Giải bóng chuyền Hạng A quốc gia có bị bỏ rơi?
Thứ năm, 02/06/2022 14:43 (GMT+7)
Sau đúng 1 năm khởi sắc, giải bóng chuyền Hạng A quốc gia lại đi trên con đường cũ khi không nhận được nhiều sự chú ý của dư luận cũng như NHM cả nước.
Trước đây, giải bóng chuyền Hạng A quốc gia vốn dĩ chỉ là sân chơi được đánh giá thấp với đa số những đội bóng không có mục tiêu. Một số đội tham dự mà nói theo ngôn ngữ phóng túng thì chỉ “để cho vui” bởi giải thưởng lèo tèo, các đội trình độ không cao và quan trọng hơn nữa là các đội tham dự đánh xong “ai về nhà nấy”.
Top đầu của giải bóng chuyền Hạng A thường chỉ là các đội vừa xuống hạng, năm sau lại tranh chấp xuất thăng hạng lên giải VĐQG. Chính vì những lý do đó mà tầm quan trọng của sân chơi Hạng A không được chú trọng đúng mức. Cách đây vài năm, cả giải bóng chuyền Hạng A chỉ có vài VĐV có thể thi đấu được trên giải đội mạnh.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, số lượng VĐV thi đấu được và có suất đánh chính trên giải đội mạnh thuộc sự quản lý của các CLB Hạng A là khá nhiều. Điều này cho thấy trình độ của các đội bóng đã có sự chuyển biến nhờ sự đầu tư của bản thân các CLB cũng như các nhà tài trợ cho giải đấu.
Mùa giải 2021 có thể coi là bước ngoặt cho giải bóng chuyền Hạng A quốc gia khi tập đoàn FLC chính thức bén duyên với giải đấu. Dù cho đây có thể là nước đi có tính toán của đơn vị tài trợ nhưng giải đấu đã được thay đổi một cách chóng mặt về công tác truyền thông, tổ chức và từ đó sức hấp dẫn của giải đấu được nâng tầm.
Giải thưởng cho chức vô địch, các đội giành huy chương được nâng lên đáng kể so với thời gian trước đó. Cụ thể, năm 2020 đội vô địch nhận thưởng 25 triệu, hạng nhì 15 triệu và hạng 3 là 10 triệu. Bước sang năm 2021 giải thưởng được nâng lên với mức vô địch nhận 50 triệu, hạng nhì 30 triệu và hạng 3 là 20 triệu, cạnh đó là phần thưởng kếch xù của đơn vị tài trợ đội bóng.
Năm nay, giải bóng chuyền VĐQG 2022 có tổng mức thưởng lên tới 2.280.000.000đ. Cụ thể, đội vô địch sẽ nhận 500.000.000đ, đội hạng nhì sẽ nhận 300.000.000đ, đội hạng 3 sẽ nhận 200.000.000đ. Bên cạnh đó các giải thưởng cá nhân cũng được giữ nguyên như mùa giải 2021 với mỗi giải 10.000.000đ.
Nhìn lại giải bóng chuyền Hạng A quốc gia với mức thưởng được giữ nguyên như năm 2021 là tổng mức thưởng có 200 triệu chỉ bằng 1/10 giải VĐQG (vô địch nhận 50 triệu, hạng nhì 30 triệu và hạng 3 là 20 triệu) có thể thấy sự thiệt thòi của một giải đấu mà tầm quan trọng của nó không hề kém cạnh giải VĐQG là bao. Mùa này, sức hấp dẫn của giải bóng chuyền Hạng A một phần giảm sút bởi mùa giải trước, giải VĐQG không có đội xuống hạng nên sức cạnh tranh giữa các đội bóng Top đầu không quá quyết liệt như các mùa trước đó.
Hiện tại Liên đoàn Bóng chuyền đã có BCH nhiệm kỳ mới với các ban bệ được kiện toàn nhưng có thể thấy dường như họ đang quá mải mê với giải VĐQG, sự kiện lớn mà quên đi các giải đấu cận kề thậm chí là giải trẻ. Bóng chuyền nước nhà tại sao mãi chưa thoát khỏi kiếp Huy chương bạc tại đấu trường khu vực mặc dù trước đó ngay cả những lãnh đạo vẫn tung hô sẵn sàng giành Vàng SEA Games?
Một phần không nhỏ tới từ công tác đào tạo trẻ, công tác tổ chức hệ thống các giải đấu và thiên vị giải VĐQG mà quên đi tầm quan trọng của các giải đấu khác. Giả sử số tiền thuê Challenge Eyes được chuyển sang tài trợ giải Hạng A biến giải đấu này trở thành sân chơi có sự ganh đua khốc liệt hơn thì những mùa giải tới, đây sẽ trở thành nơi các đội bóng xuống hạng ồ ạt (nếu như lộ trình giảm số đội tại giải VĐQG vẫn được tiến hành) chắc chắn giải Hạng A sẽ là giải đấu có sức hút không hề kém cạnh giải VĐQG.
Việc cho các đội bóng sử dụng ngoại binh là điều tất yếu của bóng chuyền hiện đại. Điều này giúp các đội có sự cạnh tranh hơn trong thi đấu, đào tạo và quan trọng hơn là giúp các VĐV có được môi trường thi đấu tốt, sớm nâng tầm giải đấu. Mặc dù Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép các đội Hạng A thuê ngoại binh nhưng với giải đấu mà giải thưởng chỉ ở mức giải hội làng, sự ganh đua không quá quyết liệt thì thử hỏi có đội bóng nào đủ tiềm năng và đam mê để thuê.
Việc quy hoạch lại giải Hạng A tạo nên sự hấp dẫn của một giải đấu bên cạnh giải bóng chuyền VĐQG là điều cần thiết. Ban vận động tài trợ cũng như lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền nước nhà hiện tại mới chỉ là nơi tiếp nhận tài trợ chứ chưa làm hết trách nhiệm của mình trong mùa giải mới khi nhà tài trợ tập đoàn Hóa chất Đức Giang là nơi chủ động ngỏ ý về hợp đồng tài trợ cho giải bóng chuyền VĐQG sau kh tập đoàn FLC bất ngờ rút lui. Giá như hợp đồng này có thể san sẻ phần nào cho giải Hạng A thì các VĐV sắp sửa ra sân vào ngày 4/6 tới đây sẽ bớt tủi thân khi thấy mình bị hắt hủi.