Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Đội tuyển Việt Nam

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản đang xuất ngoại chơi bóng với hoài bão gì?

Thứ tư, 10/11/2021 17:18 (GMT+7)

J.League được đánh giá là giải vô địch quốc gia có chất lượng hàng đầu châu Á, nhưng điều đó không làm cầu thủ Nhật Bản trở thành những kẻ gà què ăn quẩn cối xay. Xứ sở mặt trời mọc tự hào là một trong những cái nôi xuất khẩu cầu thủ lớn, với gần 1000 cầu thủ đang đem chuông đi đánh xứ người.

Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022

Xuất ngoại để làm giàu

Tháng 10/2014, tại vòng bảng giải vô địch U19 châu Á, các cầu thủ Nhật Bản bất ngờ thất thủ trước Trung Quốc với tỷ số 1-2 ngay trong ngày ra quân. Takumi Minamino ghi bàn thắng duy nhất cho U19 Nhật Bản hôm đó, nhưng màn trình diễn của anh hoàn toàn bị phủ mờ bởi "Ronaldo Trung Quốc" Wei Shi Hao, người đã lập cú đúp. Không ngạc nhiên khi Wei trở thành cái tên được truyền thông Nhật Bản ca tụng nhiều ngày sau đó.

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 7
Minamino vượt xa Wei Shi Hao dù xuất phát điểm không bằng.

"Minamino giỏi đấy, nhưng Wei Shi Hao còn giỏi hơn", "Tại sao bóng đá Nhật Bản không đào tạo ai được như Wei Shi Hao"... Những bài viết với nội dung như vậy xuất hiện dày đặc ở Nhật Bản, nhưng tất cả chỉ như một cơn sóng nổi lên rồi biến mất. 7 năm đã trôi qua kể từ ngày Minamino bị chê bai không bằng Wei Shi Hao, và giờ anh đang khoác áo Liverpool. Trong khi đó, Wei đã hồi hương thi đấu, chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường.

So với Minamino, Wei thậm chí còn xuất ngoại thi đấu trước bằng việc đầu quân cho đội trẻ Boavista của Bồ Đào Nha hồi 2013 (Minamino xuất ngoại năm 2015). Ở tuổi 20, Wei đã chơi 9 trận cho đội một CLB. Tương lai rộng mở trước mắt cầu thủ người Trung Quốc thì anh tự đóng lại cánh cửa bằng việc quyết định hồi hương, khoác áo Shanghai SIPG. Trong thời gian Wei chôn vùi bản thân ở Trung Quốc, Minamino đã đạt những bước tiến thần tốc.

Ở thời điểm hiện tại, tuyển thủ Nhật Bản có thể chưa có chỗ đứng trong đội hình chính thức của Liverpool nhưng vẫn có hàng loạt CLB xếp hàng chiêu mộ anh. Trong khi đó, Wei không còn đường đặt chân đến châu Âu nữa. Lý giải về quyết định "thối chí" của bản thân, Wei nói: "Những cầu thủ châu Phi, Nam Mỹ không có đường lùi khi xuất ngoại bởi cơ hội kiếm tiền khi hồi hương thi đấu của họ rất thấp, nhưng tôi thì không. Cầu thủ Trung Quốc về nước thi đấu có thể kiếm được rất nhiều, và tôi vui vì điều đó".

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 6
Tomiyasu xuất ngoại với ước mơ giản đơn là... kiếm nhiều tiền hơn.

Khi trở lại Trung Quốc khoác áo Shanghai SIPG, Wei nhận lương 1,6 triệu USD mỗi năm. Đến ngày chuyển sang Guangzhou FC, con số đó nhảy lên 1,9 triệu. Wei hài lòng với mức thu nhập triệu đô ổn định và lâu dài ở quê nhà, bởi sống như vậy yên ấm hơn nhiều so với cảnh bôn ba nơi xứ người như Minamino. Tiền đạo người Nhật Bản nhận lương 3,5 triệu USD/mùa ở Liverpool. Thu nhập của anh ở Salzburg trước đó cũng khá thấp, nhưng ít ra còn cao hơn nhiều so với việc chôn vùi tài năng ở quê nhà.

Không giống Super League Trung Quốc, giải vô địch quốc gia Nhật Bản là mảnh đất vô cùng khắc nghiệt với cầu thủ nội địa. Hầu hết cầu thủ Nhật Bản trưởng thành từ môi trường bóng đá học đường, và chỉ có những ai sở hữu tài năng vượt trội mới có thể tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng. Nhưng ngay cả trong trường hợp cầu thủ được ký hợp đồng chuyên nghiệp, Ban tổ chức J.League cũng quy định các CLB chỉ trả lương tối đa 4,8 triệu yên (~42.000 USD) mỗi năm cho 1 tân binh.

J.League quy định về trần lương với các cầu thủ nhằm tránh trường hợp các CLB "chạy đua vũ trang", cạnh tranh không lành mạnh bằng việc nâng khống giá cầu thủ trẻ. Việc này có lợi lâu dài cho bóng đá Nhật Bản, nhưng lại ảnh hưởng đến chính những người nuôi mộng làm cầu thủ, bởi mức thu nhập đó chỉ tương đương 1 sinh viên mới ra trường đi làm. Tại sao họ phải mạo hiểm theo đuổi bóng đá, một công việc vô cùng bấp bênh mà không chọn học hành, ra trường và kiếm 1 công việc ổn định hơn?

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 5
Furuhashi bùng nổ ở Celtic sau khi thành danh tại Vissel Kobe.

Khó sống với bóng đá trong nước là nguyên nhân chính khiến cầu thủ Nhật Bản tràn ra ngoài biên giới đất nước chơi bóng. Tính đến thời điểm hiện tại, xứ sở mặt trời mọc có khoảng 450 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu, và xấp xỉ 500 người khác ở các châu lục còn lại. Họ mang trong mình nhiều ước mơ và hoài bão khác nhau, nhưng phần lớn đều là khát khao có một cuộc sống tốt hơn. Chính HLV Toshiya Miura cũng từng tu nghiệp ở Đức và lấy bằng HLV tại đây trước khi về nước làm việc.

Phục vụ kinh tế và doanh nghiệp

Không thể phủ nhận Nhật Bản là một cường quốc kinh tế, nhưng họ đang trên đà suy thoái không phanh. Lối thoát duy nhất cho các doanh nghiệp Nhật thời điểm này không phải phát triển thị trường nội địa nữa, khi mọi nhu cầu đều đã trở nên bão hòa với hàng loạt công ty lớn án ngữ trước mắt. Để phát triển, họ phải khai phá thị trường nước ngoài, nhưng văn hóa Nhật Bản lại không mang tính đại chúng như Hàn Quốc. Vậy các doanh nghiệp Nhật cần phải làm gì?

DMM, công ty đa ngành chuyên về sản xuất game và các ứng dụng giải trí đã trở thành đơn vị tiên phong khai phá thị trường nước ngoại bằng bóng đá. Thay vì ký hợp đồng tài trợ đơn thuần, họ... mua luôn cả CLB Sint Truidense của Bỉ. Ưu tiên hàng đầu của đội bóng này dưới thời các ông chủ Nhật Bản không hẳn là thành tích hay chức vô địch, phải mang về bao nhiêu cúp, mà họ phải làm cách nào để quảng bá sản phẩm, văn hóa Nhật Bản đến với toàn thế giới. Vì thế cầu thủ Nhật Bản trở thành trung tâm quảng bá với điểm đến là những giải đấu tại Bỉ, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 4
Kagawa là một trong những cầu thủ Nhật Bản thành công nhất ở châu Âu.

Trước sứ mệnh đó, Sint Truidense đã trở thành trạm trung chuyển cầu thủ Nhật Bản từ trong nước đến với các giải đấu khắp châu Âu. Trong đội một CLB này lúc nào cũng có khoảng 6-8 cầu thủ người Nhật thi đấu theo dạng chính thức hoặc cho mượn từ một vài CLB khác. So với 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, Bỉ có mức độ cạnh tranh thấp hơn, nên đây sẽ là bến đỗ phù hợp cho cầu thủ Nhật Bản tiến ra thế giới. Trước khi chơi ở Serie A và Ngoại hạng Anh, hậu vệ Tomiyasu từng khoác áo Sint Truidense để làm quen môi trường bóng đá châu Âu. Việc đó giúp anh có những bước tiến rất vững chắc ở Bologna và Arsenal.

Bên cạnh đó, các CLB Nhật Bản cũng khuyến khích cầu thủ của họ xuất ngoại vì 1 lý do đơn giản: Tiền! Hiện tại cầu thủ Nhật Bản có giá không quá cao trên thị trường chuyển nhượng, nhưng 1 triệu USD từ việc bán một ai đó sang châu Âu có thể giúp 1 đội bóng J.League đủ tiền trả lương cho 10 cầu thủ trẻ trong 2-3 năm. Đến khi lứa cầu thủ này cứng cáp, họ sẽ lại kế tục những người đàn anh ra nước ngoài thi đấu. Đó là cách Nhật Bản dùng bóng đá để nuôi bóng đá, thay vì chi tiêu một cách vô nghĩa trên thị trường chuyển nhượng.

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 2
Kubo có thể không ghi dấu ấn được tại Real, nhưng anh vẫn là thương vụ thành công.

Một điểm thú vị khác là phần lớn các cầu thủ Nhật Bản đến châu Âu lại đang chơi bóng tại Đức, môi trường vốn đòi hỏi nhiều tốc độ và sức mạnh. Lý giải về việc tại sao lại chuộng cầu thủ Đức đến Bundesliga, các CLB đều đưa ra một mẫu số chung. Thứ nhất, cầu thủ Nhật thi đấu có kỷ luật. Thứ hai, giá cầu thủ Nhật Bản tương đối rẻ so với tân binh đến từ châu Phi hoặc Nam Mỹ, nơi thị trường mua bán thường bị cò đội giá. Xét với chiến lược mua rẻ bán đắt, rõ ràng sử dụng cầu thủ Nhật Bản có lợi hơn. Thứ ba, họ có thể ký hợp đồng tài trợ với doanh nghiệp Nhật.

Trong số 450 cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu ở châu Âu, có 250 người chọn Đức làm điểm đến. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự tương hợp giữa bóng đá Nhật Bản và Đức. Rất nhiều danh thủ tại xứ sở mặt trời mọc cũng từng tung hoành tại Bundesliga như Kagawa, Sakai, và giờ họ còn có thêm Kamada, Osaka... Vậy những người không thể khẳng định bản thân mình và lụi tàn dần nơi đất khách quê người thì sao? Họ có bị hắt hủi, chê bai như một món hàng thải hay không?

Gần 1000 cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng để làm gì? - Ảnh 1
Honda là tấm gương cho các cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại thi đấu.

Không phải cầu thủ Nhật Bản nào cũng thi đấu thành công khi bước ra trời Âu, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, không ai xem họ là một sản phẩm thất bại. Ngày Takumi Minamino đầu quân cho Liverpool, anh thực chất là một phần cam kết của The Kop với nhà sản xuất lốp xe và thiết bị phụ tùng Nhật Bản có tên Falken. Công ty này có hợp đồng tài trợ với... 21 CLB châu Âu bao gồm Schalke 04, Bologna, Real Betis, Sevilla. Không lạ khi phần lớn những đội bóng kể trên đều đã và đang có ít nhất 1 cầu thủ Nhật Bản.

Tóm lại, việc cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại và tràn ngập khắp năm châu mang lại hiệu ứng tích cực cho tất cả các bên. Cầu thủ có thu nhập tốt hơn, CLB có thêm tiền chuyển nhượng, doanh nghiệp tận dụng được hình ảnh cầu thủ để ký hợp đồng kinh doanh và tài trợ... Không ngạc nhiên khi Liên đoàn bóng đá Nhật Bản thậm chí vẫn đang khuyến khích cầu thủ Nhật Bản ra nước ngoài thi đấu, thậm chí là... trước cả khi chơi chuyên nghiệp trong nước. Bởi suy cho cùng, đó mới là con đường sánh ngang những cường quốc châu Âu của bóng đá châu Á.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá