Chiến thuật power-play trong futsal, ưu điểm, nhược điểm tuyển Việt Nam áp dụng ở World Cup
Thứ hai, 13/09/2021 15:52 (GMT+7)
"Power-play" được ví như con dao 2 lưỡi trong futsal, vừa có thể đảo ngược tình thế, nhưng cũng khiến đội bóng trả giá nếu ý đồ đổ vỡ.
Chủ Đề: Futsal World Cup 2021
Power-play là chiến thuật thường được sử dụng bởi những đội bóng đang bị dẫn trước có ý định lội ngược dòng trong futsal. Cụ thể, khi triển khai đá power-play, thủ môn sẽ được thay bằng một cầu thủ khác và đội hình dâng lên chơi tấn công, dồn ép đối thủ. Trong một vài trường hợp khác, power-play cũng được dùng để giành lợi thế cầm bóng, kiềm chế sự hưng phấn của đối thủ khi đang dẫn bàn.
Tuyển futsal Việt Nam dưới thời HLV Bruno Formoso từng vận dụng tốt chiến thuật này để giành vé dự World Cup Futsal 2016. Tại VCK Futsal châu Á 2016, ông đã cho các học trò chơi power-play trong nhiều trận đấu, đặc biệt là cuộc đối đầu quyết định với Nhật Bản.
Trong những phút cuối của 2 hiệp, tuyển futsal Việt Nam chơi power-play, vùng lên mạnh mẽ và ghi liên tiếp 2 bàn để kết thúc 2 hiệp chính với tỷ số 3-3. Tới 2 hiệp phụ, chiến thuật này một lần nữa được áp dụng để giúp đại diện Đông Nam Á có bàn gỡ ở những phút cuối, buộc Nhật Bản phải bước vào loạt luân lưu may rủi.
Ở buổi tập cuối cùng của tuyển futsal Việt Nam trước trận đấu với Brazil, HLV Phạm Minh Giang đã cho học trò thực hiện những miếng đánh power-play bên cạnh nâng cao chất lượng của các đường chuyền và cú sút. Điều này cho thấy ông sẵn sàng để các học trò thi triển bài tấn công này tùy vào cục diện trận đấu rạng sáng 14/9 (giờ Việt Nam).
Ưu điểm của power-play là khả năng gây áp lực và bất ngờ. Với việc có 5 cầu thủ tham gia mặt trận tấn công và tính chất nhiều bàn thắng của bộ môn futsal, không loại trừ khả năng các học trò của HLV Phạm Minh Giang sẽ ghi liên tiếp bàn vào lưới đối thủ nếu thi đấu hiệu quả. Ngoài ra, tuyển futsal Việt Nam cũng bị đánh giá yếu hơn trong bảng đấu có sự góp mặt của Brazil, CH Czech và Panama. Trong trường hợp bị dẫn trước, việc triển khai đá power-play ở những phút cuối và lội ngược dòng thành công có thể khiến các đối thủ không kịp trở tay.
Để làm được điều này, các cầu thủ cần sở hữu phẩm chất kỹ thuật tốt, khả năng giữ bóng, xử lý nhanh, gọn và xoay chuyển vị trí liên tục để gây rối loạn cho hàng phòng ngự đối phương, tránh tình trạng cầm bóng nhưng không thể tấn công hoặc tấn công không hiệu quả.
Tuy nhiên, chiến thuật power-play cũng đem đến không ít rủi ro bởi khi đó tuyển futsal Việt Nam sẽ không còn một thủ môn đúng nghĩa phía trước khung thành. Nếu để mất bóng vào chân đối phương, việc dính đòn phản công và thủng lưới ngược trở lại là điều rất dễ xảy ra. Không ít trường hợp vì triển khai đá power-play nhưng không hiệu quả nên đã dẫn đến tình trạng vỡ trận.
Trước đối thủ mạnh và sở hữu khả năng tấn công thượng hạng như Brazil, tuyển futsal Việt Nam cần có những chiến thuật hợp lý và áp dụng trong từng thời điểm để đạt được mục đích cuối cùng.