Bong da Viet Nam Bong da Viet Nam
EURO 2024 Nhật ký Euro

Cỗ máy đá bóng của đội tuyển Đức

Chủ nhật, 20/06/2021 16:05 (GMT+7)

Một câu chuyện được truyền thông “đào” lại sau khi Đức đè bẹp Bồ Đào Nha đêm qua: hậu vệ trái Robin Gosens của đội tuyển Đức từng xin đổi áo với Cristiano Ronaldo và bị từ chối thẳng thừng, ngắn gọn: “KHÔNG”.

Chiến thắng của tập thể

Hôm nay, câu chuyện ấy không chỉ là bài học hời hợt kiểu “đừng bao giờ coi thường người khác”. Sau trận, Gosens nói rằng lần này, anh không xin áo CR7 nữa, mà chỉ muốn tận hưởng chiến thắng. Có lẽ không phải vì cay cú do việc xảy ra năm xưa. Đôi khi sự ngưỡng mộ danh tiếng trong bóng đá đã thực sự trở thành phù phiếm, và không cần thiết, như thế. 

Không cần thiết, vì đêm qua là một ngày sức mạnh tập thể được ghi nhận tuyệt đối. Đội tuyển Đức, bất chấp sức ép sau trận thua Pháp và bàn thua sớm ở trận gặp Bồ Đào Nha, vẫn kiên nhẫn triển khai lối chơi quen thuộc của họ, bằng một tinh thần thép.

Cỗ máy đá bóng của đội tuyển Đức - Ảnh 1

BĐN đã phòng ngự tốt trong nửa đầu hiệp một, thậm chí ghi bàn trước sau một pha phản công rất sắc cùng một vài cơ hội khá rõ rệt khác. Nhưng Đức không bị chấn động nhiều lắm. Ngoài sân, HLV Joachim Loew bình tĩnh quan sát. Các cầu thủ lại lặng lẽ “xếp mâm”, rồi “chia bài” như mọi khi. Họ đập ở trung lộ, rồi kéo giãn ra hai biên, và căng vào, liên tục như thế với một cường độ đều đặn. Thời gian tích tắc trôi, Đức như đang vận hành một dây chuyền đã được tự động hóa, và không có một ai, hay bất cứ điều gì từ bên ngoài, có thể can thiệp vào những gì đang diễn ra bên trong cỗ máy.

HLV Joachim Loew đã giữ nguyên xi đội hình xuất phát ở trận thua Pháp, với hệ thống 3-4-3 tương tự, và cách chơi… cũng thế. Nói vui, cũng như cái tật ăn gỉ mũi hay ngửi nách trước ống kính camera khó bỏ của mình, Loew cảm thấy không có gì phải thay đổi. Khi thua, ai cũng góp ý cho đội hình này, lựa chọn nhân sự này, và tinh thần này. Ông cũng chưa bao giờ thanh minh, hay đổ lỗi. Loew vẫn như vậy, trong suốt 15 năm qua. Bóng đá có thể một ma trận với rủi ro rất lớn về mặt chi tiết, nhưng ông chỉ đơn giản hóa nó: đã vẽ một đường thẳng từ A đến B, thì cứ thế mà đi.

Nhưng đấy không phải đường kẻ dễ dàng. Chỉ trong 90 phút thôi, khi Bồ Đào Nha thách thức hệ thống khoa học của Đức bằng sự tinh quái và một ngôi sao hay bậc nhất trong lịch sử, Cristiano Ronaldo, thì HLV Loew và các cầu thủ thực sự đã rơi vào một vùng biển động. Cuộc cách mạng của bóng đá Đức mà người đàn ông 61 tuổi này đã tham gia từ đầu, với rất nhiều các cầu thủ hiện tại là kết quả của một quá trình đào tạo diện rộng của nền bóng đá, thì bị cho là đang đi đến hồi kết.

Cỗ máy đá bóng của đội tuyển Đức - Ảnh 3

Chúng ta có lẽ không hiểu nổi sự bảo thủ này. Loew sẽ chia tay đội tuyển Đức sau EURO lần này, và ông có lý để nhượng bộ, nhất là khi thành tích của Die Mannschaft trong vài năm qua là bết bát. Đến mức chính những thuyền viên kỳ cựu trên tàu cũng nghi ngờ nó. Mats Hummels từng điên tiết mắng Loew sau trận thua 0-1 trước Mexico ở vòng bảng World Cup 2018: “Có đến tám cầu thủ tấn công, thế là mỗi khi dính phản công, còn mỗi tôi và Boateng chống 3-4 người của đối phương”. Năm ngoái, Bastian Schweinsteiger lên truyền hình chất vấn việc Loew đã thử nghiệm đến 41 người sau 19 trận quốc tế: “Chẳng có gì đúng vào thời điểm này cả”.

Sự kiên định của ông Loew

Nhưng những gì người Đức đã làm để đi đến tận hôm nay có lẽ là một lý do đủ sức nặng để HLV Loew tin vào tầm nhìn của riêng mình. Hãy nhớ lại mùa xuân năm 1998: sau trận tứ kết thảm bại trước Croatia, chấm dứt số phận chiếc ghế HLV trưởng của Berti Vogts, Liên đoàn bóng đá Đức đã nhanh chóng quyết định giải ngân một khoản tiền mà họ lừng khừng rất lâu trước đó, vì cho rằng chúng quá xa xỉ. 3,2 triệu mark Đức (tương đương hơn 1 triệu bảng Anh) đã được chi trong vòng bốn tuần chỉ sau trận thua 0-3 cay đắng ấy, để thành lập 121 trung tâm huấn luyện vùng (Stuetzpunkte) sẽ cung cấp hai giờ huấn luyện kỹ thuật cá nhân cho 4.000 học sinh từ 13-17 tuổi mỗi tuần.

Đấy là viên gạch đầu tiên, của một cuộc tái sinh đau đớn. Loew không chứng kiến nó từ thuở sơ khai, nhưng đã là người triển khai nó ở đỉnh tháp của bóng đá Đức rốt ráo nhất, đã giành những vinh quang cay đắng nhất, lẫn cả những phút giây có phần tủi nhục, và tất nhiên, những thử thách ghê gớm về niềm tin, như hai trận đầu ở EURO lần này. 

Ông là một hiện thân sống của những gì đội tuyển Đức đã trải qua trong 15 năm qua. Ông hiểu rằng đằng sau các cầu thủ đang triển khai bóng với một sự tự tin cao độ bất chấp hoàn cảnh ấy, là kết quả của một phép tính phức tạp, từ ý chí và nghị lực của rất nhiều con người, bao gồm cả chính ông.

Cỗ máy đá bóng của đội tuyển Đức - Ảnh 2

Và đấy là lúc Loew đưa ra lựa chọn: ông có quyền biến hoạt động của cỗ máy bóng đá Đức thành một thế giới riêng, như những nhà khoa học được mặc kệ với những gì đang làm trong phòng thí nghiệm của mình. Bóng đá quá phổ cập và được nhận xét bởi hàng triệu người mỗi phút giây, nhưng đêm qua, Loew đã chọn cách phớt lờ tất cả, bước ra sân, chỉ tin vào cầu thủ của mình, và những phương pháp đã lựa chọn. 

Ông đứng nhìn “biển động”, với một sự bình thản và thảnh thơi hiếm thấy, như cách đội tuyển Đức vận hành cỗ máy bóng đá của mình. Họ đập nhả, di chuyển, tìm khoảng trống, như một công việc thường ngày, không phải một nỗ lực quá sức nhất thời. Bên ngoài, báo chí vẫn đang dõi theo, dư luận chờ đợi với sự phẫn nộ chỉ trực phun trào. Trên các khán đài, kỳ vọng hoàn toàn có thể biến thành thất vọng và giận dữ. 

Nhưng trong thế giới khép kín của riêng mình, Loew và các cầu thủ Đức dường như không biết gì cả, hoặc sức ép không thể lọt vào đây, nơi các mắt xích của cỗ máy đang đắm chìm vào những tương tác mà chỉ họ có thể hiểu. Lối chơi này phải được thực hiện, cỗ máy này phải chạy. Theo cách của riêng nó. Theo những đường chuyền này. Những pha di chuyển này. Những bài vở này. Tất cả tạo thành một bức tranh của hành trình tiến vào bên trong.

Cỗ máy đá bóng của đội tuyển Đức - Ảnh 4