Flandre: Từ cậu nhóc vô danh đến huyền thoại đường trên LPL
Chủ nhật, 07/11/2021 00:10 (GMT+7)
Ít ai biết rằng, trước khi đến được CKTG 2021 và lọt vào trận chung kết cùng EDward Gaming, Flandre đã trải qua cuộc hành trình bền bỉ đến khó tin.
Chủ Đề: CKTG LMHT 2022
Chương 1: Cậu bé có biệt danh "Gun Bro"
Vào ngày 31/8/2013, Li "Flandre" Xuan-Jun, cậu bé vô danh đã có dịp đối đầu với Dong Xiao-Sa, streamer LMHT có tiếng lúc bấy giờ. Khi ấy, Flandre đã chọn Lucian và đạt 501 chỉ số lính chỉ sau 30 - 40 phút. Ngay lập tức, Dong Xiao-Sa đã phải thốt lên "Gun Bro" như là sự tán dương dành cho Flandre. Kể từ đó, biệt danh "Gun Bro" đã gắn liền với Flandre cho đến ngày nay.
Lối chơi khi ấy của Flandre có thể xem là ngông cuồng và lý do cho biệt danh "Gun Bro" cũng xuất phát từ đây. Flandre đã sử dụng chiêu cuối của Lucian là "Thanh Trừng" một cách điên cuồng ở khắp mọi nơi. "Tên Lucian đó liên tục xài chiêu cuối mà không cần lý do", Dong Xiao-Sa cằn nhằn khi Flandre đẩy vào căn cứ của anh. Dù khó chịu là vậy, song Dong Xiao-Sa vẫn không thể ngờ, người đứng sau màn trình diễn điên rồ đó chỉ là một cậu học sinh trung học 15 tuổi.
Flandre khi ấy chỉ mới là một cậu học sinh cấp 2 tại quận Tân Huy, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tương tự những đứa trẻ mê đắm trò chơi điện tử bấy giờ, Flandre cũng thử qua rất nhiều tựa game khác nhau. Nhưng sau nhiều lần trải nghiệm, Flandre đã kết luận rằng, LMHT chính là trò cuốn hút nhất. Flandre tập trung cho vị trí đi rừng và liên tục "spam" Kha'Zix. Nhờ đó, Flandre hầu như tăng hạng sau mỗi tuần và vui vẻ hét lên với bạn bè cùng lớp rằng:
"Tớ lên Vàng rồi nhé"
"Tớ đạt Bạch Kim rồi"
"Cuối cùng tớ cũng cán mốc Kim Cương"
Khi Flandre leo lên Kim Cương I, cậu bắt đầu gặp những người chơi nổi tiếng, bao gồm cả Dong Xiao-Sa. Flandre cũng không mất nhiều thời gian để lọt top Thách Đấu và trở thành game thủ trẻ tuổi nhất ở máy chủ Trung Quốc làm được điều đó.
Ngay sau đó, Flandre nhận được lời mời từ Snake Esports, một đội LMHT chuyên nghiệp vừa được thành lập. Trước khi nhận lời mời từ Snake, Flandre chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi sự nghiệp game thủ một cách nghiêm túc. Thậm chí, khi được Snake ngỏ lời, Flandre chỉ biết rằng mình sẽ được trả tiền để chơi game, có đồ ăn miễn phí và được bao chỗ ở. Ngay lập tức, ý tưởng đầu tiên trong đầu cậu chính là: "Điều này là thật sao, nếu vậy thì cứ "triển" thôi".
Song, quyết định này của Flandre lại bị mẹ phản đối kịch liệt. "Mẹ tôi nghĩ rằng tôi đã mất trí", Flandre nhớ lại. Giống như nhiều bậc cha mẹ vào thời điểm đó, bà cho rằng những tổ chức kêu gọi con trai bà chơi game ở một nơi xa xôi là "lừa đảo" hay "buôn bán bất hợp pháp".
"Nhưng tôi vẫn rất cố chấp và bà ấy đã bỏ cuộc. Tôi cứ cằn nhằn liên tục và mẹ tôi không thể chịu đựng nổi. Do đó, bà đành chấp nhận đưa tôi đến xem trụ sở của Snake". Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Flandre. Nó đã đưa một cậu nhóc trẻ tuổi ở thành phố Giang Môn lần đầu bay đến Thượng Hải. Khoảnh khắc Flandre đặt chân xuống Thượng Hải đã chính thức mở ra câu chuyện về "cuộc đời của một game thủ chuyên nghiệp có tên Flandre".
Điều thú vị là cùng thời điểm mà Flandre chỉ mới chập chững bước vào nghề, huyền thoại sống Lee "Faker" Sang-hyeok đã dẫn dắt SKT T1 lên ngôi vô địch CKTG 2013 và EDward Gaming cũng chính thức được thành lập. Tuy nhiên, tất cả những dấu mốc trên chỉ mới là thời kỳ đầu trong sự nghiệp của Flandre.
Tháng lương đầu tiên mà Flandre nhận được là 3000 tệ (tương đương 10 triệu đồng). Cảm xúc khi ấy của Flandre là vui mừng khôn xiết. Vì với một cậu nhóc 15 tuổi khi ấy, 3000 tệ "lớn hơn" bất cứ thứ gì mà cậu có thể tưởng tượng. Flandre vẫn chưa có thẻ ngân hàng, vì vậy, cậu đã cầm xấp tiền đỏ chói trên tay và chụp hình gửi cho mẹ.
Chương 2: Loạt BO10 ác mộng
Ban đầu, khi mới gia nhập Snake, Flandre không có cơ hội thi đấu. Nhưng cậu vẫn cảm thấy "rất thoải mái" với cuộc sống mới của một game thủ chuyên nghiệp. Dù Snake không đặt yêu cầu về số trận xếp hạng mà tuyển thủ dự bị phải chơi, song Flandre vẫn dành cả ngày trong phòng tập của đội. Cậu thức dậy trước tất cả mọi người và ngủ sau tất cả mọi người. "Tôi tự hỏi tại sao những người khác lại ngủ nhiều như vậy?", Flandre chia sẻ. "Khi ấy, tôi vẫn còn rất trẻ", Flandre suy ngẫm về nguồn năng lượng vô hạn của mình trong những năm tháng đó.
Ngay sau đó, có một khoảng trống ở đường trên trong đội. Flandre đã được chỉ định đi đường trên sau khi thử tất cả các vị trí khác nhau. Với sự góp mặt của Flandre, Snake đã giành chức vô địch giải đấu TGA Hero of Cities mà không thua bất cứ trận nào và tiến thẳng đến đến LSPL (giải hạng 2 Trung Quốc). Tại đây, họ kết thúc ở vị trí thứ 2 và giành vé thăng hạng LPL. "Cú nhảy" thần kỳ này được Flandre và Snake thực hiện chỉ trong chưa đầy 3 tháng.
Nhưng sau kỳ tích này, không ai có thể đoán được rằng, trong 6 năm tiếp theo, danh hiệu vô địch duy nhất mà Flandre nhận được chỉ là TGA. Snake ra mắt tại LPL mùa Xuân 2015 và đứng thứ 2 vòng bảng cũng như thứ 4 play-off. Flandre đã thực sự tỏa sáng khi thi đấu tại đường trên. Anh cũng là người tiên phong mang Dịch Chuyển và Trừng Phạt lên khu vực đường này. Bất kể kết quả thế nào, sự độc đáo trong lối chơi và bể tướng của Flandre đều khiến khán giả cảm thấy thú vị. Và dù không thể vượt qua vòng loại khu vực CKTG 2015, Flandre vẫn giành được danh hiệu "Đường trên của năm" vì những cống hiến của mình.
Sau 1 năm ra mắt thành công, Snake bước vào mùa giải 2016 đầy tự tin. Họ cũng chào đón Lê "SofM" Quang Duy - tuyển thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở LPL. Sự bổ sung của SofM đã giúp định hình phong cách chơi độc đáo của Snake. Cả đội trở nên vô cùng mạnh mẽ nhờ sự kết hợp hoàn hảo của bộ đôi SofM - Flandre. Nhiều người tin rằng, kỷ nguyên của Snake đã đến và họ sẽ đáp ứng được những kỳ vọng đó bằng cách vượt qua vòng loại khu vực CKTG 2016.
Nhưng điều mà họ không thể ngờ tới chính là cơn ác mộng mang tên BO10 khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc. Thể thức thi đấu năm ấy buộc Snake phải giành chiến thắng trong 2 trận BO5 liên tiếp. Ở trận đầu tiên với ViciGaming, Snake đã bị dẫn trước 0-2 những vẫn ngược dòng thành công và tiến vào trận đấu tiếp theo.
Màn ngược dòng đã khơi dậy nguồn năng lượng của các thành viên Snake. Và chỉ sau 1 giờ nghỉ ngơi, họ tiếp tục đối mặt với Team WE. Trận đấu này lại là màn cạnh tranh gay gắt khi phải cần đến ván 5 để phân định kết quả. Đây đồng thời là ván đấu thứ 10 mà Snake phải thi đấu trong ngày. Thậm chí, tất cả khán giả đã rời nhà thi đấu trước khi ván đấu diễn ra. "Chúng tôi thi đấu từ 9h sáng đến 10h tối. Thời gian thi đấu kéo dài gần 12 tiếng", huấn luyện viên cũ của Snake - Zhu "KenZhu" Kai nhớ lại.
Vì việc tiêu hóa thức ăn sẽ làm giảm sự tập trung, nên hầu hết các tuyển thủ chuyên nghiệp đều lựa chọn nhịn đói và chỉ ăn khi trận đấu kết thúc. Trong khoảng thời gian đó, họ chỉ dựa vào nước tăng lực và đồ ăn nhẹ. "Tôi đã nốc một đống Red Bulls và ăn khoảng 10-20 bịch bánh. Không phải là chúng tôi không thể ăn đồ ăn khác, chỉ là chúng tôi sợ làm như vậy", cựu xạ thủ của Snake - Yang "kRYST4L" Fan chia sẻ trên livestream cá nhân. Anh còn cho biết, sau 12 giờ thi đấu trong căng thẳng cực độ cao, trạng thái thể chất và tinh thần của anh cùng đồng đội đã đạt đến giới hạn.
Đối với kRYST4L nói riêng, anh đã bị chấn thương nghiêm trọng. Tất cả thành viên của Snake chỉ có thể chiến đấu đến giây phút cuối cùng dựa vào chút sức lực cơ bắp. Khi sợi dây thắt chặt ấy được gỡ ra, toàn bộ thành viên của Snake trở nên vô cùng đờ đẫn và không còn sức sống. Cả đội ngồi trong phòng chờ và nhìn chằm chằm vào nhau suốt 40 phút. Có cảm giác như oxy đang dần cạn kiệt trong bầu không khí. Ngọn lửa vốn đang hừng hực trong tim họ cũng bắt đầu tắt dần. Tiếng kêu tích tắc từ chiếc đồng hồ giống như một con quái vật đang chầm chậm khoét sâu vào sự kiên trì và lòng nhiệt huyết.
"Bộ não của tôi như chết cứng. Tôi đã không thể nói gì với đồng đội vào thời điểm đó. Khi tôi đứng lên và bước ra khỏi sân khấu, tay tôi vẫn phải giữ chặt chiếc ghế. Tôi nói với anh ấy (quản lý của Snake) rằng tôi ổn, nhưng sự thật thì toàn bộ trần nhà đang quay", Flandre nhớ lại. Sau khi nhà chính nổ, Flandre đã gượng cười đau khổ và đặt tay lên eo trong lúc bắt tay với các thành viên WE. Tất cả điều tồi tệ này đã xảy ra với Flandre chỉ 1 tiếng trước khi anh đón sinh nhật 18 tuổi.
Chương 3: Tận cùng của nỗi thất vọng
Vào năm 2020, 4 năm sau loạt BO10 định mệnh đó, SofM đã cùng đội tuyển mới là Suning Gaming tiến đến CKTG. Bình luận viên Remember đã viết trên Weibo rằng: “Loạt BO10 đó đã không hạ gục tất cả thành viên của Snake".
Trong một cuộc phỏng vấn trước trận chung kết CKTG 2020, SofM đã để lại lời nhắn cho Flandre: "Mọi người đều nói chúng tôi là những tuyển thủ xuất sắc nhất nhưng chưa thể đến được CKTG. Nhưng giờ thì tôi đã ở đây và thậm chí là đến được trận chung kết. Tôi tin anh ấy (Flandre) cũng có thể làm được. Tôi hy vọng anh ấy sẽ không bao giờ bỏ cuộc".
"Đi đến CKTG" là mong ước luôn cháy bỏng trong tim Flandre. Tuy nó không phải điều gì quá tham vọng, nhưng sự khắc nghiệt của thời gian đã khiến nó trở nên xa vời. Flandre từng thi đấu với những tuyển thủ đường trên huyền thoại như MaRin và Looper. Thậm chí, anh còn được gọi với biệt danh là "Niềm hy vọng của đường trên Trung Quốc". Song, với sự phát triển chóng mặt của thể thao điện tử, lớp tuyển thủ trẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều và thời điểm Flandre được xem là thần đồng đường trên cũng đã rất xa xôi.
Sau loạt BO10 định mệnh ấy, Snake liên tục thay đổi đội hình trong nhiều năm nhưng vẫn không hiệu quả. Năm này qua năm khác, kí ức của khán giả Snake chỉ về sự khởi đầu bùng nổ của họ ở lần đầu tiên bước vào LPL. Và rồi tất cả những điểm nổi bật ấy lại biến mất như sao băng trên bầu trời. Khi ấy, Flandre dường như đã đánh mất giấc mơ của chính mình. Tâm trạng của anh dần chuyển từ "nỗi buồn vì sự kém may mắn" sang "giận dữ vì thiếu động lực".
Flandre liên tục cười đùa trước ống kính và đăng tin tức về K-Pop lên tài khoản MXH cá nhân dù có màn trình diễn tệ hại. Flandre dường như không cảm thấy đau đớn khi đánh mất ước mơ của mình. Anh gần như đã chọn một góc tối an toàn và chờ ngày tài năng của mình cạn kiệt.
"Nếu anh ấy vẫn còn khát khao chiến thắng, anh ấy sẽ rời đội để chứng tỏ bản thân".
Câu nói này khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Chương 4: Sợi dây liên kết mang tên "gia đình"
"Tại sao Flandre không rời đi"?
Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc.
Với khả năng của mình, nếu có mặt trên thị trường chuyển nhượng, Flandre sẽ lập tức nhận được những lời đề nghị. Thế nhưng, Flandre vẫn luôn trong tình trạng "Không thể bán". Có tin đồn rằng, "Nếu bạn muốn mua Flandre, bạn phải mua toàn bộ Snake".
“Tôi thực sự thích Snake", Flandre chia sẻ. "Đây là đội đầu tiên của tôi và tôi có một tình cảm gắn bó sâu sắc với họ. Tôi muốn hoàn thành mọi thứ cùng đội". Việc một tuyển thủ chuyên nghiệp đổi đội là rất bình thường. Hầu hết, các tuyển thủ đều đổi đội nhiều lần ở giải hạng 2 trước khi tham gia LPL. Thật bất thường khi thấy một tuyển thủ như Flandre lại luôn trung thành với Snake - đội mà anh đã gắn bó kể từ giải TGA.
Hành trình của Snake tại LPL thực sự vô cùng đau đớn. Sự tồi tệ của hiện thực đã che bớt đi nỗi buồn của họ. HLV KenZhu đã xin lỗi mọi người sau loạt phim BO10 định mệnh với đôi mắt ngấn lệ. Trong khi đó, các tuyển thủ đều tỏ ra cực kỳ chán nản. Thậm chí, SofM đã an ủi kRYST4L trên máy bay bằng cách nói rằng: “Đó chỉ là Demacia Cup thôi, đừng buồn quá”.
"SofM không hề biết về ý nghĩa thực sự của loạt BO10 vào thời điểm đó. Sau khi nhận ra, SofM dường như muốn ngất xỉu. Chúng tôi cũng gần như vậy", HLV KenZhu nói.
Sự việc này về sau đã trở thành một trò đùa trong nội bộ. Sở dĩ có chuyện này là do khi ấy, tiếng Trung của SofM không được tốt và việc tìm được một phiên dịch viên vừa thành thạo game vừa thông thạo cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt là vô cùng khó. Người phiên dịch mà Snake thuê ở thời điểm đó không nói tiếng Trung tốt và không giải thích tình hình cho SofM. Bản thân anh cũng cho rằng, Snake chỉ đơn giản là tham dự Demacia Cup. Tất nhiên, anh ấy vô cùng bối rối trước phản ứng đau đớn của mọi người sau trận đấu.
Sự việc này đã trở thành một trò cười thường xuyên giữa các thành viên Snake. Mọi người thường nói đùa rằng, "SofM, hôm nay không phải là Demacia Cup" trong những trận đấu quan trọng của Snakes. Làm thế nào mà một câu chuyện không tưởng như vậy lại có thể xảy ra? Nếu là "Snake", thì đây không phải một bất ngờ lớn. Sau bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu, điều còn lại đối với đội tuyển này chính là niềm vui và tiếng cười. Đây là phong cách của họ.
Snake có một bầu không khí "gia đình" hơn là một môi trường làm việc. Khoảnh khắc đáng giá nhất với họ không phải là chiến thắng, mà là khoảng thời gian được đứng cạnh nhau dưới ánh đèn sân khấu. Sau mỗi trận đấu, cả đội sẽ quyết định đi ăn gì cho bữa tối. Họ không quá khác khác biệt so với những cậu bé bình thường hay đi chơi net sau giờ học.
Chương 5: Lời từ biệt của kẻ trung thành
"Bạn cảm thấy có gì khác biệt giữa Snake với các đội khác?"
"Tôi không quan tâm. Tất cả những gì tôi quan tâm là Snake".
“Bất cứ khi nào tôi có cảm giác kỳ lạ này, tôi sẽ nhanh chóng tiêu diệt nó”, Flandre đột ngột nói.
"Cảm giác gì"?
"Đó là, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi... Sẽ thế nào nếu tôi thi đấu cho đội khác".
Hóa ra, ngay cả Flandre cũng nghĩ về điều này khi Snake thua cuộc. Nhưng đối với anh, những ham muốn này chỉ là những suy nghĩ cần phải triệt hạ.
Snake đã định hình Flandre. Từ một cậu bé đam mê chơi game đến một tuyển thủ chuyên nghiệp trưởng thành. Nhưng có lẽ, chính Flandre cũng không thể phân biệt được điều anh "không muốn" làm và điều anh "không nên" làm. Chính anh là người đã áp đặt cho bản việc "không nên" rời đi.
"Người anh em cùng hội" của Flandre sẽ không tồn tại mãi mãi. Anh từng là thành viên trẻ nhất khi mới gia nhập Snake. Nhưng theo năm tháng, đồng đội đã lần lượt rời bỏ anh. Hoặc là giải nghệ, hoặc là chuyển sang các đội khác. Nhưng Flandre vẫn luôn ở đó, trung thành với đội tuyển đầu tiên của mình.
Nhưng liệu một con thuyền vẫn còn là chính nó khi hầu hết mọi bộ phận đều đã được thay thế?
Snake Esports đã được mua bởi Li Ning vào năm 2019 và đổi tên thành LNG. Kì Lân Trung Quốc, linh vật mới của đội đã thay thế hoàn toàn biểu tượng "Rắn" ngày nào. Biểu tượng ấy giờ đây chỉ tồn tại như những mảnh vỡ trong ký ức khó phai mờ của người hâm mộ. Và cũng có thể là các tuyển thủ. Đó cũng là thời điểm mà Flandre phải dũng cảm đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời mình.
Chương 6: Một khởi đầu mới
"Bạn nói rằng bạn đã nghĩ đến việc gia nhập các đội khác. Bạn đã cân nhắc việc tham gia EDG vào thời điểm đó chưa?"
"Tất nhiên, tôi đã xem xét lựa chọn này", Flandre nói.
Quản lý của EDG - Ji "Aaron" Xing từng nói với quản lý của Snake cũ - Zuo Wu rằng, "Tôi muốn có "Gun Bro" trong đội của mình, nhưng cậu ấy không bao giờ chấp thuận. Cuối cùng, tôi đã từ bỏ cậu ấy. Không phải vì cậu ấy không còn tốt nữa, mà vì tôi biết cậu ấy sẽ không bao giờ rời khỏi đội".
Trụ sở của EDG chỉ cách Snake một bức tường, nhưng lại có vẻ quá xa vời. Xét về phong độ, cả 2 đội đều có màn trình diễn tuyệt vời vào những năm 2015 - 2016, nhưng lại có vị thế rất khác nhau trong ngành thể thao điện tử. Khi Snake thất bại trong trận chung kết khu vực, EDG mới chỉ bỏ lỡ CKTG lần đầu tiên kể từ khi thành lập. Snake chưa bao giờ xuất hiện ở trận chung kết LPL, trong khi EDG đã vô địch LPL rất nhiều lần. Mặc dù cả 2 đội đều là đại diện của nền thể thao điện tử Trung Quốc và trụ sở của họ cùng nằm trên 1 con đường. Nhưng nếu Snake được coi là tân binh, thì EDG đã là Cao Thủ.
Snake có lối vận hành khá "dễ dãi", trái ngược hoàn toàn so với EDG. EDG chính xác là đội tiên phong trong việc xây dựng mô hình thể thao điện tử chuyên nghiệp ở LPL. Có thể nói, "phong cách quản lý quân sự" của EDG đã trở thành hình mẫu để các tổ chức khác học tập sau này.
Nếu ví đội hình của EDG là một tổ hợp bộ binh lớn, thì Flandre chính là anh lính kiểm lâm. Phong cách thi đấu của Flandre đã thay đổi rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của EDG. Khi còn ở Snake, Flandre luôn là tâm điểm nhận tài nguyên của đội. Tuy nhiên, khi đến EDG, nhiệm vụ của anh đã chuyển thành "người bảo vệ" hoặc "mở giao tranh". Thậm chí, chiến thuật "Maokai đường trên" của EDG đã được nhiều người hâm mộ biết đến. Họ thậm chí còn tạo các ảnh chế cho đội, ví dụ như "EDG chỉ tuyển những người biết trồng cây. Nếu bạn biết chơi đường trên thì lại càng tuyệt".
Flandre tỏ ra rất khác so với EDG. Nhưng chính EDG cũng không muốn anh đi theo phong cách truyền thống của đội. Những gì họ muốn, là Flandre sẽ mang lại luồng gió mới mẻ và khác biệt cho đội. Flandre đã chơi tổng cộng 69 vị tướng khác nhau ở đường trên tính đến thời điểm hiện tại. Con số này vượt qua tất cả những người chơi đường trên khác ở LPL. Nếu ví sân khấu thi đấu giống như phòng thí nghiệm khoa học, thì Flandre chính là nhà bác học đang đắm mình trong các phản ứng hóa học đó.
Năng lượng và lối chơi của Flandre đã mang lại cho EDG một sức sống mới. Tuy nhiên, sự "lỏng lẻo" và hơi "buông thả" của anh cũng gây ra một số vấn đề cho EDG. Thói quen cũ thì khó đổi. Cả EDG lẫn Flandre đều phải điều chỉnh. Đó là phá bỏ những thói quen cũ và hình thành một con đường mới phù hợp cho đôi bên. Tương thích là một quá trình hoà tan lẫn nhau. Và quá trình này sẽ mất thời gian.
Sau khi kết thúc LPL mùa Xuân ở vị trí thứ 3, hàng loạt nghi vấn đã được đưa ra, mà chủ yếu là nhắm vào Flandre. Bình luận viên wAwa từng mô tả về Flandre rằng, "Nhiều người cho rằng bạn đang nổi tiếng hơn so với những gì bạn xứng đáng. Điều đáng buồn là bạn không thể làm gì khác để chứng minh họ sai".
Bước sang mùa Hè, EDG kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2. Do đó, họ vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn FunPlus Phoenix - đội tuyển vô cùng đáng sợ ở mùa Hè. Không một ai có thể ngờ rằng, EDG lại sử dụng cách đơn giản nhất để chống lại FPX và lên ngôi vô địch. Đó là tận dụng sức mạnh đẩy lẻ từ Flandre. Lần đầu tiên trong mùa giải, EDG dồn tài nguyên cho Flandre, và đó cũng là trận đấu quan trọng nhất. Đáp lại lòng tin của EDG, Flandre đã không khiến họ thất vọng. Một lần nữa, vị tướng làm nên tên tuổi của Flandre trong xếp hạng đơn - Lucian đã xuất hiện và trở thành cơn ác mộng cho các thành viên FPX.
Flandre, một tuyển thủ chuyên nghiệp, lần đầu tiên chọn Lucian trong một trận đấu quan trọng. Nếu tính chính xác, Lucian đã được anh mang ra thi đấu sau 8 năm 2 ngày kể từ khi được đặt biệt danh là "Gun Bro".
Chương 7: "Tôi là nhà vô địch"
Mọi khoảng trống trên tay phải của Flandre, từ khuỷu tay đến đầu ngón tay đều được bao phủ bởi Kinesio (băng dán hỗ trợ cơ). Dưới ánh đèn sân khấu, các lớp màu xanh đen chồng chéo khiến anh trông giống như một siêu nhân được nâng cấp từ phim khoa học viễn tưởng. Nhiều người bất giác nhận ra rằng, Flandre đã là một cựu binh LPL trong suốt 7 năm. Và người cựu binh ấy, đã trồng được một cây bạch dương cứng cáp cho EDG tại đường trên.
Trong thời gian diễn ra CKTG 2015, Flandre đã xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn có tên là Competition Footprints. "Chúng tôi hy vọng bạn có thể giữ được phong độ như khi mới bắt đầu sự nghiệp", người dẫn chương trình nói, "Chúng tôi hy vọng bạn có thể thi đấu chuyên nghiệp lâu dài với sự kiên trì và ổn định. Bạn sẽ phải gánh thêm nhiều trách nhiệm trên vai khi bạn già đi. Nếu bạn có thể tiếp tục là người dẫn đầu thế hệ trẻ, chúng ta sẽ thấy một YellOwStaR của Trung Quốc trong 3 năm tới. Hãy dẫn dắt họ để đạt thành tích đáng ngưỡng mộ trên sân khấu quốc tế".
Và Flandre đã không trả lời ý kiến này vào thời điểm đó.
3 năm và rồi 3 năm nữa trôi qua, "Niềm hy vọng của đường trên Trung Quốc" đã dùng chính hành động của mình để trả lời cho câu nói đó. Lần đầu tiên Flandre cầm trên tay chiếc cúp vô địch LPL, nó chắc hẳn sẽ rất nặng nề vì ý nghĩa sâu bên trong. Nhưng có lẽ, nó cũng không nặng nề hơn việc hét lên "Tôi đã lên được Vàng", "Tôi đã lên được Bạch Kim" và "Tôi đã lên được Kim Cương" của cậu bé cấp 2 năm nào.
"Tôi là nhà vô địch!"
Trong hầu hết các câu chuyện về người hùng, nhân vật chính thường bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn nhất và đen tối nhất trong nửa đầu câu chuyện. Thông thường, anh ta sẽ liên tục bị vùi dập và buộc phải tiến đến thử thách cuối cùng. Ở đó, người hùng sẽ bật trở lại và dùng toàn bộ sức mạnh để chạm đến chiến thắng vĩ đại nhất. Flandre đang là hình mẫu lý tưởng cho một câu chuyện như vậy.
Sau ngần ấy năm, Flandre vẫn luôn là anh ấy. Vẫn chưa bao giờ đánh mất chính mình.