Faker và hành trình còn dang dở tại CKTG 2022
Thứ năm, 10/11/2022 15:30 (GMT+7)
Faker & hành trình còn dang dở tại CKTG 2022 , Quỷ Vương Bất Tử đã không thể nâng cao chiếc Cup thế giới lần thứ 4 để khép lại sự nghiệp 1 cách trọn vẹn.
Chủ Đề: CKTG LMHT 2022
T1 2022
2022 là một năm T1 nói chung và Faker nói riêng đạt được nhiều thành tựu. Thành tích toàn thắng mùa xuân của họ dù đã qua rất lâu, khi nhắc lại có thể khiến người xem như cảm thấy nó không từng tồn tại, tuy nhiên phải khẳng định có lẽ không còn một tập thể nào có thể làm trọn vẹn một mùa giải được đến thế. Chỉ là tất cả những tinh túy trong 2022, những niềm vui của tập thể T1 đều đã đặt hết ở mùa xuân huy hoàng.
MSI đến mùa hè là quãng thời gian khó khăn cho tập thể T1, khi mà họ bất ổn ở nhiều khía cạnh, nhiều vị trí, qua đó chỉ giành được hạng nhì ở xuyên suốt quốc tế và quốc nội. Đến với chung kết thế giới khi không nhận đánh giá quá cao như GenG, JDG hay thậm chí Top Esports, T1 vẫn tiến vào đến bán kết, sau đó là trận chung kết.
Thất bại là điều đáng tiếc và không ai mong muốn, thậm chí cũng không tránh khỏi những đau lòng. Thế nhưng nhìn lại toàn cảnh năm nay, T1 hoàn toàn có thể tự tin coi chúng như kinh nghiệm cho từng cá nhân tuyển thủ để tiếp tục năm 2023 của mình, dù cho đó không phải điều dễ dàng khi trở lại nỗ lực từng chút một.
Dấu ấn của Faker trong đội hình của T1 2022
Những thất bại của T1 tại các trận chung kết năm nay không phải dấu chấm hết cho hành trình của họ, càng không làm nhạt nhòa đi những đóng góp của những thành viên trong đội. Faker cũng giống như vậy. Nhìn vào đội hình các đội tuyển LCK đến với chung kết thế giới năm nay, tất cả đều được tạo thành hài hòa giữa yếu tố sức trẻ và yếu tố kinh nghiệm. Đối với riêng T1 thì yếu tố kinh nghiệm nằm cả ở vị trí đường giữa, nơi có lão tướng đã thi đấu gần 10 năm sự nghiệp của mình - Faker.
Khi kỹ năng cá nhân của các tuyển thủ trên thế giới đã dần xích lại nhau hơn, Faker khó mà tạo ra được khác biệt thì thứ anh đóng góp cho đội chính là chiến thuật. Có thể nói Faker đã hiểu tựa game này đến nhuần nhuyễn mà trong 2 trận bán kết MSI cũng như Chung kết thế giới, người ta lại càng khẳng định T1 muốn đi nhanh thì có thể dùng kỹ năng khỏa lấp, nhưng muốn đi xa thì cần đầu óc chiến thuật của Faker.
Trận bán kết MSI giữa T1 và G2 Esports kết thúc với tỉ số chóng vánh, thế nhưng trong cả 3 ván đấu, hầu như khả năng tạo áp lực từ đường giữa ra 2 cánh của Faker là rất tốt. So với thời Bengi đi rừng, anh đã không còn nhận được nhiều hỗ trợ như trước, cũng vì thế mà lượng tài nguyên mà đội đặt vào tay Faker luôn là không nhiều nhưng anh cũng luôn nhờ đó mà tạo nên sự đột phá.
Điều này cũng lần nữa được thể hiện tại trận bán kết chung kết thế giới năm nay, nơi mà người ta thấy rõ ràng T1 ngoại trừ ván 4 quá hủy diệt thì những ván còn lại, giao tranh tổng hay giao tranh nhỏ lẻ cũng chỉ một chín một mười với Jingdong Gaming. Mà trong những ván đấu quan trọng, Faker đều là người lên tiếng dù là về kỹ năng hay chiến thuật.
Anh trình làng con bài Ryze trong 2 ván bằng 2 lối đánh khác nhau. Một là lối macro mục tiêu lớn cũng như đẩy công trình, một Ryze đứng chưởng hàng tấn sát thương lên đội hình JDG. Anh nhắc người ta nhớ lại pháp sư cổ ngữ từng làm nên tên tuổi của anh như thế nào, và ván cuối cùng, anh cũng sử dụng hoàng đế Shurima tốt ra sao. Faker đã cho toàn bộ người theo dõi thấy cảnh giới tối cao mà một đường giữa có thể làm trong một trận đấu chuyên nghiệp, càng cho thấy Faker 2022 là một Faker đã hoàn thiện toàn diện về cả macro và micro so với chính mình trong quá khứ.
Những dang dở cá nhân
Thêm một kỳ chung kết thế giới nữa, kỳ chung kết thế giới thứ 5 mà Faker vào đến trận chung kết và cũng là kỳ thứ 7 mà anh tham gia trong 10 năm thi đấu. Đó thực sự là một thành tích mà mãi về sau khó có ai có thể phá được.
Số trận đấu chung kết thế giới mà Faker tham gia cho đến nay đã lên tới hơn 100 ván đấu. Tại ván đấu thứ 100 của anh ở chung kết thế giới, Bengi cũng từng nói: “Tôi không biết rằng game đấu vừa rồi là game đấu thứ 100 tại CKTG của cậu ấy, Faker đã chơi được 10 năm rồi, nó đến nhanh thật đấy. Chúng tôi đã bắt đầu chơi cùng nhau từ khi là tuyển thủ chuyên nghiệp, đến bây giờ, cậu ấy vẫn đang chơi và có được thành tích tốt. Tôi nghĩ Faker là một tuyển thủ tuyệt vời, vĩ đại!”
Đúng vậy, thời gian trôi đi và khi bất giác ngoảnh lại, những kỷ lục cũng theo đó mà dựng nên. Đến nay cùng với kỉ lục hơn 100 trận tại chung kết thế giới, Faker còn sở hữu những kỷ lục ấn tượng như gần 400 mạng hạ gục cùng 600 mạng hỗ trợ tại sân chơi mà rất nhiều tuyển thủ chưa từng chạm tới này. Những người tưởng chừng như có thể vượt qua được anh, hoặc chiếm đi ánh hào quang của quỷ vương bất tử đều chóng nở chóng tàn, hoặc thậm chí còn giải nghệ trước anh rất lâu.
Không chỉ là biểu tượng dài lâu, quốc bảo của LMHT Hàn Quốc, Faker còn là câu chuyện về nghị lực, không bao giờ ngừng lại đam mê. Rất nhiều tuyển thủ trên thế giới sau khi vô địch, á quân, dần mất đi động lực thi đấu của mình, dần vì tiền mà đánh đổi nhiều thứ, nhưng có lẽ với riêng Faker, điều khiến anh được tôn sùng hơn cả là bởi đam mê chưa bao giờ tắt. 10 năm kể từ lần đầu lên đỉnh vinh quang, anh vẫn có thể lọt vào trận chung kết của kì chung kết thế giới, cho dù đó có là thất bại vẫn là cả một hành trình quá dài lâu, cho thấy anh không chỉ là tuyển thủ vĩ đại mà còn duy trì được sự vĩ đại của mình xuyên suốt 1 thập kỉ dài đằng đẵng.
Sau tất cả, 4 chức vô địch thế giới, 3 chức vô địch MSI vẫn là kỷ lục mà Faker chưa chạm được tới trong năm 2022, dù nó với anh đã rất rất gần. Đó là một điều đáng tiếc đối với Quỷ vương bất tử. Tất nhiên những kỉ lục anh vốn có đã giống như một bức tường thành mà 10 năm nữa khó ai xô đổ được, nhưng người hâm mộ Faker chắc chắn sẽ nuối tiếc rất nhiều cho một năm dang dở với thành tích của quỷ vương, dẫu cho chính bản thân anh đã có những dấu ấn tích cực hơn so với giai đoạn 2020-2021.