Ý – Tây Ban Nha: Cuộc chiến của những ý niệm
Thứ ba, 06/07/2021 16:34 (GMT+7)
Đã có một thời những nền bóng này giữ nguyên ranh giới mà họ cho rằng sẽ định hình bản sắc của họ. Bây giờ, chúng đang pha trộn vào nhau.
Ý học từ Tây Ban Nha
Trợ lý của HLV Roberto Mancini, Daniele De Rossi, kể lại cho ký giả James Horncastle trên The Athletic về lần đầu tiên gặp HLV Luis Enrique: “Ông ấy chỉ nhặt bóng và nói: Chơi xem nào. Ơ thằng cha này dở hơi à? Tôi nghĩ thế. Ông ta chả nói gì cả. Tất cả những gì ông ấy muốn là xem chúng tôi chơi thế nào rồi sau đó can thiệp”.
Luis Enrique sau đó bắt De Rossi xem các clip của Barcelona B, tham khảo cách chơi của Oriol Romeu, một người rất thuần thục phương pháp La Salida Lavopiana – kiểu di chuyển của tiền vệ phòng ngự được đặt theo tên của HLV người Mexico Ricardo Lavolpe: khi có bóng, tiền vệ trung tâm sẽ lùi xuống ngang với các trung vệ nhằm kiến tạo lối chơi, để các hậu vệ cánh có thể được đẩy lên rất cao.
De Rossi là một tiền vệ lão luyện, nhưng ý tưởng này rõ ràng là mới lạ với anh. Nó ấn tượng đến nỗi khiến khao khát được làm việc với Luis Enrique ở Roma dâng cao, đủ để tiền vệ này từ chối Manchester City của Roberto Mancini.
Cách kéo bóng lên bằng nền lối chơi từ hàng hậu vệ này được Pep Guardiola tiếp thu và cải tiến ở Barcelona, với Sergio Busquets là nhân tố quan trọng nhất: “Tôi nghĩ Pep đã xem chiến thuật mà Mexico sử dụng để đá ngang ngửa với Brazil và Argentina ở Confederations Cup 2005. Cậu ấy áp dụng lại và làm giàu thêm các chi tiết mà giờ thì tôi lại phải học ngược lại cậu ấy” – Lavolpe trả lời phỏng vấn vào năm 2012.
“HLV cũng như nhiều nghề khác thôi, kiểu bác sĩ hay luật sư ấy, bạn phải học hỏi để cập nhật với thực tế” – La Volpe đúc rút. Câu này ứng nghiệm rõ ràng vào Pep: ông không ngừng học hỏi từ khi còn rất trẻ, và truyền cảm hứng bằng những suy nghĩ sâu sắc ít người có được với bóng đá.
Một viên gạch nhỏ khác trong tiến trình thay đổi của bóng đá Ý đã được chính Pep đặt lên khi gia nhập Brescia vào năm 2001, ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp. Thesefootballtimes kể lại rằng HLV khi ấy là Carlo Mazzone đã bị Pep “mê hoặc ngay lập tức”. Tiền vệ người Tây Ban Nha giống như một HLV thứ hai, luôn phân tích các trận đấu của đội, thảo luận hàng giờ với ban huấn luyện, cũng như đưa ra các ý tưởng chiến thuật mới để thử nghiệm.
Có một khoảnh khắc mà chính Mazzone đã đưa ra lời tiên tri về tương lai của Guardiola. Hôm ấy là ngày 21/4/2002, Brescia đang dẫn Fiorentina 1-0 nhờ bàn của Luca Toni. Mazzone quyết định đưa thêm Baggio vào sân từ ghế dự bị để giải quyết trận đấu, ngăn chặn mối đe dọa xuống hạng.
Nhận thấy Baggio vào sân, Pep đã tháo băng đội trưởng chạy lại đưa cho đàn anh. Mazzone giận điên lên vì chẳng ai chỉ đạo như thế cả, và khi trận đấu vẫn chưa ngã ngũ, ông không thích sự sến sẩm nửa vời. Baggio ghi hai bàn, giúp Brescia thắng 3-0 và an toàn trên BXH. Sau trận, Mazzone cũng phải thừa nhận: “Peppe, hôm nay chúng tôi đã thắng nhờ cử chỉ đặc biệt của anh. Anh sẽ trở thành HLV giỏi nhất thế giới”.
Cuộc chiến tuyến giữa
Phong cách và tính tình của Guardiola hoàn toàn khác biệt ở Ý vào thời điểm ấy: Serie A ưa những tiền vệ trung tâm khỏe và có lượng vận động cao, cũng như kỹ năng phòng ngự, và tính cách dữ dội. Pep chỉ là một gã ăn nói mềm mỏng, mảnh khảnh không mạnh về tranh chấp, nhưng cực giỏi về vị trí và khả năng điều tiết nhịp độ thông qua những đường chuyền. Một ý tưởng chơi bóng kiểu khác đã manh nha từ đấy.
Nhưng chuyện này diễn ra cũng không hề dễ dàng. James Horncastle dẫn ra một ví dụ: Roberto De Zerbi, một HLV trẻ đầy cá tính và tài năng của nước Ý, mới đây đã chọn rời Serie A để dẫn dắt Shakhtar Donetsk, sau hai lần liên tiếp giúp CLB này giành vị trí thứ tám ở Serie A, với lối chơi tấn công rất cuốn hút.
Ông này đã từng “dự khán” các buổi tập của Bayern Munich thời Guardiola và từng dành một tuần đàm đạo với Marcelo Bielsa ở Marseille, nhưng tại Ý, nơi cách chơi phòng ngự chắc chắn và kín kẽ đã đem lại 4 chức vô địch World Cup, De Zerbi không được các đội lớn ở Ý ưa thích lắm.
Bóng đá Ý không coi trọng các cầu thủ Tây Ban Nha, lẫn triết lý từ Tây Ban Nha. Trước khi Tiki-taka tạo ra cuộc cách mạng và nền móng Barca giúp “Cuồng phong đỏ” thống trị thế giới, các cầu thủ Tây Ban Nha thường thất bại ở Ý, trong khi ở cấp độ đội tuyển, dù sở hữu những ngôi sao hàng đầu về kỹ thuật, họ không thể bén gót Ý ở độ hiệu quả.
Và người Tây Ban Nha cũng phải học. Guardiola đã bắt đầu hành trình học tập ngay từ khi anh mới 19 tuổi và được Johan Cruyff tung vào sân ra mắt Barca trước Cadiz, vào tháng 12/1990. Điểm khác biệt lớn nhất của Pep so với các tài năng khác là anh luôn muốn cho cả đội cùng tốt lên, chứ không chỉ bản thân mình.
Trong sáu năm chơi bóng dưới thời Cruyff tại Camp Nou, Guardiola đã học được rằng một trận đấu bóng đá có thể được định đoạt theo hàng ngàn cách. Với nền tảng là triết lý của HLV người Hà Lan, Pep đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới của bóng đá Tây Ban Nha. Tư duy chơi bóng định hướng vị trí của Pep là một sự bổ sung tuyệt hảo cho khả năng xử lý kỹ thuật vốn có của các cầu thủ Tây Ban Nha.
Những người Ý đang học hỏi lại phong cách này, để bổ sung vào sự tinh quái và bản lĩnh thi đấu vốn có của họ. Thay vì những hậu vệ giỏi xoạc bóng và các tiền vệ đánh chặn trước kia, nền bóng đá này lần lượt sản sinh ra những phiên bản của “kiểu chơi Lavolpe”: Jorginho và Verratti đều ưa lùi sâu sát hàng phòng ngự, để nhận bóng và phân phối lên tuyến trên. Busquest, một bậc thầy của cách chơi kiểu này bên phía Tây Ban Nha, đêm nay sẽ phải rất vất vả, dù Pedri và Koke cũng là những đồng đội tuyệt vời, trong lối chơi kiểm soát bóng đã thành “đặc sản” của Tây Ban Nha.
Tuyến giữa của hai đội vào đêm nay sẽ là nơi đáng chú ý nhất, vì nó chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ nhất giữa những ý tưởng đang tràn ngập bóng đá châu Âu. Những ý tưởng giờ không còn quốc tịch nữa, và cháy lên ở giữa trái tim của các nền bóng đá chỉ bởi những lần gặp gỡ, chơi bóng, và cùng rút ra những kết luận. Những ý tưởng được gieo cấy không phải bằng sự cưỡng bách, mà nó lớn lên tự nhiên từ chính mỗi lần suy nghĩ, mỗi đường chuyền, mỗi pha di chuyển, và từng lựa chọn của các cầu thủ.
Đêm nay, trận bóng sẽ có kẻ thắng người bại, nhưng ý tưởng thì không. Nó luôn thắng, một khi vẫn còn người nghĩ về nó, và trở thành nguồn “lây lan” mới. Như một con virus.