Chuyện tình cảm động nhất Olympic 2008: Giá trị của lời hứa và tấm HCV tặng người vợ đã khuất
Thứ năm, 12/10/2023 07:00 (GMT+7)
Giây phút trên bục nhận HCV cử tạ hạng cân trên 105kg Olympic 2008, lực sĩ Matthias Steiner một tay giương lên phần thưởng cao quý nhất, tay còn lại, nâng niu bức hình một người phụ nữ với nụ cười đầy ấm áp. Đó là nụ cười của tình yêu vĩnh cửu và lời hứa với người vợ đã khuất. Quyết tâm giành “vàng” tặng vợ của Steiner đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng bậc nhất lịch sử Thế vận hội.
Người ta nói rằng ở trên đỉnh cao thì thường cô đơn. Nhưng trong thời điểm vinh quang nhất của một đời vận động viên - giây phút đứng lên bục nhận huy chương vàng Olympic – chàng lực sĩ cử tạ Matthias Steiner không hề đơn độc. Anh có sự hiện diện của vợ bên cạnh - dù rằng chỉ dưới dạng di ảnh.
Hạng cân trên 105kg là hạng nặng nhất tại Thế vận hội và người chiến thắng được coi là người đàn ông khỏe nhất thế giới. Nhưng tất cả sức mạnh thể chất mà Steiner sở hữu không thể sánh được với sức mạnh tinh thần mà anh thể hiện trên con đường giành huy chương vàng. Đằng sau nụ cười trên bục vinh quang là cả một tấm bi thương mà người lực sĩ đó đã hiên ngang vượt qua trước tấm bi kịch của đời người.
Matthias Steiner sinh năm 1982 ở Áo trong một gia đình có truyền thống cử tạ. Bố của anh, ông Friedrich từng 20 lần vô địch hạng nặng của Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF), và cũng đứng đầu bảng trong Ngôi đền huyền thoại những đô cử xuất sắc nhất mọi thời đại của IWF.
Matthias bắt đầu sự nghiệp thi đấu cử tạ từ khi mới 13 tuổi, từng tham dự giải trẻ châu u các năm 1998 và 2000. Nhưng năm 18 tuổi, anh được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1 và nó khiến cả cuộc đời anh bị đảo lộn. Nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm, Steiner vẫn kiên trì theo đuổi bộ môn bào mòn sức lực này.
Thành quả đầu tiên đã tới khi anh giành chức vô địch quốc gia hạng cân trên 105kg vào năm 2002 với tổng cử 370kg. Steiner giữ vững ngôi vương ở Áo trong 3 năm tiếp theo, thành tích cũng liên tục được cải thiện. Anh cũng đại diện cho nước Áo tham dự Olympic năm 2004 tại Athens, Hy Lạp.
Khi sự nghiệp đang lên hương thì Steiner lại gặp trắc trở. Năm 2005, anh xảy ra bất hòa với Liên đoàn cử tạ Áo và buộc phải tạm dừng đại diện cho đội tuyển quốc gia.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, Steiner gặp được tình yêu của đời mình, Susann. Câu chuyện tình của họ thơ mộng như một bộ phim. Nàng như trúng tiếng sét ái tình trong một lần nhìn thấy chàng thi đấu trên truyền hình. Susann kiên trì tra hỏi thông tin, tìm cách liên lạc với Steiner bằng được.
Hai người nảy sinh tình cảm và đám cưới đến không lâu sau đó. Nhờ có vợ, Steiner đã lấy lại được động lực thi đấu chuyên nghiệp. Vận động viên người Áo này đã đưa vợ đến Đức, viết đơn xin gia nhập quốc tịch Đức và đại diện cho đội tuyển quốc gia cử tạ của nước này.
Susann chính là lý do Steiner tiếp tục cố gắng tập luyện để trở lại thi đấu, với lời hứa giành huy chương vàng ở đấu trường danh giá nhất – Thế vận hội. Anh hàng ngày miệt mài đổ mồ hôi trên sàn tập để hiện thực hóa lời hứa đó. Thế nhưng, tấn bi kịch lớn nhất cuộc đời đã xảy đến khiến Steiner suýt nữa nghĩ đến việc từ bỏ.
Vào một ngày giữa tháng 7/2007, lực sĩ sinh năm 1982 đang hăng say tập luyện. Anh bất ngờ nhận được một cú điện thoại báo tin sét đánh, vợ anh, Susann đã qua đời trong một tai nạn ô tô thảm khốc.
Mất mát này là một nỗi đau quá lớn, đủ sức tàn phá một con người. Đó là cảm giác khi bạn vĩnh viễn phải từ biệt đi người mình thương yêu nhất… Steiner đã gần như phát điên và suy sụp nặng nề. Đó lại là một thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi anh vừa có thể được trở lại đấu trường quốc tế sau 2 năm gián đoạn bởi rắc rối trong việc chuyển liên đoàn.
“Bạn nghĩ rằng bạn đang có cuộc sống như mơ? Tôi tập trung cho Olympic, vợ tôi thì đang học. Cô ấy cũng sẽ có sự nghiệp ngay trước mắt. Rồi một ngày, tất cả kết thúc…”
Nhưng chính vào lúc tưởng như tuyệt vọng nhất, Steiner đã tự vực dậy bản thân bởi một lời hứa năm xưa. Anh tự nhủ mình phải mạnh mẽ đứng lên, hạ quyết tâm chinh phục đỉnh cao Olympic cùng vợ.
Những tia sáng hy vọng cũng dần trở lại với Steiner. Ngay khi vừa trở lại đỉnh cao, chàng chiến binh gốc Áo đoạt huy chương vàng nội dung cử giật, huy chương đồng nội dung cử đẩy và huy chương bạc tổng cử hạng cân trên 105kg tại giải vô địch châu u năm 2008. Steiner đến Bắc Kinh tham dự Olympic với quyết tâm giành chiếc HCV dành tặng người vợ quá cố, cũng như hoàn thành tâm nguyện lúc sinh thời của cô.
Hành trình gắn bó với cử tạ của Steiner không hề đơn giản chút nào. Và đối với người đàn ông đã từng chiến đấu với nhiều khó khăn trước đây trong cuộc đời, để tạo ra được phép màu Bắc Kinh đòi hỏi Steiner phải tập trung toàn bộ sức mạnh tinh thần của mình.
“Những khó khăn trở thành động lực giúp tôi phấn đấu mà không cần phải đợi thấy nỗ lực của người khác thất bại. Tôi cứ thế lên sàn và thi đấu hết mình. Tôi cảm thấy mình có thể nâng được bất cứ thứ gì vào ngày hôm đó, nhưng liệu tôi có thực sự làm được hay không lại là một vấn đề khác,” anh nói.
Ở phần cử giật, Steiner chỉ có thể nâng được 203kg, thấp hơn nhiều so với người đứng đầu là Evgeny Chigishev của Nga tới 7kg. Chigishev hoàn thành phần thi với tổng cử là 460kg, nâng được mức tạ đáng kinh ngạc 250kg trong nỗ lực cử đẩy cuối cùng của mình.
Trong khi đó, Steiner thất bại sau 2 lần nâng tạ đầu tiên ở mức 240kg. Chiếc HCV đang xa khỏi tầm với của anh hơn bao giờ hết… Nhưng anh vẫn tin vào năng lực của mình, anh tin vào sự ủng hộ của người vợ quá cố, và trên hết, anh tin vào một phép nhiệm màu…
Điều thần kỳ đã xảy ra. Steiner nâng thành công mức tạ không tưởng 258kg ở lần nâng tạ cuối cùng. Anh đã thật sự tạo ra phép lạ, thực hiện cú “lội ngược dòng” và thứ còn lại lúc này là màn ăn mừng đầy cảm xúc. Những giọt nước mắt vui sướng, những tiếng khóc ngây ngất cất lên ngay sau đó. “Chiến thắng này là dành cho em, Susann”.
"Cô ấy là động lực giúp tôi có được chiến thắng hôm nay, phần thưởng này có công rất lớn của Susann. Tôi đang rất nhớ cô ấy", lời phát biểu nghẹn ngào của anh trên bục nhận huy chương cho đến nay vẫn là câu chuyện khiến nhiều người rơi nước mắt.
Sau khi giải nghệ vào năm 2013, Steiner bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà tư vấn thể dục và dinh dưỡng, trở thành doanh nhân trong ngành thực phẩm. Anh cũng đã có vợ mới và cuộc sống hạnh phúc bên cạnh 2 con trai. Đã 15 năm trôi qua kể từ buổi chiều vinh quang ấy, nhưng quyết tâm giành HCV tặng người vợ đã khuất của Steiner vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng bậc nhất lịch sử Olympic.