Hà Lan của HLV Van Gaal vào tứ kết World Cup: Nhàm chán thì đã làm sao?
Chủ nhật, 04/12/2022 09:30 (GMT+7)
Chứng kiến đội tuyển Hà Lan thi đấu tại World Cup 2022, hẳn không ít người đã phải dùng từ “nhàm chán” để nói về họ, nhưng HLV Louis van Gaal đâu cần quan tâm khi đó là phong cách của ông và quan trọng hơn là nó vẫn mang đến hiệu quả tối đa.
Sau khi vượt qua vòng bảng một cách nhẹ nhàng, đội tuyển Hà Lan tiếp tục đánh bại Mỹ mà không tốn quá nhiều công sức để trở thành cái tên đầu tiên góp mặt tại tứ kết World Cup 2022. 90 phút trên sân Khalifa tóm gọn hình ảnh của “Cơn lốc màu da cam” dưới thời HLV Louis van Gaal, một đội bóng thực dụng và lạnh lùng đến tàn nhẫn.
Mỹ thực tế đã nhập cuộc đầy hứng khởi với sức trẻ dồi dào và khiến thủ môn Andries Noppert phải làm việc từ rất sớm. Nhưng tất cả dường như đã nằm trong tính toán của HLV Van Gaal. Đại diện khu vực CONCACAF mải mê tấn công, trước khi đường chọc khe của Cody Gakpo tìm đến Denzel Dumfries, rồi hậu vệ phải này trả ngược để Memphis Depay mở tỉ số.
Trước Senegal hay Ecuador, Hà Lan cũng từng trải qua những phút bị dồn ép tương tự nhưng bằng sự chắc chắn và chuẩn xác, họ luôn đứng vững trước khi đưa ra đòn “hồi mã thương”. Đó là lối đá đã trở thành “công thức” của Oranje dưới thời HLV Van Gaal.
Hà Lan có thể chấp nhận nhường thế trận cho mọi đối thủ, kể cả “cửa dưới”, mà trận gặp Mỹ là minh chứng rõ rệt, khi họ cầm bóng (42% so với 58%) cũng như dứt điểm (10 so với 11) ít hơn. Đội bóng của của HLV Van Gaal như thể một thợ săn lão luyện, sẵn sàng đóng vai kẻ yếu thế, từ từ đưa con mồi vào bẫy rồi chờ lúc nó “say máu” nhất để ra đòn kết liễu.
Thực tế, cách chơi của Hà Lan đã được dự báo trước bởi sự thực dụng chẳng khác nào thương hiệu gắn với HLV Van Gaal, cũng từng giúp chính đội tuyển xứ hoa tulip đến với vị trí hạng 3 World Cup 2014. Nhưng biết là một chuyện, hóa giải hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Và cho đến khi Oranje còn thắng thì việc có ai đó chê họ “nhàm chán” chẳng phải vấn đề đáng bận tâm.
Việc HLV Van Gaal áp dụng lối đá thực dụng cho Hà Lan cũng là điều hợp lý xét trên tình hình nhân sự. Không còn những nghệ sĩ chơi bóng kiểu Arjen Robben, Robin van Persie hay Wesley Sneijder, lúc này Oranje lại là đội tuyển sở hữu hàng loạt ngôi sao phòng ngự, đặc biệt là trung vệ chất lượng.
Sơ đồ 3 trung vệ vì thế có thể coi là hoàn hảo, ít nhất sẽ giúp Hà Lan đảm bảo được khâu phòng ngự. Trên hàng tiền vệ, Frenkie de Jong là cái tên duy nhất có “mác” ngôi sao và phải nhận trọng trách quán xuyến lối chơi, tìm những phương án để đưa bóng lên cho cặp hậu vệ cánh tấn công rất hay, Dumfries - Daley Blind cũng như bộ đôi Depay - Gakpo.
Với chất lượng nhân sự có phần “lệch” hẳn về tuyến dưới, rõ ràng không thể chê trách HLV Van Gaal cũng như đội tuyển Hà Lan. Chính xác mà nói, họ thực sự biết mình biết ta. Phòng ngự cũng là một nghệ thuật và là nền tảng cho mọi chiến thắng. Chẳng cần nhìn đâu xa, Đức chính là minh chứng của việc công chưa tới mà thủ chẳng xong, để rồi bị loại khỏi World Cup lần thứ 2 liên tiếp.
Những con số thống kê không biết nói dối và chúng chứng minh rằng Hà Lan đang đi đúng hướng cùng HLV Van Gaal. Kể từ khi trở lại dẫn dắt Oranje, “Tulip thép” vãn chưa biết đến mùi thất bại, với 14 chiến thắng và 5 trận hòa, ghi 49 bàn mà chỉ lọt lưới 15, kèm theo 8 lần giữ sạch lưới.
Đặc biệt, tại World Cup, Hà Lan của Van Gaal đã bất bại toàn bộ 11 trận nếu chỉ tính các trận không có loạt sút luân lưu. Oranje của “Tulip thép” thực tế chỉ bị khuất phục đúng 1 lần tại World Cup, khi để thua Argentina trong loạt “đấu súng” tại bán kết năm 2014.
Trong bóng đá hiện đại, chiến thắng đã trở thành mục tiêu tối thượng, còn thắng lại còn đá đẹp chỉ là tư tưởng có phần “phù phiếm”, đặc biệt là với những đội bóng có tiềm lực hạn chế. Như Hà Lan, với lực lượng hiện có, HLV Van Gaal đã làm quá tốt, có lẽ còn vượt cả kỳ vọng. Bởi vậy, quan trọng vẫn cứ là kết quả, còn nhàm chán thì đã làm sao?