Hà Lan: Đau có đủ để trưởng thành?
Thứ hai, 28/06/2021 07:30 (GMT+7)
Hãy công bằng với nhau đây là một trong những lứa Hà Lan tệ nhất lịch sử. Thầy trò Frank de Boer thể hiện một phong cách xấu xí, xù xì. Nhưng bóng đá đâu cần quá đẹp để chiến thắng và vấn đề lớn nhất của Oranje lại nằm ở niềm tin.
Đến vòng 1/8 với tư cách là đội đầu bảng toàn thắng cả 3 trận, Hà Lan đương nhiên được đánh giá cao hơn hẳn CH Czech. Nhưng sau 90 phút, đến một cú sút trúng đích Hà Lan còn không tạo ra được thì nghĩ gì đến bàn thắng.
Chẳng phải đến khi De Ligt bị đuổi khỏi sân, Hà Lan mới bộc lộ sự mâu thuẫn của mình. De Boer sở hữu những tiền vệ làm bóng cừ khôi, nhưng lại khuyến khích các trung vệ phất bóng thẳng lên trên cho tiền đạo.
Tuyến giữa Hà Lan thích chơi ban bật nhỏ, tạo ra những pha phối hợp tí tách, nhưng rốt cuộc vẫn luôn chọn ném quả bóng ra biên rồi tạt vào vô nghĩa. Vì sao vô nghĩa? Vì những tiền đạo của Hà Lan không chỉ thấp bé mà còn sợ đánh đầu.
Nhưng kể cả khi trình bày một lối chơi lộn xộn như vậy, Hà Lan vẫn có cửa thắng. Đấy chính là điều khó hiểu của bóng đá phi logic. Hãy hỏi Hy Lạp năm 2004 để biết rõ điều này.
Hà Lan đã cách quá xa thế hệ vàng son của mình, nơi họ luôn có sẵn những triết gia, nghệ sỹ, sát thủ bóng đá. Đòi hỏi Hà Lan phiên bản De Boer phải thi đấu bay bổng quả thực là bất khả kháng với những nhân sự hiện tại. Mà trên thực tế, bay nhiều cũng đâu có hiệu quả. Oranje của chính "thánh" Johan Cruyff chắc chắn thấm thía nhất điều này.
Vấn đề ở chỗ, khi Johan huyền thoại hiệu triệu, tất cả mọi người đều làm theo. Họ không biết phía trước có phải vinh quang hay không, nhưng chí ít tin vào thứ bóng đá của mình.
Những hậu bối năm 2021 không thực hiện được điều căn bản đấy. Trong tay De Boer là một nhóm cầu thủ tự phát, ô hợp và không ra một thể thống gì. Các thành viên Hà Lan chối bỏ trở thành một tập thể, và đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại trước CH Czech, và rộng hơn là thất bại của cả một nền bóng đá.
De Boer khản cổ nói một đằng, các học trò tự tung tự tác làm một nẻo. Trước CH Czech, Hà Lan chơi như đang thắng từ đầu trận, đến giữa trận, đến cả khi De Ligt bị đuổi và cho đến những phút bù giờ cuối cùng. Thái độ thi đấu dửng dưng này là một sự lạ lùng bởi các đội bóng hàng đầu không bao giờ có những hiện tượng như thế.Không khó để tìm ra những dẫn chứng cho sự không tương thích này. De Boer xây dựng sơ đồ 3-4-3, đội trưởng Wijnaldum lên mặt báo nói rằng muốn chơi 4-3-3. De Boer muốn các học trò hoãn chuyện tương lai ra sau EURO 2020, lần lượt Wijnaldum rồi Depay công bố bến đỗ mới ngay trong thời gian diễn ra vòng bảng.
Hà Lan không sở hữu một đội hình hoàn hảo nhưng chí ít, họ có trung vệ trẻ đắt giá nhất thế giới là De Ligt, có tiền vệ trẻ sáng giá nhất thế giới là De Jong, có cầu thủ được cả Barca và PSG tranh đấu là Wijnaldum. So với CH Czech, Hà Lan xứng đáng được gọi là dải ngân hà với hàng tá ngôi sao lấp lánh.
Nhưng cái duy nhất mà CH Czech hơn Hà Lan thì lại là một tập thể. Những cầu thủ áo trắng sát cánh với nhau, bảo vệ nhau, hi sinh cho nhau. Họ cùng nhau phòng ngự, cùng nhau tấn công, cùng nhau tận hưởng xúc cảm của các bàn thắng. Có thể tin rằng nếu có thua, CH Czech cũng sẽ cúi đầu cùng nhau.
Trong khi đó, Hà Lan chẳng thể giải thích cho sự mất tích của đội trưởng Wijnaldum, sự ngớ ngẩn của De Ligt, sự tàng hình của Depay. Ở trên sân, các cầu thủ áo cam mạnh ai nấy đá, trong khi vai trò quy tụ của De Boer thì chưa bao giờ được đánh giá cao.
Phải rời EURO 2020 từ vòng 1/8, Hà Lan đương nhiên có đầy vấn đề. Nhưng liệu họ có biết vấn đề ở đâu không, hay cụ thể hơn, biết phải giải quyết cái nào trước không? Đến đây, tầm quan trọng của một triết lý căn bản mới thực sự hiện hữu. Hà Lan chẳng cần đến bóng đá đẹp ở một giải đấu, nhưng chắc chắn cần những ý tưởng đẹp để vực dậy một đế chế.