Roger Federer giải nghệ: Tạm biệt Tàu tốc hành huyền thoại!
Thứ sáu, 16/09/2022 06:40 (GMT+7)
Roger Federer từ bỏ việc thi đấu chuyên nghiệp sau Laver Cup 2022 sau hơn 1 tuần nữa. Tàu tốc hành ngày nào quyết định ngừng tiến về phía trước. Những người yêu tennis vẫn cảm thấy hụt hẫng kể từ khi Serena Williams nói lời chia tay (sau US Open). Bây giờ đến lượt Federer…
11/7/2022, tên của Roger Federer không xuất hiện trên bảng xếp hạng ATP sau tròn 53 tuần không thi đấu bất kỳ trận chính thức nào. Lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ tháng 9/1997 - thời điểm Federer 16 tuổi. Laver Cup 2022 (từ 23/9 tới 25/9), tất cả cùng dõi theo những chuyển động cuối cùng của Federer trên mặt sân O2, ở tuổi 41… Thời gian và tuổi tác dường như đã bắt kịp những bước chạy của Tàu tốc hành.
Sự nghiệp lẫy lừng
Tròn 25 năm thi đấu chuyên nghiệp, Roger Federer giành được gần như tất cả mọi danh hiệu mà mọi tay vợt đều mơ ước. 20 Grand Slam, 28 Masters 1000, 6 ATP Finals, 310 tuần giữ vị trí số 1 thế giới trong đó có 237 tuần liên tiếp… Kỷ lục 237 tuần liên tiếp đứng trên đỉnh bảng xếp hạng ATP mà Federer tạo ra thực sự trở thành thách thức với bất kỳ tay vợt nào.
Danh hiệu còn thiếu duy nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của Federer là Huy chương vàng Olympic. Olympic London 2012, tay vợt người Thụy Sĩ từng tiến sát với vinh quang này nhưng thất bại trước Andy Murray.
Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp, Federer tham dự tổng cộng 157 trận chung kết và thu về 103 danh hiệu. Trong Kỷ nguyên Mở, chỉ huyền thoại Jimmy Connors là vượt Federer ở thống kê này (Jimmy Connors vào tới 164 trận chung kết và có được 109 danh hiệu).
Không chỉ gặt hái những thành công, Fererer còn tạo nên phong cách cũng như phong thái thi đấu đặc biệt. Cú trái một tay của ‘chàng móm’ trở thành cú trái hay bậc nhất lịch sử tennis nếu không muốn nói là hay nhất. Cách Fererer thi đấu nhẹ nhàng và hoa mỹ như thể anh đang tận hưởng trận đấu chứ không phải đang tham gia một môn thể thao đối kháng và yêu cầu cao về thể lực. Đó là phong thái của một quý ông đích thực.
Nhân cách vĩ đại
Roger Federer không hoàn hảo. Lối đánh của anh cũng không hoàn hảo khi vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu trước những đối thủ có khả năng ép trái tốt như Rafael Nadal. Nhân cách của Federer cũng vậy. Nhưng theo thời gian, Federer dần hoàn thiện nhân cách để xứng với hai chữ ‘quý ông’.
Ngay từ khi còn là một tay vợt trẻ giàu tiềm năng của Thụy Sĩ, Federer luôn tâm niệm: thật tốt khi trở thành một người quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để trở thành một người tốt. Đó cũng là ‘nguyên tắc vàng’ xuyên suốt hành trình sự nghiệp của Federer.
Khi trải qua 237 tuần liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới, việc trở thành ‘người tốt’ càng khó hơn bởi mọi lời nói, cử chỉ, thái độ… sẽ bị ‘soi’ ở mức cao nhất. Vậy mà Federer làm được, và quan trọng hơn, duy trì được trong một thời gian dài. Anh từng bước tạo dựng cho mình hình ảnh một siêu sao đáng ngưỡng mộ và càng ‘tỏa sáng’ về sau.
Mọi thứ thực sự là một quá trình. Federer thời trẻ từng ném vợt, đập vợt hay lời qua tiếng lại với trọng tài. Anh đôi khi cũng thể hiện thái độ ‘coi trời bằng vung’. Nhưng càng về sau, điều đó càng ít tái diễn và rồi… biến mất. Federer dần cư xử một cách hoàn hảo, không nổi giận hay xúc phạm đối thủ. Anh không tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn hay khoác lác về những thành tích của mình.
“Tại sao tôi lại phải thấy khó chịu khi bản thân không cảm thấy như vậy? Thật dễ dàng khi mình vui vẻ và cởi mở với mọi người”, Federer từng chia sẻ về ‘bí quyết’ giúp anh luôn thân thiện, gần gũi với tất cả.
Điều ấy cũng phần nào lý giải cho việc Novak Djokovic dù giành được nhiều Grand Slam hơn nhưng không được yêu mến một cách rộng rãi như Federer. Nhìn những tay vợt thuộc thế hệ Next Gen như Nick Kyrgios hay Alexander Zverev… thể hiện trên sân, tất cả càng thêm nhớ Federer. Về nhân cách cũng như thái độ, chỉ Nadal là có thể sánh với huyền thoại tới từ xứ sở đồng hồ.
Nhường cuộc chơi cho Nadal và Djokovic
Roger Federer quyết định từ giã việc thi đấu chuyên nghiệp sau 3 năm liên tục ‘vật lộn’ với chấn thương cùng những ca phẫu thuật. Cuộc đua dành cho tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất lịch sử vì thế chỉ còn là câu chuyện riêng của Rafael Nadal và Novak Djokovic. Số Grand Slam Federer sở hữu dừng lại ở con số 20.
Nadal và Djokovic thay nhau giành tới 3/4 Grand Slam gần nhất (Grand Slam còn lại thuộc về Carlos Alcaraz). Cuộc đua ấy xem ra vẫn chưa hứa hẹn hồi kết.
Dù sao đi nữa, Federer vẫn có quyền tự hào. Anh trở thành tay vợt nam đầu tiên chạm mốc 20 Grand Slam. Thời điểm Federer chạm mốc ấy, Nadal chỉ sở hữu 16 Grand Slam còn Djokovic là 12. Thời điểm giành Grand Slam thứ 20 (sau khi vô địch Australian Open 2018), Federer đã ngoài 36 tuổi. Cho đến hiện tại, anh vẫn là tay vợt lớn tuổi nhất giành Grand Slam (kỷ lục này có thể bị Nadal vượt qua trong lương lai).
Federer dừng lại, Big 3 ngày nào giờ chỉ còn Big 2 như cái cách tên của Federer không xuất hiện trên bảng xếp hạng ATP kể từ tháng 7/2022. Tuy nhiên, tất cả sẽ nhớ về Federer, về biệt danh Tàu tốc hành, về phong thái lịch lãm, nụ cười thân thiện và về tất cả những gì anh đã chinh phục, tạo dựng, duy trì xuyên suốt hành trình sự nghiệp.
Tạm biệt anh, Roger Federer!