ĐT Anh: Bài ca yeomen
Thứ tư, 23/06/2021 18:40 (GMT+7)
Có một thực tế thú vị: Những khi ĐT Anh xuất hiện một cách bóng bẩy và ầm ĩ nhất, gần như chắc chắn là họ sẽ gây thất vọng. Song, ba năm qua, trong một dáng vẻ thô tháp, cục mịch và vô danh, những gì mà Gareth Southgate cùng các học trò của mình đạt được lại cũng chẳng hề kém cạnh, so với các thế hệ dưới tay Kevin Keegan, Sven Goran Eriksson, Fabio Capello hay Roy Hodgson.
1. Cần phải nhấn mạnh: Trước năm 2018, lần gần nhất mà một ĐT vào đến được tận bán kết một kỳ World Cup đã diễn ra từ năm 1990, khi được dẫn dắt bởi một vị thuyền trưởng huyền thoại: Sir Bobby Robson.
Còn tính ở các vòng chung kết EURO, trừ năm 1996 tổ chức trên sân nhà, “Bầy sư tử đảo quốc” – như cách gọi mỹ miều mà những người hâm mộ của họ hay sử dụng – cho đến tận bây giờ cũng chưa từng vượt qua nổi tứ kết.
Anh vẫn luôn luôn là một cường quốc bóng đá, và ĐT Anh cũng vẫn luôn luôn là một đội tuyển mạnh, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Song, họ mạnh đến đâu thì thật khó định lượng.
Những “fan cuồng” của họ cũng không thể phủ nhận được thực tế là ngoài World Cup 1966 (cũng trên sân nhà), “Tam sư” chưa có thêm bất cứ một danh hiệu vô địch nào. Ngược lại, những người căm ghét ĐT Anh cũng phải chấp nhận việc họ vẫn là khách quen ở các vòng chung kết các giải lớn gần đây, đủ thực lực để tiến sâu vào giai đoạn knock-out, dù đôi khi cũng “sẩy chân” ở ngay vòng bảng (các EURO 1988, 1992, 2000).
Vậy, vấn đề chính của nền bóng đá ấy là gì? Phải chăng, đó là khả năng tự định vị chính mình, dù chỉ theo một cách tương đối chính xác?
2. Khi những lớp son phấn truyền thông đã được thời gian gột rửa đi rất nhiều, khi ĐT Anh đến với một vòng chung kết World Cup hay EURO không còn giống với một đoàn làm phim Hollywood, khi thế hệ của những ngôi sao nổi tiếng với các scandal ngoài sân cỏ nhiều hơn là với chân tài thực học trong phạm vi đường pitch… đã “quy ẩn”, Gareth Southgate tiếp quản một đống ngổn ngang từ tay Sam Alladyce, với không nhiều chất liệu trong tay.
EPL có thể vẫn là giải đấu số 1 thế giới về sức hấp dẫn cũng như lợi nhuận, nhưng đổi lại, nó trở thành bệ phóng của các ngôi sao ngoại quốc và củng cố sức mạnh của các CLB, chứ không phải là nền tảng vững chắc của ĐTQG nữa.
“Tam sư” của Southgate có lẽ là ĐT Anh “bình dân” nhất từ trước tới nay trong lịch sử. Những cái tên hiện tại chắc chắn sẽ vang lên yếu ớt một cách tội nghiệp, nếu bị đặt cạnh âm thanh của Michael Owen, Wayne Rooney, David Beckham, Steven Gerrard, Ashley Cole hay Frank Lampard…Tuy vậy, đó có lẽ lại là một trong những sự may mắn quan trọng nhất mà Southgate nhận được.
Một cách ngắn gọn, đội bóng của ông không còn bị phân tâm nhiều bởi những chuyện bên lề như trước đây, và cũng không bắt buộc phải thể hiện được bất cứ điều gì quá “hoành tráng”, dưới sức ép khổng lồ của giới truyền thông cũng như các fan hâm mộ.
Bị định vị thấp xuống, họ lại “dễ đá” hơn nhiều. Sterling là một ví dụ. Anh chưa từng được đánh giá cao. Nhưng có lẽ, chính bởi vậy, bởi cả việc mọi đối thủ đều dồn sự “quan tâm” nhiều hơn đến Vua phá lưới World Cup 2018 Harry Kane, mà Sterling lại dễ dàng bước ra dưới ánh mặt trời hơn. Gắn liền với anh, chỉ cần nhớ lại sự nhịp nhàng và thanh thoát trong pha phối hợp hạ gục ĐT Czech, là đủ để thấy các tuyển thủ Anh đang đạt được một trạng thái tâm lý bay bổng như thế nào.
3. Điều này, thực tế, cũng sẽ là gợi ý cho một số tiền đề. Chỉ ghi được 2 bàn nhưng lại chưa từng bị thủng lưới sau 3 trận, rõ ràng là ngược với các chỉ dấu truyền thống, ĐT Anh hiện tại có khả năng chơi phòng ngự - phản công, thay vì chỉ chăm chăm tìm cách áp đặt thế trận như các bậc tiền bối danh tiếng lẫy lừng. Dĩ nhiên, đó chỉ còn là một cuộc chơi thủ tục. Song, kể cả khi cả hai bên đều không cố gắng đẩy cao nhịp độ, cũng như cố gắng tránh các va chạm không cần thiết, thì việc đoàn quân của Southgate vượt qua vòng bảng mà vẫn chưa bị thủng lưới bàn nào cũng rất đáng chú ý. Chúng ta đều đã thấy: Chỉ cần những khoảnh khắc chói sáng đơn lẻ, Modric và Perisic hay Patrik Schick đều có thể nhấn chìm mọi đối thủ như thế nào.
Nếu phải đối diện với một chướng ngại vật được đánh giá cao hơn trên lý thuyết, và hùng mạnh hơn về chất lượng nhân sự, nếu bị dồn ép và đẩy lùi, bị buộc phải co mình chịu trận trước những đòn roi…thì cũng đừng vội lo cho đội bóng này. Họ có thể chịu đựng, để tìm cơ hội quật khởi. Kỹ năng không chiến của Kane cùng tốc độ của các vệ tinh như Sterling vẫn đủ để níu giữ hy vọng.
Đội bóng này không sở hữu những nhân vật truyền kỳ có thể một mình làm nên thời thế, cũng không phải là tập hợp của các bậc đại công hầu. Khúc chiến ca của họ không thể mang âm hưởng tiếng kèn xung trận hiệp sĩ, mà là những hồi tù và yeomen (phú nông) được Walter Scott khắc họa trong Ivanhoe, theo một liên tưởng bất chợt. Miễn là, họ được phép đặt mình vào tâm thế “cửa dưới”, và đừng bị đòi hỏi phải thể hiện được những dấu ấn đẳng cấp đích thực bởi bất cứ ai.
Hoặc là, vẫn còn nguyên đó tấm gương Hy Lạp 2004 – những nhà vô địch thực thụ về chuyện hiểu rõ chính mình.