Đã đến lúc phải có cái nhìn khác về bóng đá Croatia?
Chủ nhật, 18/12/2022 12:12 (GMT+7)
Với hai lần liên tiếp lọt vào tới bán kết của World Cup, bóng đá Croatia đang dần nhận được sự quan tâm tới từ người hâm mộ trên toàn thế giới. Vậy đây là kỳ tích của nền bóng đá xứ Balkan hay chúng ta thực sự phải nhìn nhận Vatreni như một ông lớn của bóng đá thế giới?
Hai đội góp mặt trong trận tranh hạng ba của World Cup 2022 là những cái tên không thực sự quen thuộc đối với người hâm mộ. Mặc dù vậy, nếu như hành trình của Morocco có thể coi là kỳ tích của châu Phi thì việc Croatia tiến sâu lại khiến cho người ta có cảm giác có chút quen thuộc. Dù không được đánh giá cao nhưng đội bóng áo sọc caro đã từng giành ngôi Á quân ở World Cup 2018, thế nên việc họ giành tấm huy chương đồng tại World Cup 2022 cũng không khiến người xem quá bất ngờ.
ĐT Croatia không phải là một cái tên lớn của bóng đá thế giới nhưng lại gây ấn tượng đặc biệt dành cho người hâm mộ. Ngoài tấm áo màu caro không ai có thì thành tích của họ trên đấu trường quốc tế rất đáng nể. Dù mới chỉ được thành lập năm 1991 và được FIFA công nhận năm 1992, nhưng đội bóng đến từ bán đảo Balkan này đã tham dự 6 trên tổng số 8 kỳ World Cup có thể. Trong 6 lần ấy, họ có 1 lần giành ngôi á quân, và 2 lần có được tấm huy chương đồng. Modric và các đồng đội cũng đã lọt vào bán kết Nations League châu Âu mùa 2022/23. Vậy sức mạnh bóng đá của Croatia đến từ đâu và liệu đã đến lúc phải có cái nhìn khác về bóng đá của đội bóng đến từ xứ sở Balkan?
Croatia được thừa hưởng từ niền bóng đá Nam Tư
Trước đây, Croatia là một phần của Liên bang Nam Tư. Và ở trong làng bóng đá châu Âu trước đây, Nam Tư cũng là một cái tên ‘có số má’.
Đội bóng của Liên bang Nam Tư tham dự 8 kỳ World Cup trong tổng số 14 lần tối đa, và họ có 2 lần giành hạng tư chung cuộc. Lần đầu tiên chính là World Cup thứ nhất, được tổ chức tại Uruguay năm 1930. Lần thứ hai, là kỳ World Cup 1962 được tổ chức tại Chile.
Nếu như ở World Cup, Liên bang Nam Tư chỉ có 2 lần giành hạng tư thì tại EURO, Liên bang Nam Tư tham dự 4 lần, có 2 lần giành ngôi Á quân và 1 lần đứng hạng tư chung cuộc.
Dù chưa một lần lên ngôi, nhưng có thể thấy bóng đá Liên bang Nam Tư là một đội bóng ‘có số má’ ở châu Âu và trên toàn thế giới. Đội nổi lên trước cả những ông lớn hiện tại như Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp… và từng cạnh tranh sòng phẳng với những cường quốc lúc bấy giờ, như Đức, Italia, Liên Xô.
Liên bang Nam Tư là một quốc gia Liên bang mà cốt lõi là chính quyền và người dân của Serbia. Nhưng trên thực tế, đội bóng Liên bang Nam Tư phần lớn lại là người Croatia. Những huyền thoại của bóng đá Nam Tư cũ, như Zlatko Vujović, Branko Zebec, Stjepan Bobek… đều là người Croatia, trong khi số lượng cầu thủ người Serbia, Bosnia… chiếm thiểu số.
3/4 cầu thủ ra sân nhiều nhất cho ĐT Nam Tư cũ là người Croatia. Rộng hơn, 6/10 cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho ĐT Nam Tư cũ là người dân đến từ miền ven biển của bán đảo Balkan. Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử cho đội bóng này, Stjepan Bobek, cũng sinh ra tại Zagreb.
Trái với dân Serbia nổi tiếng với sức mạnh và sự bền bỉ, các cầu thủ Croatia nổi bật nhờ kỹ thuật tốt. Họ có thể không phải người nhanh nhất, mạnh nhất ở trên sân, nhưng luôn điều khiển trái bóng rất ấn tượng. Đồng thời, ý thức chiến thuật và sự quyết tâm của người Croatia luôn tạo ra dấu ấn lớn trên sân cỏ và cả ngoài đời.
‘Sự tròn trịa’ - Tính định danh của cầu thủ Croatia
Xuyên suốt lịch sử, Croatia luôn sở hữu những cầu thủ mà thoạt nhìn qua, họ… chẳng có gì đặc biệt. Tiền đạo huyền thoại Davor Šuker, người từng thi đấu cho Real Madrid ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, thực tế chỉ cao có 1,83m và không sở hữu tốc độ cao. Tuy nhiên, ông luôn biết cách ghi bàn, và thậm chí còn biết cách ‘biến những bàn thắng trở nên vô cùng dễ dàng’ nhờ vào cách di chuyển thông minh và khả năng dứt điểm chân trái hiệu quả.
Luka Modric, một cầu thủ có cú vuốt má ngoài trứ danh, thực tế cũng không được đề cao cho đến khi anh… gần 30 tuổi. Bởi ở Modric, người ta không thấy anh có điểm gì thực sự nổi bật thành thương hiệu, như chuyền dài, tạo đột biến, tranh chấp hay chọc khe. Nhưng có tiền vệ sinh năm 1985 ở trên sân, tuyến giữa của đội tuyển Croatia và Real Madrid luôn hoạt động trơn tru, sẵn sàng cầm bóng trước mọi đối thủ. Anh là một ông chủ thực sự ở khu trung tuyến dù không mang phong cách đĩnh đạc như Kroos, hay có tính đột biến cao như Bruno Fernandes.
Ivan Perisic, một cầu thủ chạy cánh, thực tế không lấy việc qua người làm điểm mạnh. Darijo Srna, một hậu vệ biên, lại không có tốc độ tốt. Mario Mandzukic, một tiền đạo nổi bật với chiều cao 1,90m, cũng không quá nổi bật ở trên không. Nhưng tất cả những cầu thủ ấy luôn sở hữu kỹ thuật, kỹ năng cơ bản ấn tượng, cùng với khả năng đọc hiểu trận đấu luôn ở mức rất cao.
ĐT Croatia chưa từng có một trung vệ xuất thần về phòng ngự như Varane, một tiền đạo săn bàn mẫu mực như Lewandowski, hay một ‘nghệ sĩ múa’ như Neymar. Nói gọn hơn, họ không có những người phòng ngự hay tấn công bằng bản năng, bằng kỹ năng trời phú, hay bằng những yếu tố nổi bật như tốc độ, sức mạnh. Thay vào đó, ở các cầu thủ của Vatreni, ta luôn thấy được kỹ năng cơ bản ở mức rất tốt, đủ để cả đội có thể đảm bảo vị trí cho nhau khi cần.
Bóng đá Croatia có thuộc nhóm đầu châu Âu?
Câu trả lời là có. Hàng tiền vệ của Croatia từ lâu đã luôn nằm trong nhóm đầu của thế giới. Modric, Rakitic… từng nằm trong top 5 những tiền vệ hay nhất châu Âu. Và trong xu thế ‘thủ môn phải biết dùng chân, trung vệ phải biết kéo bóng’ như hiện tại, những cầu thủ mang tính chất ‘tròn trịa’ như Croatia sẽ càng có thêm đất diễn.
Rakitic đã từ giã ĐTQG, nhưng Modric thì chưa. Ngay kể cả khi anh rời đi, nhưng Bronzovic, Kovacic, Majer, Pasalic… sẵn sàng tiếp bước đàn anh để giữ cho tuyến giữa của ĐT Croatia luôn nằm trong top đầu của châu Âu và của thế giới.
Và khi đội tuyển Croatia có hàng tiền vệ hàng đầu thế giới, họ sẵn sàng đối đầu với bất cứ đội bóng nào, và chỉ còn chờ thời cơ để vươn tầm với một chức vô địch, sẽ đến, trong tương lai gần.