Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Ý Serie A

Gabriel Batistuta: Huyền thoại không cần danh hiệu lớn

Thứ hai, 28/04/2025 16:28 (GMT+7)

Gabriel Batistuta có sự nghiệp săn cúp tương đối khiêm tốn. Lý do là bởi giữa tiền tài danh vọng, anh lại chọn tình yêu và lòng thuỷ chung với duy nhất 1 đội bóng, đó chính là màu áo tím của Fiorentina. Vua Sư Tử có thể ra đi, có thể chọn những bến đỗ đầy vinh quang như Ronaldo de Lima. Ấy thế mà cũng vì chữ “tình”, Batistuta đã bỏ qua tất cả...

Tại Copa America 1991, chàng trai 22 tuổi non trẻ khoác lên mình chiến bào xanh trắng của Argentina, tung ra những cú sút như đại bác, mở toang cánh cửa của một kỷ nguyên mới. Khi đó, Gabriel Batistuta như một chú sư tử nhỏ đang vươn móng vuốt trên thảo nguyên. Mái tóc vàng bồng bềnh và những cú sút bùng nổ biến anh thành biểu tượng chói sáng nhất của bóng đá Nam Mỹ. Khi vua bóng đá Maradona dành cho anh ánh nhìn tán thưởng, cũng là lúc người ta biết rằng cánh chim ưng Pampas đã tìm thấy chiến thần mới của mình.

Năm 1991, Batistuta rời Argentina đến Ý, gia nhập Fiorentina, mở ra một chương sử huyền thoại dưới màu áo tím trắng. Trong mùa giải 1994-95, anh chiến đấu như một chiến binh, giúp đội bóng giành vé trở lại Serie A. Trở lại hạng đấu cao nhất, Batistuta bùng nổ mạnh mẽ, ghi 26 bàn trong một mùa, trở thành vua phá lưới Serie A. Những cú sút của anh vừa có lực khủng khiếp, vừa hiểm hóc đến mức khiến các thủ môn phải bất lực.

Gabriel Batistuta: Huyền thoại không cần danh hiệu lớn - Ảnh 1
Gabriel Batistuta là huyền thoại của Fiorentina

Màn trình diễn siêu việt đó đã thu hút nhiều ông lớn, nhưng Batistuta vẫn từ chối lời mời, ở lại thành Florence, biến sắc tím thành tín ngưỡng. World Cup 1994, cơn gió từ Rose Bowl đã thổi tan giấc mơ đầu tiên của Batistuta. Vụ bê bối doping của Maradona tạo nên hiệu ứng domino kéo sập cả đội bóng. Dù anh đã ghi 4 bàn thắng, nhưng sự tỏa sáng ấy lại bị chôn vùi dưới thất bại của tập thể. Tuy nhiên, danh xưng chiến thần đã vang danh khắp thế giới. 

Trở lại Serie A, mùa 1995-96, Batistuta ghi 19 bàn, kết hợp ăn ý với Rui Costa, giúp Fiorentina có chuỗi 15 trận bất bại và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ ba. Trong trận chung kết Coppa Italia, Batistuta ghi bàn ở cả hai lượt trận, giúp đội nhà thắng Atalanta 3-0 và lần đầu sau 21 năm, Fiorentina giành được danh hiệu. Trong trận tranh Siêu cúp với AC Milan, Batistuta ghi bàn quyết định, mang về chiến thắng 2-1. 

Do sức mạnh của Fiorentina có hạn, anh ít khi được đá cúp châu Âu, nhưng mỗi khi có cơ hội, anh đều thiêu đốt mọi khán đài. Mùa 1996-97 tại UEFA Cup Winners’ Cup, cú volley xé lưới Barcelona tại Camp Nou khiến cả sân vận động câm lặng. Mùa 1999-2000 tại Champions League, khi đối đầu Manchester United, anh vượt qua Stam rồi tung cú sút sấm sét, khiến Old Trafford chìm trong nỗi kinh hoàng. Nhưng những khoảnh khắc như vậy quá hiếm hoi, Batistuta vẫn còn một nỗi ám ảnh lớn – một chức vô địch Serie A.

Mùa 1998-99 là thời điểm Fiorentina tiến gần Scudetto nhất. Batistuta ghi 21 bàn sau 28 trận, đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới. Nhưng khi đối đầu AC Milan, anh gặp chấn thương nặng. Thiếu đi thủ lĩnh, đội bóng lập tức sa sút, cuối cùng chỉ cán đích ở vị trí thứ ba. Trong 9 năm tại Fiorentina, Batistuta ghi 168 bàn, trở thành tay săn bàn vĩ đại nhất lịch sử CLB. Anh không chỉ là cỗ máy ghi bàn, mà còn là biểu tượng tinh thần. Sự trung thành, khát khao chiến thắng và trái tim rực lửa của anh đã khắc ghi một tượng đài bất diệt trong lịch sử bóng đá Florence.

Gabriel Batistuta: Huyền thoại không cần danh hiệu lớn - Ảnh 2
Batistuta từng chấp nhận xuống hạng cùng Fiorentina

Ngày Fiorentina xuống hạng Serie, B dù Batistuta đã ghi tới tận 16 bàn mùa giải ấy. Với phong độ ấn tượng, “Batigol” có thể dễ dàng đến một đội bóng lớn. Nhưng anh quyết định ở lại với người hâm mộ đội bóng chủ sân Artemio Franchi. Việc nhảy khỏi một con tàu đắm và đến một bến đỗ mới tốt đẹp vẫn dễ hơn việc ở lại vực dậy con tàu. Batistuta đã chọn việc khó hơn.

Nhưng rồi vào mùa thu năm 2000, vì giấc mơ chinh phục Scudetto, Batistuta rời Fiorentina, đến AS Roma trong những giọt nước mắt, kết thúc 9 năm trấn giữ bức tường thành màu tím. Tại sân Olimpico, anh mở ra một chương mới. Khi đối đầu Fiorentina, cú sút quyết định của Batistuta khiến lưới rung lên, nhưng thay vì ăn mừng, anh lặng lẽ nhắm mắt. Một sự im lặng còn đau đớn hơn bất kỳ màn ăn mừng nào.

Tháng 5 năm sau, hình ảnh Batistuta quỳ sụp xuống sân cỏ, gào lên trong nước mắt khi Roma đăng quang sau 18 năm chờ đợi. Không chỉ là tiếng thét của một nhà vô địch, mà còn là cuộc trả thù ngoạn mục nhất của số phận.

Trên đấu trường World Cup, chiến thần vẫn luôn là kẻ hủy diệt. Năm 1998, anh thi đấu bùng nổ, ghi bàn quyết định vào lưới Nhật Bản, lập hat-trick vào lưới Jamaica, rồi sút tung lưới Anh ở vòng 1/8. Dù Argentina không thể lên ngôi, nhưng Batistuta vẫn là ánh sáng chói lọi nhất của đội tuyển. World Cup 2002, khi đã 33 tuổi, tại sân Quốc gia Tokyo, anh đánh dấu lần cuối khoác áo đội tuyển bằng một cú đánh đầu sấm sét – cú chào tạm biệt đầy kiêu hãnh của cánh chim ưng Pampas.

Gabriel Batistuta: Huyền thoại không cần danh hiệu lớn - Ảnh 3
Batistuta đến AS Roma vào năm 2000

Dù những đồng tiền từ Qatar có thể lung lay cả thế giới bóng đá, Batistuta vẫn không bao giờ chịu khuất phục. Cho đến ngày treo giày, anh vẫn là một chiến binh không bao giờ ngã xuống, kẻ khinh thường những cú ăn vạ, căm ghét những quả phạt đền, người chỉ biết đến thứ bóng đá bùng nổ, dữ dội và thuần túy nhất. Ngày nay, trong bảo tàng Camp Nou vẫn còn trưng bày quả bóng bị xé toạc bởi cú sút của Batistuta. Tại quảng trường Florence, bức tượng của anh vẫn đứng sừng sững, như một chiến thần bất tử.

Trong thời đại bóng đá đầy những phép toán chính xác và chiến thuật máy móc, chúng ta càng nhớ về một chiến binh không hình xăm, mái tóc dài lãng tử, và màn ăn mừng bằng súng máy huyền thoại. Vì bóng đá có thể có nhiều siêu sao, nhưng chiến thần Batistuta – chỉ có một.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá