ĐT Hà Lan: Châm lại một điếu thuốc, cho những gì tạm thời biến mất
Thứ hai, 28/06/2021 14:53 (GMT+7)
Thất bại của đội tuyển Hà Lan chưa bao giờ đáng sợ như lúc này, vì dù là một nền bóng đá vốn thường bị cho là thiếu những cú rướn quyết định lên đỉnh cao, thì tư duy và triết lý bóng đá của họ lúc nào cũng được tôn trọng, vì tính khai phóng và tầm ảnh hưởng của chúng.
“Sự sụp đổ khủng khiếp”
“Xin chia buồn, Hà Lan 2021. Đừng bận tâm đến bóng đá tổng lực nữa: đây là một sự sụp đổ hoàn toàn. Và không chỉ là một cú sập đơn giản, mà là một sự sụp đổ khủng khiếp, đáng kinh ngạc, kiểu sập mà bạn có thể thấy đang xảy ra trước mắt mình theo thời gian thực, giống một vụ tai nạn ô tô được làm chậm lại”.
Đấy là nhận xét trên tờ The Guardian về màn trình diễn của Hà Lan đêm qua, 90 phút đã thực sự phơi bày diện mạo của đội tuyển da cam lúc này, sau một vòng bảng khá tưng bừng và tạo ra cảm giác rằng họ có thể làm được một điều gì đó ở EURO 2021.
Khi De Ligt, một trong những cầu thủ trẻ tiêu biểu nhất của thế hệ hiện tại, mắc một sai lầm ngớ ngẩn từ việc không thể quản nổi không gian sau lưng mình, Hà Lan chính thức sụp đổ. Từ đó là những phút hoảng loạn: cầu thủ Hà Lan mất thế trận, không thể thực hiện tốt 2-3 đường chuyền liên tục, và bị tàn phá bởi sức mạnh và sự nhuần nhuyễn của đội Séc. Frankie De Jong, cầu thủ dường như có nhiều chất Hà Lan truyền thống nhất, không thể cầm trịch được thế trận hỗn loạn của đội nhà.
Lối chơi điền kinh của họ có thể đã tồn tại lâu hơn, nếu Malen không thất bại trong pha đối mặt rõ ràng với thủ môn Vaclik. Nhưng như định mệnh sắp đặt, những người Hà Lan đều thiếu những cú rướn cuối cùng này. Trên băng ghế huấn luyện, bóng ma của EURO 2000 có lẽ đã vảng vất trong đầu Frank De Boer: anh đã sút hỏng đến hai quả phạt đền ở trận bán kết gặp Ý, một trong thời gian chính thức và một trong loạt đấu súng, dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền. Jaap Stam và Paul Bosvelt lần lượt đá hỏng theo, và Hà Lan rời cuộc chơi mà không cần đá lượt cuối cùng.
Những cuốn phim có nụ cười của người Hà Lan là quá hiếm. World Cup 2010, số phận có thể đã bẻ ghi sang một ngả khác, nếu Arjen Robben không thất bại trong pha đối mặt với Iker Casillas ở trận chung kết với Tây Ban Nha. Em trai của Frank De Boer là Ronald De Boer chính là người sút hỏng trong loạt penalty ở trận bán kết trước Brazil tại World Cup 1998.
Nhưng chưa bao giờ thất bại làm cho nền bóng đá này mất giá. Các cầu thủ Hà Lan vẫn là báu vật ở bất kỳ nơi nào họ đặt chân đến. Triết lý bóng đá của Hà Lan có tầm ảnh hưởng hàng trăm năm, với Johan Cruyff là người khai tông lập phái. Đấy là nền bóng đá có suy nghĩ sâu sắc và hành động tinh tế bậc nhất chúng ta từng biết.
Ý tưởng bị lãng quên
“Tốc độ trong thể thao là gì? Báo chí thường nhầm lẫn tốc độ đơn thuần với sự nhanh nhạy của cầu thủ. Nếu tôi xuất phát sớm hơn chẳng hạn, tôi sẽ về đích sớm hơn” – Cruyff từng nói thế. Đội tuyển Hà Lan bây giờ làm ngược lại: họ rất tích cực mở tốc độ, nhưng vào những thời điểm không thích hợp.
“Thống kê cho thấy mỗi cầu thủ chỉ kiểm soát bóng khoảng 3 phút trong trận. Vậy thì điều quan trọng nhất là 87 phút không có bóng thì làm gì. Đấy là tất cả những gì quyết định xem bạn có phải cầu thủ giỏi không” – Vẫn lời Cruyff. Đội tuyển Hà Lan của De Boer cũng làm ngược lại: Các tiền vệ di chuyển với sự hỗn loạn, khi không cầm bóng. Họ hoàn toàn mất định hướng.
“Nếu bạn có bóng, bạn phải làm sân đấu trở nên lớn nhất có thể, và nếu không có bóng, phải khiến nó càng nhỏ càng tốt” – Bài học về tư duy không gian và vị trí của Cruyff có thể cô đọng ngắn gọn lại như thế. Bây giờ, Hà Lan lỏng lẻo khi không có bóng, và các cầu thủ tấn công thường tự giẫm chân nhau. Các cầu thủ chơi pressing rất rát, nhưng không có tư duy vị trí và cảm nhận không gian tốt. Những người Hà Lan đã từng tư duy hộ cách chơi bóng giữa một thế giới chỉ biết đá và chạy (kick and rush), nhưng rồi cũng có lúc chính họ chơi thứ bóng đá không cần suy nghĩ ấy.
Đêm qua, trên một sân vận động đẹp hơn hầu hết các mặt cỏ trong quá khứ từng chơi, khi các cầu thủ đã trở nên giàu có hơn bao giờ hết và những công cụ luyện tập cũng như khoa học nói chung phục vụ cho họ ngày một tinh vi hơn, thì chính con người, cốt lõi từ trước đến giờ của bóng đá Hà Lan, lại đơn giản và hời hợt hơn, dù không thể nói là họ đã thiếu nỗ lực.
Đêm qua, có thứ gì đó đã chết đi. Hà Lan vẫn thất bại, nhưng bên trong sự sụp đổ này chẳng có gì cả, và sẽ không ai rơi nước mắt vì sự trống rỗng này. Đêm qua, các CĐV Hà Lan có lẽ đã ước gì Cruyff đứng bên đường piste, chứng kiến những gì đã xảy ra, lặng lẽ châm một điếu thuốc, và làm sống lại điều gì đó trong 11 người mặc áo da cam đang chạy tán loạn trên sân.
Nhưng có lẽ kể cả có đứng đó thật, và tận mắt chứng kiến sự sụp đổ này, Cruyff có lẽ cũng sẽ im lặng. Không có gì để nói với một thực tại đã chết: “Tôi là cựu giám đốc kỹ thuật, cựu huấn luyện viên, cựu giám đốc, cựu chủ tịch danh dự. Một danh sách đẹp đẽ một lần nữa cho thấy rằng tất cả rồi cũng đi đến hồi kết”.
Tất cả sẽ đến hồi kết. Điếu thuốc trên tay tàn. Đời người là ngắn ngủi. Thế hệ vàng nào rồi cũng cúi chào và lùi về phía sau sân khấu lịch sử. Những cầu thủ và HLV vĩ đại đã từng sống, chơi bóng vì triết lý mình tin tưởng, và chết đi mà chẳng để ý xem di sản của mình có thể được nối tiếp hay không.
Nhưng thứ bóng đá ấy vẫn sống, bằng cách này hay cách khác. Trong một giải pháp của Pep Guardiola ở Man City, hay thậm chí là một phương án phá quây và phát triển bóng, trên một sân bóng vô danh nào đó, của bất kỳ ai muốn suy nghĩ về bóng đá và đi vào chiều sâu của nó. Không có ranh giới nào với một ý tưởng, một khi đã được gieo ra. Chỉ cần có những người sẵn sàng tiếp nhận, và tư duy về nó.
Những gì diễn ra đêm qua chỉ là một bi kịch nhỏ, vì ý tưởng không bao giờ chết. Nó vẫn ở đấy, và dù những điều đáng buồn vẫn thường xảy ra, như là khi chính De Boer và các cầu thủ áo da cam hiện tại không còn nghĩ về nó nữa, thì có ai đó vẫn sẽ rút điếu thuốc ra, châm lên, và làm cháy lại những điều đã mất. Chỉ cần họ thực sự muốn làm điều đó.