tư, 25/08/2021 15:08 (GMT+7)

Việc CLB Than Quảng Ninh thông báo dừng hoạt động 1 năm kể từ ngày 25/8 và thanh lý hợp đồng toàn đội là cái kết buồn cho giai đoạn hưng thịnh của đội bóng dưới thời ông bầu Phạm Thanh Hùng.

Trong suốt giai đoạn 2007-2013, Than Quảng Ninh là đại diện quen thuộc của Giải hạng Nhất. Cho đến mùa 2013, việc giành ngôi á quân khi chỉ kém Quảng Nam về hiệu số đã mang về cho CLB này tấm vé lên chơi tại V.League 2014. Đó cũng chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của đội bóng đất Mỏ.

Tháng 8/2014, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold Corp), tiếp quản Than Quảng Ninh và thành lập Công ty TNHH MTV Bóng đá Than Quảng Ninh, đánh dấu một chương mới trong lịch sử đội bóng.

Hành trình từ đại gia đến con nợ rồi vỡ nợ của Than Quảng Ninh - Ảnh 1
Than Quảng Ninh sẽ dừng hoạt động trong 1 năm kể từ hôm nay (25/8).

Bầu Hùng đã thổi một luồng gió mới vào Than Quảng Ninh với nguồn tài chính mạnh mẽ cùng niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá. Ông đàm phán giữ chân các trụ cột của CLB, chiêu mộ hàng loạt tân binh chất lượng với mục tiêu biến Than Quảng Ninh trở thành thế lực mới tại V.League.

Thực tế, kể từ khi lên chơi tại hạng đấu cao nhất Việt Nam, Than Quảng Ninh thi đấu ổn định và chưa từng văng khỏi top 6. Giai đoạn thăng hoa nhất của CLB này bắt đầu khi bầu Hùng đưa HLV Phan Thanh Hùng về sân Cẩm Phả sau khi chiến lược gia người Đà Nẵng chia tay Hà Nội T&T hồi 2016.

Trước đó, vị doanh nhân sinh năm 1964 thậm chí còn đàm phán với HLV Toshiya Miura và sẵn sàng trả mức lương 20.000 USD/tháng. Song, việc thuyền trưởng người Nhật Bản từ chối đã góp phần tạo nên mối lương duyên của "song Hùng" và cũng đánh dấu giai đoạn cực thịnh của Than Quảng Ninh.

Mùa bóng 2016, đội bóng đất Mỏ chỉ cán đích thứ 4 tại V.League, nhưng giành cú đúp vô địch Cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia. Năm 2017 chứng kiến Than Quảng Ninh lần đầu tiên tham dự vòng bảng AFC Cup và vẫn duy trì thứ hạng tại sân chơi V.League.

Hành trình từ đại gia đến con nợ rồi vỡ nợ của Than Quảng Ninh - Ảnh 4
Than Quảng Ninh chưa từng văng khỏi top 6 kể từ khi lên chơi tại V.League hồi 2014.

Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính bắt đầu hiện diện khi đội bóng này không thể giữ chân ngôi sao số một Vũ Minh Tuấn ở thời điểm anh hết hạn hợp đồng vào năm 2018. Người từng được HLV Miura lựa chọn là Quả bóng Vàng Việt Nam với vị thế số một ở CLB muốn nhận liền một lúc khoản lót tay khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình tài chính khó khăn khiến Than Quảng Ninh buộc phải để Minh Tuấn đầu quân cho CLB Thanh Hóa, khi đó đang được FLC đầu tư mạnh.

Mất đi ngôi sao số một, Than Quảng Ninh vẫn sống tốt với những trụ cột như Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Hải Huy... và đặc biệt là khả năng chèo lái của HLV Phan Thanh Hùng. Trong giai đoạn 2018-2020, đội bóng cán đích lần lượt thứ 5, 3 và 4 ở sân chơi V.League.

Thế nhưng, khủng hoảng ập đến khi nhà tài trợ Than khoáng sản Việt Nam, đơn vị đóng góp trên 50% kinh phí vận hành của đội tuyên bố rút lui. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, một mình bầu Hùng không thể cáng đáng nuôi CLB. Sức chịu đựng của vị doanh nhân này ngày càng đến giới hạn, cả cầu thủ và HLV cũng cùng chung cảnh ngộ.

HLV Phan Thanh Hùng chia tay Than Quảng Ninh để trở về quê nhà trước khi nhận lời dẫn dắt CLB Đà Nẵng. Hàng loạt trụ cột của đội ra đi sau mùa giải V.League 2020, đến nỗi Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú, những người trước đó đã sang CLB Hải Phòng thi đấu dưới dạng cho mượn phải thốt lên đầy ngao ngán: "Đi về không thấy đồng đội đâu".

Hành trình từ đại gia đến con nợ rồi vỡ nợ của Than Quảng Ninh - Ảnh 3
Hải Huy là cầu thủ đầu tiên nhận giấy thanh lý hợp đồng nhưng không biết khi nào mới có thể lấy lại số tiền CLB còn nợ.

Những cầu thủ vì món nợ ân tình với bầu Hùng mà ở lại cũng đã đạt tới đỉnh của sức chịu đựng. Họ buộc phải đệ đơn cầu cứu khi khoản phí lót tay, lương và thưởng bị CLB nợ trong nhiều tháng. Các cầu thủ phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống gia đình, thậm chí làm nghề tay trái trong thời gian bóng đá tạm ngưng.

Tổng số tiền Than Quảng Ninh nợ các cầu thủ và nhân viên đã lên tới 70 tỷ đồng, vượt quá khả năng chi trả của các nhà tài trợ và bầu Hùng. Tính đến tháng 8, các cầu thủ đã bị nợ 4 tháng lương, trong khi nhân viên CLB là 9 tháng. Bản thân bầu Hùng cũng nhiều lần viết đơn xin trả lại đội bóng cho tỉnh nhưng chưa được thông qua. Từ vị thế đại gia, Than Quảng Ninh trở thành con nợ.

Chưa đầy 1 ngày sau cuộc họp chiều 24/8, khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng đại diện các CLB thống nhất hủy V.League 2021, Than Quảng Ninh tuyên bố dừng hoạt động trong 1 năm và bắt đầu tiến hành thanh lý hợp đồng cho các cầu thủ. Thủ quân Hải Huy là người đầu tiên nhận giấy quyết định. Song, số tiền CLB nợ các cầu thủ và nhân viên chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn trả.

Tương lai của đội bóng đất Mỏ đang trở nên bất định. Nếu tỉnh Quảng Ninh không thể tìm nhà tài trợ mới để giải quyết chuyện lương thưởng của các cầu thủ, CLB sẽ không thể hoạt động trở lại. Nhiều kịch bản được vạch ra cho tương lai của đội bóng này, từ việc xóa sổ, bán suất dự V.League cho đến làm tại từ đầu từ Giải hạng Ba.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá