Công nghệ Challenge Eyes tại giải bóng chuyền VĐQG 2022 có là quá muộn?
Thứ ba, 31/05/2022 11:40 (GMT+7)
Trong những diễn biến mới nhất của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam về giải VĐQG năm 2022, công nghệ Challenge Eyes sẽ được sử dụng tại giải đấu cao nhất quốc nội.
Tại SEA Games 31, hệ thông công nghệ Challenge Eyes đã được các trọng tài sử dụng tại nhà thi đấu Đại Yên. Công bằng mà nói, đây chính là xu thế của bóng chuyền hiện đại với các diễn biến nhanh trong các trận thi đấu. Công nghệ này hỗ trợ khá nhiều các trọng tài trong việc điều hành trận đấu.
Trước đó, tại giải bóng chuyền U23 châu Á năm 2019 công nghệ này đã được sử dụng tại Việt Nam lần đầu tiên với sự chính xác của nó giúp các trọng tài đưa ra quyết định một cách chính xác. Hệ thống Challenge Eyes lần đầu tiên được sử dụng tại Giải bóng chuyền Vô địch Thế giới 2014. Đây là giải đấu thử nghiệm công nghệ mới, tuy nhiên nó đã đem lại hiệu quả một cách đáng kinh ngạc.
Công nghệ Challenge Eyes được nâng cấp qua các giải đấu quốc tế, đặc biệt là giải đấu thuộc hệ thống Liên đoàn bóng chuyền thế giới. Tại Olympic Rio 2016, công nghệ Challenge Eyes hỗ trợ trọng tài gần như hoàn thiện và từ đó được sử dụng một cách thường xuyên trong các giải đấu bóng chuyền quốc tế từ thời điểm đó tới nay.
Trên sân đấu, BTC sẽ sử dụng các máy quay kỹ thuật số gắn sát ở các điểm quy định như vạch 3m, vạch giữa sân, cuối sân, hai bên đường biên và phía trên lưới. Đi cùng với nó là các màn hình hỗ trợ từ giám sát, trong tài chính và trên sân để hỗ trợ các trọng tài. Trọng tài có thể xem lại các tình huống gây tranh cãi diễn ra trong trận đấu, đặc biệt là những tình huống diễn ra nhanh hoặc bị cản trở tầm nhìn.
Về quy định, mỗi đội bóng được phép yêu cầu xem lại chiếu chậm 2 lần trong mỗi hiệp. Nếu yêu cầu mà kết quả sai so với quyết định đúng của trọng tài thì đội đó bị mất đi 1 quyền. Ngược lại, nếu kết quả đúng thì vẫn giữ nguyên số lần được yêu cầu.
Thời điểm yêu cầu phải thực hiện ngay sau kết thúc pha bóng (không quá 5 giây). Đồng thời nếu trọng tài cho rằng yêu cầu của HLV không phù hợp ở tình huống đã rõ ràng thì trọng tài có quyền từ chối, kèm theo đội đó sẽ bị phạt lỗi trì hoãn. Chỉ có HLV trưởng mới có quyền yêu cầu xem lại pha chiếu chậm.
Tại SEA Games 31 vừa qua, hệ thống Challenge Eyes được Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan hỗ trợ và phát huy hiệu quả trông thấy. Tuy vậy công nghệ này vẫn chỉ là hỗ trợ trong các tình huống như bóng chạm tay, vđv chạm lưới hay bóng trong và ngoài sân. Các lỗi nhận định vẫn thuộc về trọng tài nên việc sai sót vẫn có thể xảy ra mà không được khắc phục hoàn toàn.
Mặc dù thế, đây là một bước tiến mới, giúp hệ thống bóng chuyền và các giải bóng chuyền trong nước trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn. Đứng trước yêu cầu đó, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã hé lộ ý định thuê hệ thống Challenge Eyes của Italia. Theo Tổng thư ký Lê Trí Trường thì giá tiền thuê lên tới 1 tỷ đồng/mùa.
Như vậy, sau 8 năm triển khai trên thế giới, hệ thống Challenge Eyes mới có thể xuất hiện tại giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam. Điều này cho thấy chúng ta phản ứng quá chậm so với các nền bóng chuyền tiên tiến trong khu vực như Thái Lan hay nước bạn Philippines. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VII Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, ông bầu Đào Hữu Huyền đã bày tỏ ý định sẽ tài trợ hệ thống này giúp cho bóng chuyền Việt Nam công bằng hơn trong thi đấu.
Đến thời điểm hiện tại, ngày hôm qua (30/5) trong bài phát biểu khi đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội đón ngoại binh là đối chuyền người Cameroon - Laetitia Moma Bassoko, ông Đào Hữu Huyền tiếp tục chia sẻ về việc sẽ tài trợ hệ thống Challenge Eyes cho giải VĐQG với mức đầu tư 1 tỉ đồng/mùa. Bên cạnh đó, tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng sẽ tài trợ cho giải VĐQG trong 3 mùa giải liên tiếp tính từ năm 2022.
Nhìn lại công nghệ Challenge Eyes được dử dụng hiện nay hầu hết các trọng tài bóng chuyền trong nước chưa được làm quen với công nghệ mới. Đây trở thành vấn đề cho công tác điều hành trận đấu khi giải bóng chuyền VĐQG đang tới gần. Ngoài ra, vấn đề ngoại ngữ cũng trở thành rào cản nếu chúng ta thuê phần mềm của nước ngoài bởi đa số các trọng tài tại Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu chung của Liên đoàn bóng chuyền châu Á và thế giới.
Việc xử lý kỹ thuật và hạ tầng do chúng ta thuê công nghệ từ nước ngoài nên chắc chắn phía cho thuê sẽ lo phần khó khăn nhất nhưng để có thể vận hành một cách trơn tru, tránh sai sót trong quá trình thực thi khi giải VĐQG đang tới gần đặt ra vấn đề thách thức lớn cho công tác trọng tài. Thêm vào đó, giải VĐQG năm nay tổ chức tại 2 địa điểm là Vĩnh Phúc và Ninh Bình thì con số thuê hệ thống Challenge Eyes sẽ được nhân đôi và khi đó Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ tính toán ra sao cho hợp lý với giải đấu đang là bài toán khó cho công tác tổ chức giải đấu quan trọng nhất trong năm của bóng chuyền nước nhà.