Hà Lan vs Romania: Cơn lốc Da Cam khẳng định khát khao chinh phục vinh quang
Thứ ba, 02/07/2024 08:45 (GMT+7)
Có lẽ đã lâu lắm rồi, người hâm mộ Hà Lan thực sự thèm khát những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như thế này. Ấy vậy nhưng ngót nghét cả thập kỷ sau cú Flappy Bird để đời ấy của Van Persie; thật buồn khi Cơn lốc Da Cam oai hùng chỉ còn là cơn gió thổi hiu hiu.
Liên tiếp thất bại ở các giải đấu lớn, thậm chí từng chẳng vượt qua vòng loại. Và phải mãi đến tận thời gian gần đây, bóng đá Hà Lan mới thực sự trở lại. Khởi đầu là World Cup 2022, và chẳng còn điểm chạm nào cảm xúc hơn tại chính EURO 2024 hết.
Ấy vậy mà sau khởi đầu thuận lợi, dường như sự thất vọng vẫn còn vương trong tâm trí người hâm mộ xứ sở hoa Tulip. Hà Lan dù vẫn bước tiếp vào vòng knock out, nhưng lại chẳng bằng phong cách huỷ diệt như mong đợi. Cơ mà trước đối thủ là Romania, thì một chiến thắng cùng tấm vé vào chơi tại Tứ kết xem ra không phải là nhiệm vụ bất khả thi đối với thầy trò Ronald Koeman.
Thực tế dù cùng chung khu vực, nhưng đây mới chỉ là lần thứ hai Hà Lan và Romania gặp nhau ở giải đấu lớn (đã bao gồm cả EURO và World Cup). Trong đó Cơn lốc màu cam đã giành chiến thắng 2-0 ở vòng bảng EURO 2008.
Việc cả 2 ít khi gặp nhau phần lớn đến từ việc nền bóng đá Romania đã bị chững lại đáng kể, kéo theo hệ luỵ họ liên tục vắng mặt tại các ngày hội danh giá nhất. Đặc biệt hơn nếu xét về khía cạnh lịch sử, thì đây mới là lần đầu Romania lọt vào vòng loại trực tiếp của một giải đấu lớn kể từ EURO 2000, khi họ bị Italia loại ở tứ kết.
Tuy vậy, việc chỉ giành chiến thắng ở 1/7 trận gần nhất tại các giải đấu lớn, lại chẳng khiến Romania e dè khi đối đầu với Hà Lan lần này. Đội tuyển áo vàng đang hồi sinh vô cùng mạnh mẽ khoảng thời gian gần đây. Chỉ cần quan sát đội bóng của HLV Edward Iordanescu thi đấu, ta hoàn toàn có thể khẳng định đây chính là một trong những đội bóng đáng xem nhất tại EURO 2024.
Đoàn quân Iordanescu sở hữu lối chơi giàu năng lượng, kiên trì và có những cầu thủ đậm chất kỹ thuật ở tuyến giữa như Razvan Marin và Nicolae Stanciu – những người đóng vai trò trái tim cũng như linh hồn sáng tạo của Romania.
Dẫu cho bảng E đã tạo nên sự cân bằng độc nhất lịch sử, với cả 4 đội có cùng 4 điểm. Nhưng Ianis Hagi cùng đồng đội hoàn toàn đủ tự tin, để bước tới vòng knock out với vị thế đầu bảng.
Thất bại 0-2 trước Bỉ nhanh chóng được lấp đầy với màn thảm sát Ukraina 3-0 ngày ra quân. Sau đó là trận chiến quá đỗi can trường trước Slovakia ở vòng cuối, quả thực Romania là một kẻ thách thức không hề đơn giản tại EURO kỳ này.
Chính vì lẽ đó nên dù vẫn được đánh giá cao hơn, nhưng giới chuyên môn lại không gửi gắm niềm tin tuyệt đối nơi Hà Lan. Thậm chí, Cơn lốc màu da cam chưa cho khán giả nhà cảm giác yên tâm trước thềm vòng 1/8.
Thất bại bất ngờ trước Áo ở lượt trận cuối bảng D, đã đẩy Hà Lan xuống vị trí thứ 3, và đương nhiên đó là thứ hạng không thể chấp nhận. Trước khi giải đấu diễn ra, Hà Lan được đánh giá sẽ dễ dàng trở thành một trong 2 đội đứng đầu bảng. Có chăng họ sẽ có trận chiến với Pháp để phân tranh ngôi bá chủ.
Cơ mà sau cùng, những gì đoàn quân Koeman vẫn đang để lại thất vọng. HLV Ronald Koeman đã thử nghiệm nhiều cầu thủ khác nhau từ đầu giải, nhưng vẫn chưa tìm được sự cân bằng phù hợp trong đội hình xuất phát cho đội nhà. Trục dọc Cody Gakpo - Tijjani Reijnders - Virgil Van Dijk không thể nói đã mang lại hiệu quả cần thiết cả trong tấn công lẫn phòng thủ.
Chân sút thuộc biên chế Liverpool đã ghi 2 bàn thắng tại EURO 2024, sút trung bình 2,3 lần mỗi trận. Song, ở những trận cầu mang tính sinh tử thế này, Gakpo cần phát huy được kỹ năng dứt điểm hiệu quả của mình để góp phần giúp đội nhà vào tứ kết EURO 2024.
Có một chi tiết rất đáng lưu ý. Đó chính là Hà Lan đã thua cả 3 trận đấu loại trực tiếp gần nhất tại các Vòng chung kết EURO: bao gồm thất bại trước Bồ Đào Nha (1-2 ở bán kết năm 2004), Nga (1-3 tứ kết năm 2008) và Cộng hoà Séc (0-2 ở 1/8 EURO 2020).
Điều đó có nghĩa nếu tiếp tục nhận trái đắng trước Romania, Cơn lốc da cam sẽ xô đổ kỷ lục buồn, và trở thành đội thứ hai thua 4 trận knock-out liên tiếp trong lịch sử giải đấu, sau Nam Tư cũ từ năm 1968 đến năm 2000. Chính vì lẽ đó, áp lực đặt lên đôi chân của Van Dijk cùng đồng đội là không hề nhỏ.
Rất may, Hà Lan đang được lịch sử ủng hộ, khi họ đã thắng Romania 4 trên 5 trận gần nhất. Lần cuối Hà Lan thất bại trước đối thủ đã từ tận năm 2007. Có thể đây sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp cho đội bóng áo cam thêm phần tự tin.
Ngoài ra, tình hình lực lượng dường như cũng đang ủng hộ Á quân World Cup 2010. Hà Lan gần như có lực lượng mạnh nhất ở vòng 1/8, và Ronald Koeman có thể không thực hiện nhiều thay đổi trong đội hình xuất phát, so với trận thua 2-3 trước Áo vừa qua. Tuy nhiên, Xavi Simons có thể trở lại trên hàng công 3 người, để sát cánh với Cody Gakpo hỗ trợ tấn công cho Memphis Depay.
Còn với Romania, họ lại không có được may mắn như thế. Hậu vệ trái Nicusor Bancu lãnh án treo giò sau khi nhận thẻ vàng thứ hai ở trận gặp Slovakia, buộc HLV Edward Iordanescu phải kéo tiền vệ Deian Sorescu trám vào cánh trái của đội nhà. Ngoài ra, Dennis Man và Valentin Mihaila nhiều khả năng sẽ trở lại đội hình xuất phát sau khi ngồi dự bị ở trận trước.
Ắt hẳn với tình hình tại EURO 2024 lúc này, khi các ông lớn dù gặp nhiều khó khăn thì cũng đều góp mặt ở vòng Tứ kết (trừ cựu vương Italia); người hâm mộ đều hy vọng Hà Lan sẽ vượt ải thành công nốt, để ngày hội bóng đá lớn nhất châu u thực sự bánh cuốn.
Và thực tế cơ hội giành chiến thắng của Cơn lốc da cam, vẫn là nhiều hơn so với Romania. Nhưng hãy nhìn cách Thuỵ Sĩ quật ngã Italia, hay Slovakia cùng Slovenia khiến Anh và Bồ Đào Nha toát mồ hôi hột như thế nào. Đó chính là hồi chuông giúp Hà Lan cảnh tỉnh. Không có gì là dễ dàng hết, nhất là khi Romania cũng vô cùng khao khát tấm vé vào chơi Tứ kết, qua đó khẳng định thời kỳ phục hưng mạnh mẽ, của một đế chế tưởng như đã mãi chìm sâu vào quên lãng.