Đan Mạch: ‘Cảm xúc cả đời nén lại trong 10 ngày’
Thứ sáu, 09/07/2021 15:35 (GMT+7)
Tại EURO 2020, không đội bóng nào được nhắc đến nhiều như Đan Mạch. Trên đủ mọi khía cạnh. Từ câu chuyện thần kỳ Eriksen trở về từ cõi chết, Đan Mạch lại bất ngờ hiện lên như một sự diệu kỳ, cuốn chúng ta theo và cổ vũ chúng ta. Bây giờ, chúng ta chia tay Đan Mạch, không còn bận tâm đến chuyện thắng thua, và có dịp nghĩ đến nhiều chuyện chưa thấy trên sân cỏ.
Trong cuộc họp báo trước trận bán kết, HLV Hjulmand không nói gì đến các số liệu kỹ thuật hay các kế hoạch chiến thuật, ông muốn nói về “những giá trị cơ bản của cuộc sống và của bóng đá”. Ông nói rằng, từ phút thứ 43 trong trong trận đấu đầu tiên của đội bóng, khi Eriksen gục xuống sân, rồi những phút thi đấu sau đó, không có mà như có Eriksen, “đối với đội bóng có nhiều thứ khác quan trọng hơn các dữ liệu thống kê”. Ông bảo: ”Quan trọng nhất là biết rằng, vì sao chúng tôi lại chơi bóng”.
Ở Đan Mạch, năm 1992, đã có một câu chuyện thần kỳ, khi các cầu thủ bóng đá trở thành anh hùng dân tộc. Suốt 30 năm, người ngoài thì không mấy để ý, chứ dân Đan Mạch thì luôn sống với huyền thoại ấy. Lứa cầu thủ hôm nay sinh ra và lớn lên trong tầm ảnh hưởng lớn lao của cả một thế hệ đi trước, với Schmeichel, Larsen, Olsen, Christofte, Poulsen, Andersen, Laudrup và biết bao người khác nữa.
Những cái tên luôn gợi nên khát vọng, đủ sức chỉ ra một con đường. Khi Kasper Schmeichel chơi trận bán kết xuất thần trước đội tuyển Anh giống như cha anh - Peter Schmeichel đã trở thành vô địch châu Âu trước đó, người ta tin rằng cả khát vọng lẫn con đường đó đều đang được tiếp nối.
Thomas Delaney là người đánh đầu mở tỷ số trong trận thắng 2-1, loại CH Czech ở vòng 1/8. Anh nói: “Thế hệ chúng tôi trưởng thành với những huyền thoại như vậy”. Trưởng thành nghĩa là tôn thờ, mơ ước, quyết tâm. Xem Delaney đá ở CLB Dortmund và ở đội tuyển Đan Mạch, ta thấy dường như đó là 2 cầu thủ khác nhau.
Có lẽ cái “cảm giác Đan Mạch” khi chơi cho đội tuyển tạo ra sự khác biệt đó, nhất là khi cảm giác đó còn được thức tỉnh, được nhân lên bởi một sự kiện thiêng liêng ở tầm “sống - chết”. Delaney đã sáng lên tại EURO 2020, như nhiều đồng đội khác của anh. Được sống, được đá bóng trong cái ý nghĩa thực hiện mơ ước cả cuộc đời là một hạnh phúc vô biên. Mình phải biết tận hưởng, mình phải cố xứng đáng.
Hjulmand nói về đội bóng mà ông được dẫn dắt: “Tôi không biết dùng lời nào để nói hết sự ngạc nhiên, khâm phục đối với các cầu thủ trong đội bóng của mình. Đó là những con người đã góp phần cứu sống cầu thủ xuất sắc nhất trong cả đội. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều chuyện, và chúng tôi vẫn chơi một thứ bóng đá tuyệt vời”.
Không nói hết được, không giải thích được, nhưng vị HLV này chắc chắn cảm thấy được rất rõ những gì thực sự xảy ra trong đội bóng: “Tất cả cảm xúc suốt một đời được nén lại trong 10 ngày”. Cho tới lúc, Đan Mạch thắng Nga 4-1 vượt qua vòng bảng, rồi hạ Xứ Wales trong trận bóng thăng hoa 4–0 rồi ra về sau thất bại 1-2 trước chủ nhà Anh bằng trái phạt đền gây nhiều tranh cãi. Chúng ta biết, như một quy luật của tự nhiên, cái gì nén lại thì cũng sẽ bùng nổ. Đan Mạch đã bùng nổ đúng như vậy.
Hjulmand nói về những giá trị cốt lõi, trong đó được sống chính là giá trị cao nhất. Ông kể rằng: "Chính tôi cũng đã mất một người chú sau đột quỵ tim ngay trên sân bóng". Cũng ngay trên sân bóng ở Nordsjaelland, nơi ông là trợ lý HLV hơn 10 năm trước, Hjulmand còn chứng kiến tai nạn sét đánh trong trận đấu tập. Người được cứu sống, nhưng phải phẫu thuật loại bỏ cánh tay trái. Nhưng sự kiện chất chồng ấy cũng khiến cho chính vị HLV này bùng nổ.
Mới cách đây 6 năm, do thành tích yếu kém, HLV Hjulmand đã bị CLB Mainz 05 ở Bundesliga cho nghỉ việc. Ông cũng chưa từng lập nên thành tích nào có khả năng gây tiếng vang vượt ra ngoài biên giới khi làm công tác huấn luyện tại Đan Mạch. Nhưng giờ đây, sự nghiệp Hjulmand có bước nhảy vọt. Tiếng nói của ông được lắng nghe. Thành tích của ông được đồng nghiệp và báo chí đánh giá là phi thường. Ông nghĩ: “Sau này 10 năm, 15 năm, chúng ta sẽ nhìn lại, và chắc tất cả chúng ta sẽ tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra vậy? Và chỉ có thể nói rằng: đó thực sự là một sự điên rồ”.
Những thành tích của Đan Mạch được tất cả ghi nhận và tôn vinh. Ở bên ngoài nhìn vào, cứ nghĩ rằng Đan Mạch có thể hài lòng và tự hào với thành tích của họ ở giải năm nay. Nhưng chính các thành viên của đội Đan Mạch và khán giả Đan Mạch thì lại không nghĩ như vậy. Tan trận bán kết, sau khi đến chào một số không nhiều cổ động viên có mặt trên sân, đội tuyển Đan Mạch nhìn trên màn hình cảnh quay trực tiếp Public Viewing ở Copenhagen. Hàng trăm khán giả khóc nghẹn ngào, cầu thủ cũng không kìm được nước mắt. Họ vẫn tin rằng họ đã có thể đi xa hơn nữa, và họ thật sự thất vọng. Nhưng bóng đá mà, game over! “Tôi tin rằng, đội bóng còn chứa đựng nhiều tiềm năng. Tôi có cảm giác đội bóng còn có thể tốt hơn” - Hjulmand khẳng định.
Năm 1992, bóng đá Đan Mạch có hai biệt danh: “Chuyện cổ tích” và “Khối thuốc nổ”. Năm 2020 (thực ra là 2021), đội tuyển Đan Mạch chỉ còn thiếu vài bước chân để lặp lại những kỳ tích đó. Nhưng bấy nhiều cũng đủ để nuôi dưỡng những thế hệ sau này lớn lên, bùng nổ và viết tiếp những câu chuyện cổ tích.