ĐT Việt Nam và câu chuyện nhập tịch cầu thủ: Đã đến lúc thay đổi sau thất bại ê chề!
Chủ nhật, 31/03/2024 19:48 (GMT+7)
Sau những thất bại liên tiếp trước Indonesia, liệu ĐT Việt Nam có nên cân nhắc vấn đề nhập tịch cầu thủ?
Ắt hẳn các bạn vẫn còn nhớ người đàn ông này. Cao lớn nhưng phản xạ cực nhanh, đặc biệt còn sở hữu khả năng sút phạt thần sầu. Vâng, đó chính là thủ thành Fabio Dos Santos, hay Phan Văn Santos theo tên gọi khi đã nhập tịch.
Anh chính là cầu thủ ngoại đầu tiên được khoác lên mình chiếc áo đỏ đội tuyển Việt Nam, thậm chí còn vinh dự bắt chính trong trận giao hữu với tuyển Olympic Brazil vào năm 2008. Nhưng rồi sự kiện Santos – lúc này là công dân dải đất hình chữ S lại hát quốc ca Brazil thay vì Việt Nam, đã khiến dư luận Việt phẫn nộ.
Để rồi mối lương duyên giữa anh cùng đội tuyển Sao Vàng cũng khép lại nhanh chóng. Kéo theo hệ luỵ VFF mất sạch niềm tin vào các cầu thủ ngoại nhập tịch. Kể từ đó, nhiều ngôi sao khao khát, mong muốn và khẩn cầu được khoác áo Việt Nam sau khi nhập tịch. Nhưng cuối cùng họ vẫn chỉ nhận cái kết đắng lòng. Cơ mà liệu đây có phải nước đi cứng nhắc từ VFF. Và liệu sau thất bại ê chề trước team full ngoại binh Indonesia vừa xong, Liên đoàn bóng đá Việt Nam có suy nghĩ lại, qua đó một lần nữa trao cơ hội cho những ngôi sao nhập tịch.
Sau trận thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình tối 26/3, Việt Nam chính thức rơi vào khủng hoảng, HLV Philippe Troussier cũng đã rời "ghế nóng", để lại nhiều tranh cãi về cái tên tiếp theo sẽ tiếp quản vị trí này.
Nhưng điều chúng ta cần bàn luận trong video này, không phải về vị thuyền trưởng mới đảm nhận trách nhiệm lèo lái con thuyền Việt Nam trong thời gian tới. Những ngày qua đã có kha khá bài viết nói về điều đó rồi, và đấy cũng là câu chuyện của tương lai. Còn ngay thời điểm hiện tại, chính sau 2 thất bại đau đớn trước Indonesia, một khía cạnh khác cần được thảo luận và nếu có thể, VFF bắt tay vào thực thi ngay lập tức. Đó chính là vấn đề nhập tịch cầu thủ ngoại.
Để ý trận đấu mới đây trên sân Mỹ Đình, có thể thấy Indonesia chỉ sút trúng đích có 4 lần cả trận, nhưng họ lại ghi tới 3 bàn thắng, một hiệu suất ghi bàn đáng nể. Trong khi đó, các cầu thủ Việt Nam tung ra đến 10 cú sút nhưng không ghi nổi một bàn danh dự nào. Rõ ràng, tính hiệu quả của các chân sút Việt Nam thua xa đối thủ. Họ thiếu cả về độ sắc bén, nhạy cảm lẫn sự lạnh lùng trong các pha dứt điểm cuối cùng. Và mấu chốt nằm ở chính các cầu thủ nhập tịch.
Có thể thấy ngay, những cầu thủ với cái mác “hàng ngoại” của Indonesia có thể hình, thể lực và tư duy chơi bóng nhỉnh hơn khá rõ, so với mặt bằng chung của bóng đá Đông Nam Á. Các cầu thủ này đọc tình huống rất nhanh, xử lý gọn gàng, và chỉ tập trung phạm lỗi ở khu vực xa vòng cấm nếu cần thiết. Đó là những điểm yếu cố hữu của các đội bóng ở khu vực ASEAN.
Cũng chính những cầu thủ nhập tịch này đã thể hiện vai trò quan trọng, đem đến một bộ mặt mới về tâm lý chơi bóng cho đội tuyển Indonesia trước Việt Nam. Nếu như trước đây, Indonesia khi đối đầu với Việt Nam chẳng khác nào chúng ta phải đá với người Thái. Còn bây giờ, các cầu thủ xứ vạn đảo không hề tỏ ra nao núng hay mất bình tĩnh dù bị chủ nhà Việt Nam ép sân gần như cả trận.
Đó là một bước tiến rất xa của đội bóng này. Còn nếu nhìn vào khía cạnh khác, với trọng tâm là đội tuyển Việt Nam, thì chúng ta đang ngày càng thụt lùi. Và đó cũng chính là lúc VFF thực sự cần thay đổi.
Đây đã là xu thế chung, vậy Việt Nam còn điều gì lấn cấn? Có phải chúng ta vẫn mang nét hoài nghi, và không muốn phải chứng kiến thêm một phiên bản Phan Văn Santos không thể hát quốc ca Việt Nam.
Cơ mà tại sao ta chỉ nhìn vào Phan Văn Santos, mà lại không đề cập đến hình ảnh trái ngược của Hoàng Vũ Samson? Cựu tiền đạo Hà Nội T&T sau khi nhập tịch, lấy vợ Việt cũng đã đem lòng yêu dải đất hình chữ S, bằng thứ tình cảm chân thành. Anh đã từng gửi tâm thư mong muốn được cống hiến, với nỗi niềm có thể đánh đổi tất cả để được khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Kết quả, chân sút từng khuynh đảo V League một thời đã bị ngó lơ. Tất nhiên trong giai đoạn ấy, HLV Park Hang Seo xuất hiện và làm lu mờ tất cả, bằng lứa cầu thủ hàng nội địa cực kỳ tài năng. Cơ mà có bao giờ ta tự hỏi, nếu như – chỉ là nếu như thôi nhé – có thêm những cầu thủ nhập tịch mà thực sự nghiêm túc như Hoàng Vũ Samson, Việt Nam có thể tiến xa hơn không?
Hay trước đó, những Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max dù cũng tha thiết bày tỏ được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Nhưng cả 2 cũng chỉ có đúng 1 trận duy nhất được ra sân, trong trận giao hữu với CLB Olympiakos của Hy Lạp năm 2009.
Như thêm một trường hợp tiêu biểu nữa của Huỳnh Kesley Alves – chân sút quá đỗi quen thuộc với người hâm mộ Việt. Anh cũng từng là tượng đài tại V League, với những năm tháng trên đỉnh vinh quang cùng Becamex Bình Dương. Kesley cũng vô cùng yêu mến đất nước Việt Nam, và cũng nhắn gửi yêu thương được cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Song, những gì tiền đạo sinh năm 1981 nhận được, cũng chỉ là cơ hội ít ỏi theo kiểu “món quà tình thương”, được HLV Calisto trao vào năm 2009. Kể từ đó, Huỳnh Kesley cũng lặn mất tăm, trong mọi chiến dịch của đội tuyển cờ đỏ sao vàng.
Tựu chung lại, đó đều là những cầu thủ nhập tịch đã từng rất nổi tiếng, mà không được trao cơ hội cống hiến cho tuyển Việt Nam. Đã có lúc ta cảm thấy thành công, tự hào với đối thủ rằng mình vẫn chiến thắng bằng sức mạnh 100% hàng nội địa. Song nhiều khi phải đón nhận thất bại khó nuốt trôi, điển hình ngay thời điểm hiện tại, phải chăng giờ là lúc cần thay đổi.
Ta đã tạm có trường hợp của thủ môn Nguyễn Filip tiên phong. Và màn trình diễn ổn định của người gác đền 31 tuổi, chính là minh chứng cho việc VFF cần thoáng hơn trong việc trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch.
CĐV không thể nói "vì Indonesia dùng cầu thủ nhập tịch nên mới thắng được Việt Nam". Thay vào đó, chúng ta nên hành động. Có thể triều đại thất bại của Troussier, chính là bước ngoặt mở ra cơ hội cho những ngôi sao ngoại, qua đó giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Và biết đâu, đó chính là cuộc cách mạng mang lại ánh hào quang về với những chiến binh Sao Vàng.