Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Tennis Wimbledon

Hành trình bước ra ánh sáng của Tàu tốc hành Roger Federer - Kỳ 1: Ông vua không ngai

Chủ nhật, 04/07/2021 07:12 (GMT+7)

Roger Federer đang bước những bước sau cùng của con đường sự nghiệp trải đầy nhung lụa. Nhìn cái cách Tàu tốc hành xuất sắc vượt qua Cameron Norrie 3-1 ở vòng 3, bất giác hình ảnh về chàng trai 22 tuổi chơi tennis đầy say mê ở Wimbledon 2003 lại vọng về trong tâm trí nhiều người.

Federer & Sự mê say của tuổi 39

Roger Federer có lẽ đang trải qua giải Wimbledon cuối cùng trong sự nghiệp. Hành trình mà tay vợt sắp bước sang tuổi 40 người Thụy Sĩ đã và đang đi tại giải Grand Slam ở London, tất cả đều phải thừa nhận rằng Tàu tốc hành đang đi về chặng cuối.

Hành trình bước ra ánh của Tàu tốc hành Roger Federer - Kỳ 1: Ông vua không ngai - Ảnh 2
Federer đang chơi với mục tiêu giành Grand Slam thứ 21 sự nghiệp

Trước Adrian Mannarino ở vòng 1, Richard Gasquet vòng 2 và Cameron Norrie rạng sáng nay, Roger Federer đã chơi bằng tất cả sự kiên nhẫn - những kỹ năng của một tay vợt thượng thừa - và hơn hết là niềm kiêu hãnh của một nhân vật vĩ đại bậc nhất của giới tennis (nếu không muốn nói là vĩ đại nhất).

Tinh thần không bỏ cuộc đã hiện diện ở Roger Federer từ ngày đầu - không chỉ là của Wimbledon 2021 mà là xuyên suốt sự nghiệp. Nhìn FedEx nỗ lực trong từng điểm số với Norrie, những người theo dõi Federer đã lâu như tìm lại chàng trai trẻ thi đấu với niềm đam mê không cùng tận năm 2003, để rồi ẵm Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp trên chính mặt sân cỏ London.

Vậy 18 năm trước - khi Federer chưa có gì và 18 năm sau - khi trong tay anh là cả một sự nghiệp huy hoàng, Federer đã chơi tennis ra sao? Hãy cùng ngược lại dòng thời gian, để hiểu tại sao hôm nay thế giới tennis lại tôn sùng “anh móm” đến vậy.

Roger Federer bắt đầu sự nghiệp tennis chuyên nghiệp năm 1998, tại giải Rado Open. Như một lẽ tất yếu, chàng trai 17 tuổi đến từ dãy Alps thua ngay vòng 1, khi phải đối đầu Lucas Arnold Ker. Thất bại đầu tay hóa ra lại là đòn bẩy tuyệt vời, đưa Roger lên hàng những tay vợt triển vọng nhất trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21.

Nhưng Federer khi đó cũng giống như những Stefanos Tsitsipas, Daniil Medvedev hay Alexander Zverev hôm nay vậy, điều anh thiếu là những Grand Slam để xác lập vị thế của một tay vợt hàng đầu. Trong khoảng 4 năm rưỡi, Federer đã luôn chơi tennis với niềm hoang hoải về một lần được đứng trên bục vinh quang, dù là ở Melbourn, Paris, London hay New York.

Đỉnh điểm của sự chờ đợi, đó là mùa giải năm 2002. Huấn luyện viên Peter Lundgren đặt niềm tin trọn vẹn vào cậu học trò: “Federer có thể đánh bại mọi tay vợt, và ở thời điểm hiện tại, không phải ai cũng đủ khả năng loại cậu ấy ra khỏi cuộc chơi”. 

Federer - ông vua không ngai

Nhưng nói thì dễ, làm bao giờ cũng khó. Federer kết thúc toàn bộ các giải Grand Slam trong năm 2002 mà không mảy may 1 lần nâng cúp, nối dài thành tích đáng buồn toàn bại trong 14 lần dự các giải Grand Slam. Năm 2002 đầy kỳ vọng đó, tối đa Federer đều chỉ đi đến tứ kết ở Australian Open và US Open đầu và cuối năm, trong khi 2 giải đấu giữa năm là Roland Garros và Wimbledon đều thất bại thảm hại ngay từ vòng 1.

Hành trình bước ra ánh của Tàu tốc hành Roger Federer - Kỳ 1: Ông vua không ngai - Ảnh 1
Federer từng bị ám ảnh vì không có Grand Slam

Việc lọt vào top những tay vợt xuất sắc nhất thế giới năm 2002 để có vé tham dự Masters Cup 2002 (tiền thân của ATP World Tour Finals ngày nay) chẳng những không làm Federer nguôi ngoai nỗi buồn, trái lại còn ảnh hưởng đến tiến trình hướng đến Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của chàng móm. 

Không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho mùa giải 2003, Roger Federer đi qua hành trình Australian Open 2003 với những trải nghiệm chẳng hề dễ chịu. Bất chấp việc thắng như chẻ tre 3 trận đầu khi không để thua dù chỉ 1 set, Federer vẫn mau chóng khép lại giấc mộng Grand Slam đầu tiên tại xứ sở chuột túi ngay từ vòng 4. 

Kẻ đã giải mã giấc mơ của Federer, đó chính là David Nalbadian. 2 lần trước, FedEx đã thua, và ở lần thứ 3 cũng không có gì khác biệt. Một trận đấu 5 set đầy cay đắng, khi Federer luôn ở trong tâm thế kẻ phải bám đuổi: Thua set đầu 4-6 sau đó thắng 6-3, rồi lại thua 1-6 trước khi phục thù 6-1. Set 5 định mệnh, nền tảng thể lực cạn kiệt là hậu quả của quá trình chuẩn bị sơ sài đã báo hại Federer, anh thua luôn 3-6!

Khi trẻ, người ta có nhiều cơ hội. Roger Federer cũng thế. Trận thua Nalbadian cùng việc lọt vào chung kết Rome Masters trở thành động lực để Tàu tốc hành hướng về Paris với tham vọng lớn lao. Nhưng Roland Garros chưa bao giờ là giải đấu của Federer và Paris cũng không là Mũi Hảo Vọng. Tòa tháp Roger Federer mau chóng sụp đổ dưới chân Luis Horna Biscari - tay vợt khi đó xếp hạng 88 thế giới và chỉ vươn lên vị trí 33 tốt nhất sự nghiệp.

82 cú đánh hỏng, 2 lần thua trong loạt tie-break, mặt sân đỏ mau chóng khép lại giấc mộng đêm hè nước Pháp. Roger Federer - cho đến tháng 6/2003, vẫn chỉ như ông vua không ngai và hành trang Grand Slam của chàng trai 22 tuổi dãy Alps là con số 0 tròn trĩnh.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá