Cầu vồng sau mưa
Thứ sáu, 25/06/2021 09:26 (GMT+7)
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau sau cú sút của Leon Goretzka, hét đến nỗi cổ họng bị rát đến tận ngày hôm sau. Cuối cùng thì bao công sức chờ đợi, chầu chực ở sân rồi về nhà người bạn tổ chức xem chung đã không biến thành thảm họa. Chỉ một cái sảy chân thôi, Đức có thể đã bị loại ngay từ vòng bảng rồi.
Nhưng bằng cách này hay cách khác, đội tuyển Đức đã đi tiếp. Thảm cảnh của World Cup 2018 hay Euro 2004 không tái diễn nữa, và thế cũng là quá đủ rồi. Trận đấu có thể không phải một thành công theo ý kiến chuyên gia và của những người Đức vốn kỳ vọng cao hơn ở các cầu thủ của mình, nhưng rõ ràng nó là một bữa tiệc bóng đá đầy cảm xúc và màu sắc. Không chỉ là màu quốc kì, màu áo đấu của hai đội trên sân mà còn một sắc màu khác có phần đặc biệt hơn thỉnh thoảng thấp thoáng đâu đó: màu cầu vồng.
Trước trận đấu, UEFA đã nói không với thỉnh nguyện của thị trưởng thành phố Munich, ông Dieter Reiter để thắp sáng sân bằng màu cầu vồng. Quyết định này đã gây nên làn sóng phẫn nộ không chỉ trong cộng đồng người đồng tính mà còn trong các cuộc tranh cãi về công bằng, bình đẳng, bác ái của người Đức. Nhưng Đức là một dân tộc đặc biệt, họ kỷ luật, tôn trọng luật lệ nhưng không nhượng bộ. Không được bật đèn cầu vồng ở Allianz Arena thì họ thắp sáng kiểu khác. Rất nhiều thành phố khác trên đất Đức thay Munich mà bật đèn cầu vồng sân vận động của mình. Thậm chí cả thủ tướng Markus Söder cũng dùng khẩu trang FFP2 màu cầu cầu vồng.
Còn ở Allianz Arena, người hâm mộ tập trung rất đông ở lối đi bên ngoài cổng sân. Có tới 2, 3 cá nhân đứng ngoài sân mang bên mình hàng ngàn lá cờ để phát miễn phí cho người hâm mộ. Tất nhiên, trước khi đưa cho tôi một lá cờ, họ cũng đã hỏi: "Tôi có thể đưa bạn lá cờ này được chứ?". Tôi vui vẻ cầm lấy và họ cười thật tươi đáp: "Cảm ơn bạn nhiều lắm.“
Lời cảm ơn có thể là phép xã giao thông thường của các nước phương Tây, trong đó có Đức. Nhưng trong hoàn cảnh như đêm qua, trước sự chia rẽ mà UEFA và đảng AfD (chính trị dân túy cánh hữu) tạo nên khi tỏ thái độ với băng đội trưởng cầu vồng của Manuel Neuer, thì lời cảm ơn ấy còn mang ý nghĩa khác. Nó là sự trân trọng về quyết định của tôi, dù tôi không cần lên tiếng, nhưng đã chọn một lòng đứng về phía đội bóng, cộng đồng người đồng tính, và trên tất cả, là tinh thần không phân biệt bất kỳ thành phần xã hội nào của bóng đá.
Một drag queen đứng ở ngoài sân đã trở thành tâm điểm của báo chí. Cô mang trên mình trang phục sặc sỡ sắc cầu vồng, ngay cả chiếc khẩu trang cũng mang màu ấy, đứng đó yên lặng nhìn ngắm xung quanh. Thấy tôi với ánh mắt hiếu kỳ, cô buông lời hỏi: "Cô gái xinh đẹp, muốn chụp ảnh cùng tôi thì cứ đến đây.“ Tất nhiên tôi đã rất phấn khởi vì lời đề nghị ấy khi mình còn chưa kịp mở lời, chụp nhanh luôn cùng nàng drag queen thật nhiều ảnh. Chụp xong, cô ấy nói lời cảm ơn trước cả tôi và chúc tôi có một buổi xem bóng đá vui vẻ. Nhiều người với nếp suy nghĩ cũ, khi nghĩ tới drag queen nói riêng hay người đồng tính nói chung mà sẽ quy nạp về sự ồn ào, sự phô bày thái quá. Đúng là họ nhiều màu sắc hơn, đa dạng hơn, thoải mái hơn, phóng khoáng hơn, nhưng cũng như bao người khác, họ biết phép tắc xã hội. Nàng drag queen ở Allianz Arena cứ đứng đó trầm ngâm với sắc cầu vồng tỏa ra từ cơ thể mình, cô không thể hiện, lên gân vì điều gì, mỉm cười cảm ơn mỗi khi cánh phóng viên hay người hâm mộ tới gần chụp ảnh.
Trong sân vận động, người hâm mộ vẫn vẫy cờ cầu vồng, sắc màu ấy cũng vẫn ngự trên chiếc băng đội trưởng của Neuer. Dưới cơn mưa như trút nước, cảnh tượng cờ cầu vồng được vẫy cùng lá quốc kỳ nước Cộng hòa liên bang Đức chính giữa khán đài đã mang tới một cơn sóng cảm xúc cho những người chứng kiến, trong đó có tôi. Và càng ý nghĩa hơn khi Munich mưa như trút nước suốt trận đấu rồi chợt tạnh hẳn khi kết cục ngã ngũ. Đức đi tiếp sau những giằng co nghẹt thở như ẩn dụ của hình ảnh cầu vồng sau mưa. Cầu vồng đã ở lại với người Đức.
Nhưng trong niềm hân hoan vì sẽ còn tiếp tục nhìn thấy đội bóng mình yêu ở Euro 2020, đan xen trong lòng chúng tôi còn là nỗi chạnh lòng khi nhìn các cầu thủ Hungary rơi nước mắt, cũng trong cơn mưa ấy. Họ đã cống hiến, cháy hết mình vì màu cờ sắc áo chỉ tiếc rằng năm nay, may mắn đã không mỉm cười với những chàng trai Đông Âu. Họ đã rơi vào một nhánh đấu quá khó. Thất bại nhưng Hungary vẫn có thể ngẩng cao đầu. Nên họ hát, từ bài quốc ca ngay sau trận cho tới những tiếng hát của các cổ động viên khi đã rời sân. Người Hungary đã lặn lội tới Đức, đã yêu thương đội bóng ấy đến những giây cuối cùng của trận đấu, và sẽ tiếp tục sát cánh cùng các chàng trai. Và biết đâu một lúc nào đó, đến lượt họ sẽ nhìn thấy cầu vồng, chỉ là với một khái niệm khác.