EURO 2020 là thời của phản lưới nhà
Thứ bảy, 03/07/2021 06:59 (GMT+7)
Trong danh sách Vua phá lưới của EURO 2020 thì đứng trên cả Cristiano Ronaldo còn có một thực thể ghi nhiều bàn thắng hơn, là Phản lưới nhà với 10 bàn. Chưa bao giờ trong đại hội bóng đá của châu Âu, việc sút tung lưới nhà lại trở thành một trào lưu phổ biến như vậy.
Trước khi EURO 2020 diễn ra, tất cả những kỳ EURO trước đó cộng lại mới chỉ có 9 lần phản lưới. Lần đầu tiên đến tại EURO 1976, khi Anton Ondrus của Tiệp Khắc tự phá lưới nhà trong trận bán kết gặp Hà Lan ở Belgrade.
Sau đó, công chúng phải đợi tới 20 năm sau mới chứng kiến bàn phản lưới thứ 2. Gareth McAuley của Bắc Ireland là người gần nhất "lập công" theo cách không ai mong muốn này vào năm 2016.
Trong khi đó, chỉ tính đến sau hiệp 1 trận Thụy Sĩ gặp Tây Ban Nha ở trận tứ kết đầu tiên, số phản lưới của EURO 2020 đã lên tới 10 lần. Về mặt bản chất, các bàn phản lưới là hệ quả của chuỗi ngẫu nhiên. Nhưng để tình trạng này diễn ra liên tục như vậy chỉ trong một giải đấu kéo dài 30 ngày thì không thể là chuyện ngẫu nhiên được nữa.
Trước EURO 2020, đại hội có nhiều bàn phản lưới nhất là EURO 2016. Có gì chung giữa 2 phiên bản này? Đấy đều là những giải đấu có số đội tham dự nhiều nhất từ trước tới nay, với 24 đội. Tăng nhiều đội hơn, tăng cơ hội ghi bàn, đồng nghĩa với nguy cơ phản lưới. Khá logic! Nhưng vì sao số phản lưới của EURO 2020 gấp hơn 3 lần EURO 2016 thì vẫn chưa giải thích được. Dưới đây là một vài khả năng.
Đầu tiên, mệt mỏi là yếu tố tác động. Chưa bao giờ có một giải đấu lớn nào mà trước đó, các cầu thủ tham dự phải thi đấu một mùa giải 10 tháng bị bóp lại chỉ còn 8 tháng. Những người không chịu nổi sẽ dính chấn thương, trong khi phần còn lại thi đấu với cả cái đầu và đôi chân nặng chĩu. Khi thể lực không được đảm bảo, việc ra quyết định sai hay hành động sai, theo cách gọi dân dã là "chân không còn nghe lời", là chuyện bình thường.
Yếu tố này tác động đến yếu tố khác. Theo Georges Leekens, cựu HLV ĐT Bỉ, EURO 2020 có quá nhiều stress: "Phần lớn các hậu vệ chỉ chú ý tới quả bóng, chứ không phải thứ đằng sau nó. Có quá nhiều bàn phản lưới ngu ngốc, đấy là vì stress, vì sức ép dẫn tới cách phản ứng tới từng tình huống nhất định. Có thể các hậu vệ không trao đổi đủ với nhau, có thể vấn đề nằm ở cách giao tiếp. Chúng ta đã thấy nhiều hậu vệ bình tĩnh đến mức cầm quả bóng vượt qua cả hệ thống phòng ngự. Họ bị bắt buộc phải chơi bóng theo đúng cách và rồi dần quên đi những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật phòng ngự".
4 trong 10 bàn phản lưới ở EURO 2020 đến từ những quả tạt tầm cao với tốc độ khó chống đỡ, 2 đến từ những cú sút chệch hướng, 2 đến từ các tình huống bóng 1 hoặc bóng 2 của các pha giàn xếp cố định, và 2 bàn còn lại thì cực kỳ ngẫu nhiên.
Trong số này, Tây Ban Nha là đội có duyên nhất với phản lưới. Họ được lợi tới 3 lần khi các đối thủ đã gặp tự đưa bóng về lưới nhà. Nhưng chính Tây Ban Nha cũng từng phản lưới ngớ ngẩn trong chiến thắng trước Croatia ở vòng 1/8. Pedri chuyền về khung thành từ giữa sân, thủ môn Simon đỡ hụt bóng và Pedri bất đắc dĩ có tên trên bảng điện tử.
Pha bóng này nhìn qua thì tưởng là "giời ơi đất hỡi" khi lỗi lớn nhất nằm ở thủ môn Simon. Nhưng nó không hoàn toàn ngẫu nhiên như thế khi mà sức ép tầm cao của các cầu thủ Croatia khiến lực trả bóng về của Pedri mạnh hơn cần thiết. Điểm tiếp xúc của Pedri cũng không chuẩn khiến bóng xiết hơn và đi theo một quỹ đạo vượt ra ngoài sự chú ý bình thường của Simon.
Những pha gây sức ép như vậy là điển hình của bóng đá hiện đại. Nó hiểm hóc đến mức từng có thời trào lưu thủ môn phát bóng chết bằng những đường chuyền ngắn cho đồng đội đứng ngay trong vòng cấm, cũng không còn được khuyến khích nữa vì nó quá mạo hiểm.
Sai lầm sẽ đến bằng nhiều cách và thông qua nhiều hình dạng. Phản lưới có lẽ là con đẻ của sai lầm.