Bình tĩnh Việt Nam ơi, đừng đi vào vết xe đổ của người Thái!
Thứ tư, 13/10/2021 11:37 (GMT+7)
Trận thua Oman báo hiệu tương lai dậy sóng của HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng nếu người hâm mộ Việt Nam tạo áp lực khiến HLV người Hàn Quốc phải từ chức hoặc bị sa thải vì thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đừng quên, bài học của người Thái Lan và HLV Kiatisuk Senamuang vẫn còn nguyên giá trị!
Con tạo xoay vần
Bóng đá Đông Nam Á đã rẽ sang một hướng mà không ai ngờ đến vào năm 2017, khi hai sự kiện liên tiếp xảy ra. Tháng 3/2017, Kiatisuk Senamuang từ chức HLV tuyển Thái Lan ngay sau khi vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khép lại. “Voi chiến” chỉ giành được 2 điểm sau 10 trận đấu và “Zico Thái” chịu áp lực nghìn cân từ cuối năm 2016 khi kỳ vọng của người dân Thái Lan không được đáp ứng.
Một tháng sau, Thái Lan bổ nhiệm Milovan Rajevac làm HLV trưởng mới. Chiến lược gia người Serbia nổi tiếng giàu kinh nghiệm và từng giúp Ghana vào đến tứ kết World Cup 2010, nơi họ chỉ bị loại cay đắng vì… bàn tay của Luis Suarez. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) tin rằng một HLV đẳng cấp như Milovan Rajevac sẽ giúp họ bước lên một tầm cao mới ở châu lục, điều mà Kiatisuk không thể làm được.
Tháng 10/2017, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo, người gần như vô danh ở thời điểm đó. Tiểu sử của HLV Park Hang Seo gói gọn trong vai trò trợ lý cho HLV Guus Hiddink ở ĐT Hàn Quốc tại World Cup 2002. Đã 15 năm sau khi trở thành “người hùng” của Hàn Quốc, vị HLV này trượt dài trong sự nghiệp. Cuộc bổ nhiệm này vì thế tạo ra nhiều nghi ngờ, đặc biệt khi bóng đá Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng không lối thoát.
Trong những năm tháng trước đó, Thái Lan của Kiatisuk thống trị bóng đá Đông Nam Á và từng bước tiến ra sân chơi châu lục. Cùng Kiatisuk, Thái Lan vô địch AFF Cup 2014, 2016, giành HCV SEA Games 2013, lọt vào bán kết ASIAD 2014 và giành quyền tham dự vòng loại cuối cùng đến World Cup 2018. Ngược lại, Việt Nam loay hoay với HLV nội, HLV ngoại nhưng không cách nào giành được vinh quang tại Đông Nam Á. Ở thời điểm đó, châu Á là một điều gì đó quá xa vời với các đội tuyển của Việt Nam.
Tuy nhiên, con tạo xoay vần trong năm 2017, số phận của các đội tuyển Việt Nam và Thái Lan đảo ngược một cách thú vị. Cùng HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam gặt hái không thiếu thành công nào của Thái Lan dưới thời Kiatisuk. Chúng ta cũng vô địch AFF Cup, giành HCV SEA Games, lọt vào bán kết ASIAD và vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Chúng ta thậm chí có những thành tích vượt trội kình địch như giành ngôi á quân giải U23 châu Á 2018 hay lọt vào tứ kết Asian Cup 2019.
Và tương tự Việt Nam giai đoạn trước, Thái Lan chìm sâu vào khủng hoảng, loay hoay với các HLV tên tuổi và các HLV nội. Sau thất bại với Milovan Rajevac, “Voi chiến” trở nên thảm hại với Nishino Akira, người cũng gây tiếng vang tại World Cup ngay trước đó. Đến hiện tại, Thái Lan vẫn chưa thể thoát ra cuộc khủng hoảng do chính họ tạo ra. Nếu FAT bảo vệ Kiatisuk, nếu người hâm mộ Thái Lan tin tưởng Kiatisuk, số phận “Voi chiến” có lẽ đã khác. Số phận của bóng đá Việt Nam có lẽ cũng đã khác rất nhiều.
Bình tĩnh Việt Nam ơi, đừng đi vào vết xe đổ của người Thái!
Những gì xảy ra với tuyển Thái Lan đang lặp lại một cách đáng kinh ngạc với Việt Nam. Không quá lời khi chúng ta đang đi lại con đường của người Thái khi ôm mộng bơi ra biển lớn sau khi thống trị “ao làng”. Tuy nhiên, các bước tiến quá nhanh khiến giới mộ điệu kỳ vọng quá nhiều vào bóng đá Việt Nam mà quên mất các vấn đề nội tại.
Năm 2021 đánh dấu một năm buồn của bóng đá Việt Nam. Các giải đấu chuyên nghiệp lần đầu tiên bị hủy bỏ giữa chừng vì dịch bệnh - và có lẽ vì cả đội tuyển. Số phận nhiều CLB, nhiều cầu thủ không biết đi về đâu. Cả nền bóng đá bị tổn thương nghiêm trọng và mọi chuyện trở nên tệ hại hơn khi ĐTQG liên tục thất bại.
Trận thua Oman là trận thua thứ 5 liên tiếp của ĐT Việt Nam. Trước đó, chúng ta đã thua UAE, Saudi Arabia, Australia và Trung Quốc. Điểm chung trong các thất bại này? Các đối thủ đều đứng trên Việt Nam từ 18 bậc trở lên trên bảng xếp hạng FIFA. Nếu xét theo tương quan lực lượng, sức mạnh của các đội, các thất bại này của ĐT Việt Nam liệu có bất ngờ hay đáng trách? Câu trả lời là không.
Người hâm mộ đang bị chìm vào cảm xúc thất vọng bởi vì chúng ta đã kỳ vọng quá nhiều, đã mơ mộng quá nhiều. Các kỳ tích trước đó là cơ sở để người ta hy vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng hơn rất nhiều. Đã đến lúc người hâm mộ Việt Nam phải học cách chấp nhận thất bại thay vì đổ tại bất cứ điều gì khác. Đây vốn là các thất bại không thể tránh khỏi, không phải tại cầu thủ, không phải tại HLV, càng không phải tại trọng tài.
Đến trước trận thua Oman, không ai có thể chỉ trích trọng tài trong các trận thua của Việt Nam. Đến hôm qua, các quyết định của trọng tài cũng không hoàn toàn sai. Nó là câu chuyện của cảm tính. Nếu đặt lý trí lên trên cảm xúc, giới mộ điệu sẽ nhận ra rằng, vào đến vòng đấu này đã là thành công lớn với thầy trò HLV Park Hang Seo. Chiến đấu, ghi bàn và chỉ chịu các trận thua sát nút hoặc tranh cãi là một thành công khác. Có điểm hay không có điểm, không quan trọng.
10 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 không phải là nơi để tuyển Việt Nam hy vọng giành chiến thắng, giành điểm số. Nó là cơ hội để chúng ta làm quen với một sân chơi ở đẳng cấp cao nhất châu lục, hiểu rõ thực lực của bản thân và qua đó, tìm kiếm hướng đi đúng đắn.
Sẽ là sai lầm lớn nếu chúng ta sử dụng vòng loại thứ 3 này để “phán quyết” tương lai của HLV Park Hang Seo. Trước khi nghĩ đến việc sa thải hay tạo áp lực khiến HLV Park Hang Seo từ chức, chúng ta hãy tự hỏi ai có thể làm tốt hơn HLV người Hàn Quốc, người đã gắn bó với các tuyển thủ 4 năm, đã hiểu rõ văn hóa bóng đá Việt Nam và có những thành công rõ ràng?
Có lẽ không ai cả. Và đương nhiên, để tuyển Việt Nam tiến đến gần nhóm mạnh nhất châu Á và trụ lại ở đó, chỉ thay HLV thôi là không đủ.