Dễ hiểu tại sao bóng chuyền nữ Việt Nam liên tiếp giành Bạc SEA Games
Thứ hai, 06/06/2022 10:59 (GMT+7)
Trận thua Thái Lan tại chung kết SEA Games 31 là lần thứ 9 chúng ta chạm Bạc trước các cô gái Thái Lan và là lần thứ 10 chúng ta về nhì tại đấu trường khu vực.
Tại sao bóng chuyền nữ Việt Nam liên tiếp giành Bạc mà chưa thể chạm tay tới tấm Huy chương vàng khu vực là câu hỏi mà nhìn qua có thể tìm ngay câu trả lời. Hiện tại, xét về chiều cao, lợi thế tại SEA Games 31, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nổi trội hơn tất cả 4 đối thủ khác kể cả Thái Lan. Trước giải đấu, nhiều ngườ hy vọng vào tấm Huy chương vàng bởi chúng ta hội tụ tất cả những yếu tố thiên thời, địa lợi.
Mặc dù được kỳ vọng nhưng sau cùng, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng chỉ có thể bảo vệ thành công tấm Huy chương bạc mà chúng ta đã giành được tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Có thể nói rằng, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại là tập thể họi tụ khá nhiều ngôi sao sáng của làng bóng nữ.
Thanh Thúy sau những thành công từ Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản trở thành đầu tàu dẫn dắt các đồng đội tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này. Bên cạnh đó, những ngôi sao như Nguyễn Thị Trinh, Thanh Liên, Đinh Thị Thúy hay Hoàng Thị Kiều Trinh đều là những cá nhân xuất sắc của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại.
Một tập thể đồng đều nhất từ trước tới nay của bóng chuyền Việt Nam vẫn chịu thua trước những cô gái Thái Lan tại chung kết (và ngay tại vòng đấu bảng) là điều gây nên sự nuối tiếc cho NHM bóng chuyền nước nhà. Nếu như trận đấu vòng bảng chúng ta có được 1 set thắng mang lại hy vọng vào sự lật đổ ngôi hậu trong trận chung kết thì trận đấu cuối cùng lại là một sự thất vọng tột cùng.
Các cô gái Việt Nam chịu thua tâm phục khẩu phục trước Thái Lan một cách cay đắng sau đúng 3 set đấu. Cả trận đấu, gần như Thanh Thúy và các đồng đội không có lấy một cơ hội để lật ngược tình thế. Trước đó, trong các kỳ SEA Games trước khi bộ 6 huyền thoại của bóng chuyền nữ Thái Lan còn thi đấu, chúng ta đều hứng chịu một kết quả tương tự.
Ngược thời gian trở lại những kỳ SEA Games trước, khi bộ 6 huyền thoại của bóng chuyền nữ Thái Lan vẫn đang sung sức thì những Kim Huệ, Ngọc Hoa, Phạm Yến hay Đỗ Minh đều chịu thua một cách tâm phục khẩu phục. Hiện tại, khi bộ 6 đã rời xa thảm đấu để nhường lại cho thế hệ trẻ với những Moksri Chatchu-on, Kongyot Ajcharaporn hay Guedpard Pornpun tài năng thì Thanh Thúy và các đồng đội vẫn chưa tìm được cơ hội lật ngược thế cờ.
Bóng chuyền nữ Việt Nam và Thái Lan trong khu vực không bao giờ là thiếu tài năng trong các thế hệ gần đây. Hiện tại, các cô gái bóng chuyền nữ Thái Lan đã và đang được đầu tư một cách trọng điểm để hướng đến những mục tiêu cao hơn vươn tầm châu lục hoặc thế giới. Lứa VĐV này được ăn tập với nhau từ sớm và liên tục tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu. Hiện nay, Moksri Chatchu-on, Kongyot Ajcharaporn đang thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ, 4 VĐV khác đang thi đấu nổi bật tại giải bóng chuyền VĐQG Nhật Bản là tiền đề cho sự thành công của đội tuyển.
Tại đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Việt Nam, chỉ có Thanh Thúy là VĐV duy nhất mùa trước thi đấu cho PFU BlueCats - một CLB hạng trung của Nhật Bản. Các VDDV chỉ được tập huấn 3 tháng trước giải đấu lớn sau gần 3 năm không có đợt tập trung nào. Nếu như tại các quốc gia bóng chuyền phát triển, tuyển trẻ được tập huấn hàng năm và trả về cho CLB khi có giải đấu và BHL tuyển trẻ là những chuyên gia chỉ tập trung phát triển cho đội tuyển trẻ nên việc kỹ thuật cá nhân và tư duy chiến thuật được đào tạo một cách xuyên suốt.
Tại Việt Nam, đôi khi VĐV lên tuyển BHL vẫn phải chỉnh sửa kỹ thuật và bắt đầu quá trình ghép đội tạo nên sự khập khiễng. Các trận đấu cọ xát trước thềm giải đấu bị cắt giảm bởi nhiều lý do là điều ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn bị. Chưa kể đến việc các giải đấu hiện nay không giúp ích nhiều cho đội tuyển khi ngoại binh để cọ xát và canh tranh là điều xa xỉ trong 10 năm qua của bóng chuyền nước nhà.
Nói như ông bầu Đào Hữu Huyền thì “10 năm qua chúng ta đóng cửa đánh với nhau” thì làm sao VĐV có thể tiến bộ được. Quanh đi quẩn lại các VĐV nhẵn mặt nhau, thuộc lối đánh của nhau nên rất khó để tiến bộ bởi không có những đối thủ đủ lớn để cọ xát giúp chúng ta học hỏi. Đây là một trong những trở ngại lớn của bóng chuyền nước nhà trong thời điểm mà người Thái - đối thủ trực tiếp của chúng ta trong việc tìm kiếm tấm Huy chương vàng đang tiến bộ từng ngày.
Tại VNL 2022 đang diễn ra, tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan với các cô gái vừa giành Vàng SEA Games 31 đã có những chiến thắng thuyết phục trước Serbia và Trung Quốc (những đội bóng chuyền hàng đầu thế giới) đây là điều mà ít ai ngờ tới. Phải công nhận rằng trình độ của các cô gái bóng chuyền Thái Lan đã vươn tầm thế giới chứ không quanh quẩn tại đấu trường khu vực như chúng ta. Họ sẵn sàng cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu thế giới với một lối chơi hiện đại, biến hóa và bản lĩnh thi đấu tuyệt vời - điều mà các cô gái Việt Nam còn lâu mới dám nghĩ tới.
Như vậy có thể thấy rằng chúng ta hiện tại đang nằm ở đâu tại khu vực khi chưa có tầm nhìn xa cho đội tuyển quốc gia. Chúng ta càng hạn chế tham dự các giải đấu trẻ, các giải khu vực và châu Á thì đội tuyển càng đi xuống. Đây là điều dễ nhìn thấy trước các đối thủ lớn tại khu vực mà chúng ta đối đầu trong nhiều năm qua. Chính vì thế, trước giải đấu chúng ta chỉ dám khiêm tốn đặt mục tiêu bảo vệ thành công tấm Huy chương bạc Đại hội mà 9 lần trước chúng ta đã làm được.