Chẳng có gì để mất
Chủ nhật, 27/06/2021 07:01 (GMT+7)
Ruud Van Nistelrooy có đầy đủ lý do để thận trọng, khi ĐT Hà Lan đối diện với ĐT Czech. Dĩ nhiên rồi, trận thua ngược 2-3 ở vòng bảng EURO 2004 ấy là một trong những thất bại cay đắng nhất mà đương kim trợ lý HLV ĐT Hà Lan phải trải qua trong sự nghiệp. Tuy nhiên, sau 17 năm, có vẻ như không có nhiều cơ hội để các học trò của HLV Silhavy lặp lại một kỳ tích như vậy .
1. “Chúng ta đã có vé đi tiếp chỉ sau hai trận, và sức ép biến mất. Điều đó sẽ có thể trở nên rất khó khăn để tìm lại sự tập trung. Và ngược lại, cũng dễ dàng hơn nhiều để tự buông trôi, khi tất cả trượt quá xa (khỏi tầm kiểm soát)”.
Không có gì thừa thãi, khi anh nhắc lại vấn đề quan trọng bậc nhất ấy – sức căng tâm lý - khi cuộc hành trình đã bước sang một giai đoạn mới khốc liệt gấp bội, và mọi sai lầm đều có nguy cơ phải trả giá bằng việc sớm trở thành khán giả.
Chiến thắng quá dễ dàng trước Bắc Macedonia ở loạt trận cuối vòng bảng đưa Hà Lan đi tiếp với vị trí nhất bảng C, cùng 9 điểm tuyệt đối. Điều nghịch lý là bên cạnh việc củng cố lòng tự tin về sức tàn phá của “Cơn lốc màu da cam” với những khối cổ động viên này, thì chuỗi toàn thắng đó lại gợi lên những ký ức không mấy tươi sáng với không ít nhóm người hâm mộ khác.
Họ nhớ đến EURO 2008. Và đương nhiên, Van Nistelrooy cũng không thể đã kịp quên. Ngôi nhất bảng C - bảng tử thần –xây đường bệ trên những cuộc tàn sát Ý (3-0), Pháp (4-1) và Romania (2-0) đã chẳng giúp gì được Hà Lan (với Van Nistelrooy mang áo số 9 giữ vai trò trung phong chủ lực) trong cuộc đối đầu với ĐT Nga.
Đối thủ ấy, bị đánh giá thấp hơn nhiều, đã dẫn trước, đã lôi Hà Lan vào hiệp phụ (sau khi Van Nistelrooy kịp đưa trận đấu trở lại điểm xuất phát ở tận phút 86), và kết liễu mọi ước vọng chinh phục của đội bóng Vùng Thấp tại đó bằng hai cú đấm ngàn cân nữa, không cần đến loạt sút luân lưu.
2. Dĩ vãng, dù đáng quên đến thế nào, cũng luôn là những bài học xương máu. Thứ khí thế lấp sông xẻ núi của Hà Lan ngày ấy đã tắt phụt, đầu tiên là bởi đích thân HLV trưởng Van Basten cũng như những cái tên lẫy lừng trong đội hình đương thời - như Ruud Van Nistelrooy, Rafael Van der Vaart, Dirt Kuyt hay Wesley Sneijder… - đã không còn giữ được sức căng tâm lý cần thiết.
Tất cả tinh hoa của đội bóng ấy dường như đều đã phát tiết hết, khi họ thực sự phải đối diện với những ngọn núi: Đương kim vô địch và đương kim á quân World Cup 2006 – những cái tên đủ sức nặng để mỗi cá nhân phải vào sân với đầy đủ cả 100% phong độ lẫn sự nghiêm túc. Những chiến thắng vang dội liên tiếp ấy trở thành các đỉnh cao, mang đến sự thỏa mãn, tạo nên lòng kiêu hãnh.
Và rồi, Hà Lan rơi vào cạm bẫy của hào quang, khi được xem là ứng viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch, trước giai đoạn knock-out. Ngược lại, Pavlyuchenko hay Arshavin, vừa chân ướt chân ráo bước ra từ bóng tối, lại vẫn chơi như mỗi trận đều là trận cuối.
Sự khác biệt về trạng thái tâm lý đó, xét cho cùng, cũng hoàn toàn có thể trở thành một điểm then chốt của cuộc đối đầu hiện tại. Patrik Schick cùng các đồng đội, thực ra, cũng đang chẳng có gì nhiều để mất. Họ thậm chí còn có thể bị đánh giá thấp hơn nhiều so với thực lực của chính mình, bởi sau siêu phẩm ngày ra quân từ chân “số 10”, Czech đã thực sự khựng lại.
Chiếc vé vớt của bảng D trông thật tội nghiệp, khi đặt cạnh ngôi nhất bảng C của Hà Lan. Vấn đề là, với thể thức mới của EURO – hệ quả từ việc nâng số đội tham dự vòng chung kết – 4 điểm đã là đủ để Czech “ém sức” từ sau loạt trận thứ hai, cũng như Hà Lan.
Nghĩa là, khả năng bùng nổ của Czech vẫn là một ẩn số.
3. Tuy vậy, trên lý thuyết, cái bẫy nguy hiểm nhất đối với đội bóng Vùng Thấp vẫn là tinh thần của chính họ, như điều Van Nistelrooy đã nhắc nhở.
Khi gục ngã trước chính đối thủ này tại loạt trận thứ hai bảng D EURO 2004, dù đã dẫn tới 2 bàn cách biệt, Hà Lan năm ấy phải đối diện với nhiều hiểm họa hơn hẳn hiện tại. Với bộ ba Nedved – Poborsky - Rosicky ở trung tuyến, Czech năm ấy dường như sở hữu những nguồn ý tưởng sáng tạo vô tận. Chưa kể, ở tuyến đầu, sự bổ sung hoàn hảo giữa một Jan Koller lênh khênh với một Baros cực kỳ nhanh nhẹn và tinh quái còn đủ sức làm chao đảo mọi hàng thủ.
Và bởi vậy, chỉ cần chơi chùng lại sau khi dẫn 2-0, Hà Lan đã phải trả giá.
Nhưng bây giờ, với những quân bài chính xem như lộ diện hết sau vòng bảng, HLV Silhavy còn gì trong tay?
Có lẽ là không còn gì nhiều. Ông vẫn sẽ phải trông mong vào những khoảnh khắc xuất thần, nhưng để sẵn sàng cho những khoảnh khắc ấy, đội bóng của ông bắt buộc phải chơi thật tập trung và kỷ luật, để trụ vững trước một đối thủ mà chính ông nhận diện là cực kỳ đáng sợ, với “tốc độ cũng như sự thèm khát các bàn thắng”.
Bên cạnh đó, Czech cũng chẳng có gì nhiều để mất. Họ chịu ít sức ép hơn. Họ sẵn sàng tự định vị mình thấp hơn. Cũng có nghĩa là họ sẵn sàng phá hủy nhịp độ cũng như cấu trúc trận đấu mà Hà Lan mong muốn, bằng mọi cách, thậm chí là kéo đối thủ vào hiệp phụ bằng tầng tầng lớp lớp phòng ngự.
Câu hỏi đặt ra chỉ còn là nếu không thể dễ dàng thổi bay những công sự đó từ sớm, sự nôn nóng hay ngạo mạn có lại trỗi dậy, để Hà Lan đi vào những vết xe đổ của chính họ trong dĩ vãng hay không…