Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
World Cup nữ

Chiến tích lịch sử của ĐT nữ Philippines và câu chuyện 'sinh ra ở Mỹ hay Manila'

Thứ ba, 25/07/2023 19:41 (GMT+7)

Sarina Bolden, cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Mỹ đã mang về chiến thắng lịch sử cho bóng đá Philippines cũng như Đông Nam Á tại đấu trường World Cup nhưng dường như không phải ai cũng hài lòng với điều đó.

Phút 24 trận đấu giữa đội tuyển nữ New Zealand và đội tuyển nữ Philippines, trước sự chứng kiến của 32.357 khán giả trên sân vận động Wellington Regional, Sarina Bolden đón quả tạt từ Sara Kristine Bantan Eggesvik rồi đánh đầu cận thành hạ gục thủ môn Victoria Esson. Pha lập công của chân sút sinh năm 1996 mang về chiến thắng lịch sử cho bóng đá Philippines tại sân chơi World Cup, cũng là một dấu son mới đối với cả nền bóng đá Đông Nam Á.

Chiến tích lịch sử của ĐT nữ Philippines và câu chuyện 'sinh ra ở Mỹ hay Manila' - Ảnh 5
Bolden (số 7) mang về chiến thắng lịch sử cho bóng đá Philippines tại World Cup

Nhưng đáng ngạc nhiên là chiến tích của các cô gái Philippines lại không được hoàn toàn được đón nhận bởi một bộ phận khán giả. Họ cho rằng đó chẳng phải điều đáng tự hào với nền bóng đá Philippines, thậm chí dè bỉu rằng đó là chiến thắng của một đội “Mỹ B”. Không thể phủ nhận 100% quan điểm ấy, bởi sự thật là 18 trong tổng số 23 cầu thủ của tuyển nữ Philippines sinh ra, lớn lên tại xứ sở cờ hoa. Thậm chí, chỉ có đúng 1 người “chuẩn” Philippines là Anicka Castaneda.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ ngay việc dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng phần lớn đội hình tuyển nữ Philippines đều có trong mình gốc gác từ quốc gia Đông Nam Á này. Đó có thể là bố mẹ, thậm chí ông bà. Nhưng quan trọng hơn hết là họ có trong mình dòng máu Philippines, vẫn giữ cho mình những truyền thống của người Philippines. Trên tất thảy, họ đánh đổi mồ hôi, nước mắt, rồi cả máu vì màu cờ sắc áo của đội tuyển Philippines.

Đội trưởng Tahnai Annis trong bài phỏng vấn cách đây không lâu với The Guardian đã kể về hành trình đến với tuyển nữ Philippines của mình. Gần một thập kỷ trước, trong lúc tham gia sự kiện tại Mỹ, Annis gặp Bruno Baltazar, khi ấy là trợ lý HLV cho đội tuyển bóng đá nam Philippines. Baltazar hồ nghi Annis là người Mỹ gốc Philippines và sau khi xác nhận, anh hỏi một câu đơn giản: “Cô có biết Philippines cũng có đội tuyển bóng đá nữ không?”.

Chiến tích lịch sử của ĐT nữ Philippines và câu chuyện 'sinh ra ở Mỹ hay Manila' - Ảnh 2
Annis sinh ra và lớn lên tại Mỹ, là thủ quân của đội tuyển nữ Philippines

Lúc ấy, Annis không hề biết điều đó. Cô lớn lên tại Zanesville, Ohio, nơi có thể đếm trên hai bàn tay số người Mỹ gốc Philippines. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh cùng Baltazaz vào năm 2014, Annis bắt đầu tìm kiếm thông tin cũng như cơ hội khoác áo đội tuyển nữ Philippines. Cô rời Connecticut để bay đến California, nơi có trung tâm huấn luyện mà nhiều cầu thủ người Mỹ gốc Philippines khác cũng tìm đến.

Tại đây, các cầu thủ sẽ trải qua quá trình nhận dạng để chắc chắn rằng đúng là họ có gốc gác Philippines. Annis sau đó gặp đôi chút khó khăn để lấy hộ chiếu Philippines, thậm chí từng có giai đoạn phải tạm dừng giấc mơ khoác áo đội tuyển quốc gia. Mọi chuyện trở nên suôn sẻ khi vào năm 2018, Annis lần đầu đặt chân về Philippines để lấy giấy khai sinh. Lập tức, cô có cơ hội góp mặt tại Asian Cup, nhanh chóng khẳng định năng lực rồi trở thành đội trưởng.

Các trung tâm huấn luyện tại California từng tìm ra Annis cùng nhiều tuyển thủ nữ Philippines vẫn được duy trì và giờ tập trung vào việc tìm kiếm, đào tạo lứa trẻ. Nahuel Arrarte, một trong các trợ lý của HLV Alen Stajcic là người chịu trách nhiệm chính về các trung tâm huấn luyện này: “Chúng tôi đang cố gắng lên kế hoạch cũng như để lại di sản cho tương lai. Tất cả đều phối hợp để xây dựng chiến lược phát triển cho đội tuyển trong 4 đến 5 năm tới”.

Chiến tích lịch sử của ĐT nữ Philippines và câu chuyện 'sinh ra ở Mỹ hay Manila' - Ảnh 1
18/23 cầu thủ Philippines tham dự World Cup nữ 2023 có gốc Mỹ

Annis cũng như những cầu thủ Philippines sinh ra ở Mỹ không chỉ đơn thuần muốn tạo nên dấu ấn ở World Cup, mà còn mong có thể truyền cảm hứng cho quốc gia cho 117 triệu dân này: “Tham dự World Cup là thời khắc lịch sử với đất nước Philippines. Đó là một thành tựu, một thành tích đáng kinh ngạc. Nhưng chúng tôi muốn tiếp tục phát triển bóng đá tại Philippines”.

“Giá trị gia đình” là một phần quan trọng của văn hóa Philippines. Khi còn nhỏ, Annis thường được mẹ, người đến Mỹ từ trước đó 4 thập kỷ, lúc mới 14 tuổi đưa đi gặp họ hàng, hòa mình với cộng đồng người Philippines để luôn nhớ về gốc gác, hiểu thêm về quê hương mình. 

Khi đã trở thành tuyển thủ quốc gia, Annis cùng các đồng đội cũng luôn nhận được sự chào đón, giúp đỡ từ cộng đồng người Philippines. Vào cuối năm 2022, khi đến Chile để chuẩn bị cho World Cup nữ 2023, họ được những người Philippines tại đây tiếp đón, giúp đỡ từ đồ ăn thức uống đến tìm nhân viên mát-xa để sau trận đấu.

“Từ ngày đầu tiên đến giờ, tôi luôn cảm nhận được sự gắn kết như một gia đình. Không quan trọng ai đã khoác áo đội tuyển quốc gia bao lâu, sinh ra và lớn lên ở Mỹ hay Manila, Canada hay Na Uy, chúng tôi có thể đến từ khắp mọi nơi. Sau cùng, quan trọng là chúng tôi ở bên nhau, cùng sát cánh vì mục đích chung. Chúng tôi có chung dòng máu và là một gia đình. Không quan trọng bạn lớn lên ở Manila hay gia đình đang sinh sống ở Mỹ, chúng tôi đang cống hiến cho đất nước, cho bóng đá Philippines”, Annis nói.

Chiến tích lịch sử của ĐT nữ Philippines và câu chuyện 'sinh ra ở Mỹ hay Manila' - Ảnh 3
Suy cho cùng, các cầu thủ nữ Philippines dù có gốc gác ở đâu cũng đều chiến đấu vì màu cờ sắc áo

Cũng phải nói thêm, nhiều cầu thủ gốc Mỹ của tuyển nữ Philippines đều đã ra sân thi đấu từ năm 2016 hoặc 2018. Quãng thời gian đó có thể chưa quá dài nhưng không hề ngắn. Vì thế, thực sự thiếu khách quan khi đánh giá thấp đóng góp và tinh thần cống hiến của họ cho bóng đá nước này, chỉ vì không phải sinh ra, lớn lên ở Philippines, nhất là khi tuyển nữ Philippines còn có sự tiến bộ vượt bậc về cả chuyên môn lẫn thành tích.

Trên thế giới, việc cầu thủ có gốc gác từ nơi này khoác áo đội tuyển quốc gia ở nơi kia, thậm chí nhập tịch đã trở thành điều rất bình thường. Đội tuyển bóng đá nam Đức từng vô địch thế giới với những cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan hay Tunisia, thậm chí tất cả họ đều là trụ cột. Điều quan trọng, như Annis nói, không phải bạn sinh ra ở đâu. Quan trọng là khát khao cống hiến, hy sinh vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào của cả một dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá