Gareth Southgate: Ảnh đại diện trống trơn
Thứ hai, 05/07/2021 15:37 (GMT+7)
Gareth Southgate có thể không phải một con người sắc sảo, hoạt ngôn hay thậm chí không phải luôn một HLV có chuyên môn xuất sắc, nhưng có thể chắc chắn rằng ông là người khiêm nhường, và biết lắng nghe. Nếu có chơi mạng xã hội, Facebook chẳng hạn, hình đại diện của ông nhiều khả năng sẽ trống trơn.
Gì cũng nghe tư vấn
Trước trận gặp Ukraine, Gareth Southgate đã giải thích quyết định đưa Jadon Sancho vào sân: “Để có thêm một người thuận chân phải chơi ở cánh phải, người có thể mở rộng biên độ chơi bóng. Ukraine có vẻ sẽ chơi với hàng thủ 5 người, và độ rộng của đội hình sẽ thật sự quan trọng”. Sancho ôm biên và có thể kéo căng hàng thủ đông người của đối phương.
Mọi chuyện diễn ra đúng như dự đoán. Ukraine đã chuyển sang sơ đồ bốn hậu vệ vào cuối hiệp một do chấn thương của trung vệ Serhuy Kryvtsov, nhưng chừng ấy là quá muộn. Nhờ kéo giãn được chiều ngang hàng thủ của Ukraine nhờ sự xuất hiện của một cầu thủ bám biên, Anh có khoảng trống để đột kích ở trung lộ, và ghi bàn mở tỉ số từ một tình huống Harry Kane rảnh chân.
Nhưng đấy không phải là quyết định của riêng Southgate. Tờ The Athletic đã tiết lộ một cái tên khác đứng sau những điều chỉnh cốt lõi của đội tuyển Anh qua từng trận: Rhys Long, trưởng bộ phận phân tích hiệu suất của Liên đoàn bóng đá Anh. Long có hàng tá chuyên viên phân tích dưới quyền, không ngừng theo dõi và đưa ra những lời khuyên cho Southgate.
Các nhà phân tích này, vẫn theo The Athletic, chia trận đấu thành các khu vực khác nhau: dâng cao áp sát, khối trung bình (mid-block), khối thấp (low-block), pha 1, pha 2 và pha 3, chuyển đổi từ tấn công sang phòng ngự, tấn công và phòng ngự cố định, cách đá penalty, và phạm lỗi.v.v`Trong 18 tháng qua, họ liên tục xây dựng dữ liệu cũng như cập nhật nó thường xuyên để phục vụ cho Southgate: ví dụ như 6 tháng trước, Paulo Sousa thay thế Jerzy Brzeczek làm HLV tuyển Ba Lan khiến lối chơi thay đổi, và các chuyên viên sẽ phải làm việc để xem đối thủ đã khác đi như thế nào.
Lối chơi có phần buồn tẻ hiện tại của Southgate hoàn toàn có lý do, và đó không chỉ là lựa chọn của riêng ông. Long và các cộng sự đã thử lý giải thành công của Pháp năm 2018 và Bồ Đào Nha 2016, và kết luận được rút ra: giữ sạch lưới, bằng mọi giá. Pháp giữ sạch lưới 4 trận (trước Peru, Đan Mạch, Uruguay và Bỉ) trên đường đến chức vô địch World Cup, và BĐN cũng thế (sạch lưới trước Áo, Croatia, xứ Wales và Pháp).
Anh là đội duy nhất cho đến giờ vẫn giữ sạch lưới, và sự thận trọng đôi khi dẫn đến buồn ngủ này không phải là từ tính cách “hèn nhát”, như một số tờ báo chỉ trích Southgate. Đơn giản là ông luôn lắng nghe.
Southgate rất thường xuyên phải nghe những lời chỉ trích, thậm chí là dạy bảo, trong 5 năm nắm đội tuyển Anh. Trước trận gặp Đức, các tờ báo “tư vấn” rằng nên chuyển sang sơ đồ ba hậu vệ như Hungary đã làm (và chuyển sang 5 hậu vệ khi cần) để đủ quân số chống lại hệ thống tấn công dâng cao của đội tuyển Đức. Một nhà cầm quân giàu tự ái có thể dẹp luôn những góp ý kiểu “HLV online” này qua một bên, nhưng Southgate đã sử dụng nó.
Trước trận gặp Đức, báo chí Anh đồng loạt khơi lại nỗi đau riêng của Southgate: cú đá hỏng phạt đền tại EURO 1996 khiến Anh bị Đức loại, một ký ức mà Southgate phải thừa nhận rằng “không có gì làm vơi sự đau đớn ấy được”. Nhưng ông vẫn bình thản, hoặc cố tỏ ra thế. Sống với truyền thông Anh cần một cái tôi không quá lớn.
Nhưng có những chuyện thì Southgate lại rất kiên định. Hãy nghĩ về những người vô danh ông đã dùng ở EURO lần này, như Kalvin Phillips, hay Declan Rice, Tyrone Mings: họ được tin tưởng tuyệt đối, dù không phải ai cũng xuất sắc. Hãy nghĩ về Harry Kane: trước những lời chỉ trích nhắm vào anh, Southgate không thanh minh, cũng chẳng đổ lỗi, thậm chí chẳng buồn nói gì.
Ông chỉ lặng lẽ xếp anh đá chính, hết trận này đến trận khác. Và ngay cả việc thay anh ra nhiều lần ở vòng bảng cũng là ý kiến “tổ tư vấn”: các chuyên viên cho rằng Anh nên bắt chước cách Pháp sử dụng Antoine Griezmann ở World Cup 2018. Anh này được thay ra các phút 70, 80 và 68 ở 3 trận vòng bảng, nhờ thế giữ được sự sắc bén để chơi tứ kết, bán kết và chung kết. Sau một mùa giải mệt mỏi với Tottenham, Kane đã được sử dụng đúng như thế ở EURO lần này.
Người không có cái tôi lớn
Có hai kiểu HLV. Một luôn để lại dấu ấn của mình, dù vô tình hay cố ý, lên mọi khía cạnh của đội bóng, với những đại diện tiêu biểu là Jose Mourinho, Pep Guardiola, Juergen Klopp, hay Sir Alex Ferguson trước đây. Hai là những người tạo ra cảm giác rằng họ chẳng can thiệp gì vào đội bóng, và cứ như là họ không hề có cái tôi, thậm chí những kẻ ác ý còn cho rằng họ ăn may, như Vicente Del Bosque, Carlo Ancelotti trước đây.
Southgate có lẽ còn không được xếp vào loại thứ hai: ông dường như không có cái tôi, và chưa bao giờ được thừa nhận là một HLV giỏi chuyên môn, hoặc sắc sảo trong lời nói và xử thế, và tất nhiên chưa có danh hiệu. Ông không có phát ngôn giật gân, không nói gì về triết lý, cũng chẳng đao to búa lớn khi bị tấn công. Với Southgate, mọi chuyện to dường như rất nhỏ, và nhỏ thì coi như không có gì. Ông như một tấm ảnh đại diện mờ nhạt, vẫn ở đó đấy, nhưng chẳng ai nghĩ rằng mình thật sự cần nó làm gì.
Rất khó để nói lối chơi của tuyển Anh lúc này là hay, một cách rõ ràng. Họ cũng như Southgate: nếu không thắng thì chẳng biết khen chỗ nào. Nhưng nhìn lại toàn bộ hành trình, thì những hình dung về đội tuyển Anh lúc này, dù không mấy ấn tượng, lại rất đáng tin cậy: không cầu kỳ, kiệm lời, chắc chắn và nhẫn nại. Có điều gì đó rất thật ở đây, sau những năm bóng đá Anh cứ như một lời nói dối đến hẹn lại lên: chúng ta nghĩ rằng họ A, thì họ lại là B, thậm chí là -A. Ngược lại hết.
Sau khi đánh bại Đức và Ukraine, Southgate đã hai lần được BBC phỏng vấn nóng ngay tại sân. Sau trận gặp Đức, ông bảo mình đã thấy đồng đội David Seaman trên màn hình lớn, và Southgate hơi nghẹn ngào khi nói rằng ông có thể không bao giờ chữa lành nỗi đau cho Seaman sau khi sút hỏng quả phạt đền ở EURO 1996. Sau trận gặp Ukraine, câu đầu tiên của Southgate là nghĩ về những cầu thủ “không có mặt trên sân”. Ông bảo đó là “điều quan trọng nhất xuất hiện trong tâm trí tôi”.
Điều rất dễ chịu ở đây là nếu nghe những lời hay ho này từ một HLV khác, bạn có thể nghi hoặc rằng liệu ông ta có thật sự chân thành không, hoặc cười xòa và cho rằng đó vẫn giống những lời xã giao. Nhưng với Southgate, chúng ta có thể mạnh dạn tin rằng đó những lời rất thật. Nghĩ về người khác, những nỗi đau của họ, và sự vắng mặt, chứ không phải hiện diện, có lẽ là điều Southgate quan tâm, thậm chí hơn cả bản thân, nỗi đau của ông, và sự hiện diện của chính ông.
Tôi đã đi tìm xem liệu Southgate có dùng Facebook không, xem ông tương tác với mọi người như thế nào, nhưng cuối cùng không tìm thấy tài khoản “xịn” nào của HLV này. Chỉ có vài Fanpage giả được lập ra để châm biếm, kiểu “Page này được lập ra để ủng hộ Sir Southgate, người sắp mang bóng đá Anh về nhà”. Họ đùa cợt rằng “tất cả hãy quỳ xuống, khi Sir Southgate giá lâm”.
Nhưng trang kiểu này đã tồn tại từ khi Southgate mới nhậm chức HLV trưởng tuyển Anh. Sau ngày 12/7, mọi chuyện hoàn toàn có thể thành thật. Thật như chính Southgate, và nhân diện tưởng như trống rỗng của ông.