Điều lệ, thể thức thi đấu cử tạ Olympic 2021: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Thứ bảy, 17/07/2021 18:54 (GMT+7)
Điều lệ thi đấu cử tạ Olympic Tokyo 2021. Cập nhật thể thức thi đấu, cách tính điểm các nội dung cử tạ tại Olympic Tokyo 2021 chính xác nhất tại thethao.vn.
Sơ lược về cử tạ
Môn cử tạ được đưa vào thi đấu ở Olympic từ kỳ thế vận hội đầu tiên năm 1896. Đến Olympic Antwerp 1920 (Bỉ), các VĐV cử tạ mới được chia hạng cân để thi đấu. Các động tác cử đẩy và cử giật được tiêu chuẩn hóa từ Olympic 1976.
Ban đầu, chỉ các VĐV nam tham gia thi đấu cử tạ ở Olympic. Mãi đến Thế vận hội năm 2000, các đô cử nữ mới được tranh tài tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.
Điều lệ, thể thức thi đấu cử tạ Olympic 2021
Môn cử tạ ở Olympic 2021 bao gồm 14 nội dung thi đấu, 7 cho nam và 7 cho nữ ở các hạng cân khác nhau. Quá trình thi đấu của 1 VĐV đựa chia thành 2 giai đoạn, cử đẩy và cử giật.
>>> Lịch thi đấu đoàn thể thao Việt Nam Olympic Tokyo 2021 hôm nay
• Cử giật: VĐV nắm chắc đòn tạ, lòng bàn tay hướng xuống dưới và bằng một động tác duy nhất giật tạ từ sàn lên trên đầu, hai tay giơ thẳng, trong khi đó dạng chân hoặc khuỵu gối. Trong quá trình chuyển động liên tục này, thanh đòn lướt dọc theo đùi và phần bụng. Trong quá trình giật tạ, ngoài hai bàn chân, không một bộ phận nào của cơ thể được chạm sàn.
Sau khi nâng tạ lên phải giữ bất động, chân và tay thẳng, hai bàn chân thẳng hàng nhau cho đến khi có tín hiệu của trọng tài cho hạ xuống sàn. VĐV có thể nghỉ lấy sức trong phạm vi thời gian cho phép, lúc đứng dạng chân hoặc ở tư thế ngồi xổm, và kết thúc với hai bàn chân trên một đường thẳng, song song với mặt phẳng tạo bởi thân người và đòn tạ. Trọng tài phát lệnh hạ tạ khi thấy tất cả các bộ phận cơ thể VĐV đã bất động.
• Cử đẩy: VĐV nắm chắc đòn tạ, lòng bàn tay hướng xuống dưới và bằng một động tác duy nhất giật tạ từ sàn lên trên vai, trong khi đó dạng chân hoặc khuỵu gối. Trong quá trình chuyển động liên tục này, thanh đòn tạ lướt qua đùi và phần bụng. Thanh đòn không được chạm vào phần ngực trước tư thế cuối cùng.
Sau đó, đòn tạ có thể được đặt trên xương đòn, hoặc phần ngực từ mức núm vú trở lên, hoặc được giữ trên cánh tay đã co gấp hoàn toàn. Hai bàn chân phải được thu về trên cùng một đường thẳng, chân đứng thẳng trước khi thực hiện phần nâng tạ. VĐV có thể nghỉ lấy sức trong phạm vi thời gian cho phép và kết thúc là hai bàn chân đặt trên đường thẳng song song với mặt phẳng tạo bởi đòn tạ và thân người.
VĐV gập khớp gối để tạo đà đẩy tạ lên, chân đứng thẳng lên và cánh tay giơ lên cao hết mức theo phương thẳng đứng. Sau đó thu hai chân về trên cùng một đường thẳng, chân và tay duỗi thẳng hoàn toàn, chờ lệnh trọng tài cho phép hạ tạ. Trọng tài phát lệnh hạ tạ ngay sau khi nhận thấy tất cả bộ phận cơ thể VĐV đã bất động.
Cách tính điểm môn cử tạ Olympic 2021
Mỗi VĐV được phép thực hiện tối đa 3 lần cử giật và 3 lần cử đẩy. Thành tích thi đấu là tổng khối lượng tạ cao nhất mà VĐV nâng được trong 2 giai đoạn.
Tiêu chí trao huy chương theo thứ tự ưu tiên:
1. Tổng thành tích cao nhất sau 2 bài cử giật và cử đẩy
2. Thành tích ngang nhau, VĐV có khối lượng cơ thể thấp hơn sẽ xếp trên
3. Thành tích và cân nặng ngang nhau, VĐV cần ít lần nâng tạ để hoàn thành phần thi hơn sẽ xếp trên
Lưu ý:
1. VĐV phải hoàn thành bài thi trong 1 phút kể từ khi được gọi tên cho mỗi lần thử.
2. Trong bài cử giật, nếu VĐV dừng tạ trong quá trình giật tạ lên hay chạm đầu vào thanh tạ sẽ bị tính phạm quy.
3. Kết quả thi đấu bị hủy bỏ nếu bị phát hiện sử dụng doping.
4. VĐV cử tạ được phép sử dụng băng để bảo vệ các bộ phận của cơ thể, như cổ tay và ngón tay cái...
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Việt Nam có 2 VĐV cử tạ góp mặt ở Olympic Tokyo 2021 là Thạch Kim Tuấn (61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (49kg nữ). Cả 2 VĐV đều được đầu tư để giành huy chương cho cử tạ Việt Nam ở Thế vận hội mùa hè năm nay.
Thạch Kim Tuấn từng giành HCB giải vô địch thế giới và ASIAD. Anh luôn là niềm hi vọng của cử tạ Việt Nam ở các giải quốc tế lớn. Khả năng giành huy chương của Thạch Kim Tuấn được nâng cao khi đối thủ trực tiếp tranh vị trí thứ ba ở hạng cân 61 kg là Mosquera Valencia Antonio (Colombia) không tham dự.
Hoàng Thị Duyên cũng có một bề dày thành tích đáng nể. Cô đã giành huy chương bạc ở nội dung cử giật 59 kg nữ tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2018. Năm 2020, Hoàng Thị Duyên đoạt huy chương vàng tại World Cup Roma 2020. Năm 2021, cô giành thêm huy chương đồng tại Giải vô địch cử tạ châu Á được tổ chức tại Tashkent, Uzbekistan.
Trong lịch sử, Cử tạ Việt Nam có 2 VĐV giành huy chương là Hoàng Anh Tuấn (HCB - Olympic Bắc Kinh 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (HCĐ - Olympic London 2012).