ĐT Oman mạnh, yếu ở những vị trí nào?
Thứ hai, 11/10/2021 11:34 (GMT+7)
Trước thềm trận đấu gặp ĐT Việt Nam, ĐT Oman có được một số những màn trình diễn ấn tượng tại vòng loại World Cup 2022.
Oman đã thua 2 trong 3 trận đấu đầu tiên của mình tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á trước Australia và Saudi Arabia. Trong 2 trận đấu ấy, họ để thua cả 4 bàn và ghi 1 bàn. Ở trận còn lại, Oman thắng Nhật Bản với tỷ số 3-1
Tuy nhiên, nếu xét ở vòng loại thứ 2 thì Oman thi đấu khá ấn tượng. Họ thắng 6/8 trận đấu của mình, chỉ thua 2 trận trước chủ nhà Qatar. Còn lại, họ thắng Ấn Độ, Bangladesh và Afghanistan cả 6 trận. Oman ghi 16 bàn và để thủng lưới 6 bàn ở vòng loại này.
Điểm mạnh: Sự thực dụng và khối phòng ngự giữa sân
ĐT Oman vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á với thành tích ghi 16 bàn thắng và để thủng lưới 6 lần. Ngoại trừ những lần gặp đối thủ yếu hơn hẳn là Bangladesh, đội gần như chỉ thắng với cách biệt tối thiểu. Ngay cả 2 trận thua Qatar, Oman cũng chỉ thua tối thiểu (0-1 hoặc 1-2).
Oman luôn ra sân với sơ đồ chiến thuật 4-3-1-2 quen thuộc, dù đôi lúc ‘biến tấu’ thành 4-4-2. Về cơ bản, họ luôn sử dụng tới 3 hoặc 4 cầu thủ đá ở trung tâm ở hàng tiền vệ. Điều này giúp Oman có được một thế trận vô cùng chắc chắn trước những đối thủ mạnh.
Ở trận gặp Nhật Bản, Oman để đối phương cầm bóng tới 65% nhưng chỉ chịu 10 cú sút. Thậm chí, họ còn dứt điểm nhiều hơn đối thủ. Nhật Bản không thể khoan thủng tuyến giữa của Oman và buộc phải đánh biên. Dù vậy, cách tấn công này cũng không hiệu quả. 2 tiền vệ là Ito và Hrarguchi chỉ tạt được 1 quả trong cả trận, còn hậu vệ trái Nagatomo tạt tới 4 lần nhưng chỉ thành công 1. Chỉ số này của Sakai, hậu vệ phải là 5 lần tạt, 1 lần thành công.
Có thể thấy, các cầu thủ Nhật Bản gần như chỉ tấn công biên trước Oman do tuyến giữa bị khóa chặt. Dù tạt được tới 15 tình huống nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, cho thấy các trung vệ đã thi đấu vô cùng ấn tượng.
Điểm mạnh: Ngôi sao Salaah Al Yahyaei
Dù thi đấu tấn công hay phòng ngự, Salaah Al Yahyaei luôn là ngôi sao của tuyển Oman. Anh đá ở vị trí số 10 trong sơ đồ 4-3-1-2 của đội nhà và là cầu thủ sáng tạo chủ lực.
Hai tiền đạo của Oman là Al Mandhar Al Alawi và Khalid Khalifa Al Hajri luôn tham gia bằng cách gây áp lực lên tiền vệ đối phương. Khi triển khai tấn công thì họ mở rộng ra 2 biên để nhận những đường chuyền của Salaah Al Yahyaei. Hoặc cũng có thể những tiền đạo này sẽ làm tường để Salaah Al Yahyaei nhận bóng để triển khai tấn công từ hai biên.
Cụ thể, trong chiến thắng của Oman trước Nhật Bản thì Salaah Al Yahyaei tạt bóng 8 lần. Dù chỉ có 1 lần thành công duy nhất thì đó đã là bàn thắng cho Oman. Ở trận gặp Ả Rập Xê Út thì cầu thủ này cũng tạt bóng 7 lần, thành công 3. Anh cũng có 6 đường chuyền dài phát động tấn công, thành công 3 lần.
Dù chỉ cao có 1,74m nhưng Salaah Al Yahyaei rất chịu khó tranh chấp. Anh có 13 lần đối đầu với đối phương ở trận gặp Ả Rập Xê Út và thắng 5 lần, bị phạm lỗi 2 lần. Al Yahyaei cũng có 2 pha tắc bóng thành công. Như vậy, anh đóng vai trò quan trọng trong cả công lẫn thủ của đội bóng Tây Á. Có thể nói, thành công hay thất bại của tuyển Oman thời điểm này phụ thuộc khá nhiều vào ngôi sao 23 tuổi.
Điểm mạnh: Khả năng qua người
Dù Oman luôn chủ động đá phòng ngự, kỹ năng của các cầu thủ vẫn rất đáng nể. Ở trận thắng Nhật Bản, họ đi bóng 7 lần thì thành công 3. Trong khi đó, Nhật Bản không có nổi 1 pha qua người thành công trong 8 lần thử.
Tương tự ở các trận đấu khác, các cầu thủ Oman rất biết cách vượt qua đối phương. Ở trận sặp Ả Rập Xê Út, dù thua họ vẫn có tỷ lệ đi bóng qua người là 40%. Ở trận gặp Úc, họ thành công 8 lần qua người trong tổng cộng 14 lần thử, đạt tỷ lệ 57%.
Và lại 1 lần nữa chúng ta phải nhắc tới tên của ngôi sao Salaah Al Yahyaei. Ở trận gặp Úc, anh đi bóng 5 lần và thành công 3. Ở trận gặp Nhật Bản, anh cũng có 3 lần qua người, thành công 1.
Cầu thủ đáng chú ý còn lại là Zahir Sulaiman, tiền vệ trung tâm lệch trái. Ở trận gặp Úc, anh đi bóng 4 lần, thành công 2. Cầu thủ 22 tuổi này nếu được trả về vị trí tiền vệ cánh trái sẽ rất nguy hiểm.
Điểm yếu: Biên và nách biên
Trong 4 bàn thua của ĐT Oman phải nhận tính tới thời điểm này, cả 4 đều xuất phát từ 2 biên. Cụ thể hơn, cả 4 bàn thua này đều đến từ bên cánh phải của đội tấn công (tức cánh trái của Oman).
ĐT Australia đã tận dụng tốt vị trí biên phải để ghi 3 bàn thắng vào lưới đối phương. Và bản thân ĐT Nhật Bản dù thua trận cũng thực hiện tới 15 quả tạt vào trong vòng cấm của đối thủ.
Bàn đầu tiên của ĐT Australia xuất phát từ quả treo bóng vào của Jackson Irvine, tạo ra khung cảnh hỗn loạn và giúp Awer Mabil lập công. Sau đó, Martin Boyle điền tên mình lên bảng tỷ số từ pha đi bóng nỗ lực cũng ở cánh phải của Tom Rogic. Thậm chí, ĐT Saudi Arabia vốn chỉ tấn công trung lộ cũng tìm ra bàn thắng đánh bại Oman bằng việc để cầu thủ chạy cánh phải là Fahad Al Muwallad xâm nhập vòng cầm rồi nhả ra cho đồng đội ghi bàn
Vấn đề không hẳn nằm ở hậu vệ cánh trái Ali Al Busaidi mà là sự phối hợp của anh với Zahir Sulaiman Abdullah Al Aghbari, tiền vệ ngay phía trên. Cả hai dường như không có trách nhiệm ngăn cản những pha tạt bóng từ xa. Zahir Sulaiman theo người khá hời hợt khi ở ngoài biên, chỉ bám rát khi ở vị trí gần với tiền vệ trung tâm hơn. Trong khi đó, Al Busaidi gần như dâng lên cùng vị trí với người đồng đội.
Điều đó tạo ra khoảng trống ở biên và nách biên trái cho đối thủ thoải mái tạt bóng. Ở trận gặp Australia và Saudi Arabia, khi gặp những cầu thủ có khả năng đưa bóng vào bằng cả hai chân thì họ gặp khó, khiến hàng thủ không thể hoạt động hiệu quả.
Qua những phân tích trên đây, có thể thấy Oman không phải là một đội bóng dễ chơi. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể tập trung vào sở đoản của họ để thi đấu, thì 3 điểm không phải là điều nằm ngoài tầm tay của HLV Park Hang Seo và các học trò.