Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Châu Á

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản

Thứ hai, 08/11/2021 17:00 (GMT+7)

Nhật Bản đang là thế lực bóng đá hàng đầu châu Á hiện nay dù xuất phát muộn hơn so với những cường quốc khác. Đằng sau sự phát triển thần kỳ ấy là giải VĐQG chuyên nghiệp được cấu trúc tốt và tầm nhìn dài hạn của những người làm bóng đá nước này.

Nền bóng đá 'sinh sau đẻ muộn'

Sau World Cup 2014, nhiều người lo lắng cho bóng đá châu Phi và cả bóng đá châu Á. Trong khi cả Mexico và Mỹ đều lọt vào vòng 16 kỳ World Cup đó, tất cả các đội bóng Châu Á đều gây thất vọng. Australia, Hàn Quốc và Iran không thể vượt qua vòng bảng. Nhật Bản cũng chỉ kiếm được 1 điểm sau 3 trận, thành tích quá kém với một đội tuyển được ca ngợi rất nhiều trước khi World Cup 2014 diễn ra.

World Cup 2018 tại Nga, mọi thứ thay đổi với bóng đá châu Á. 4/5 đội đến từ khu vực AFC thắng ít nhất một trận. Australia có trận đấu hay trước Pháp, đội bóng lên ngôi vô địch sau đó. Iran cho thấy họ xứng đáng lọt vào vòng tiếp theo, Saudi Arabia chơi ấn tượng và Hàn Quốc dù bị loại nhưng vẫn gây sốc với chiến thắng trước Đức.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 1

Nhật Bản đã giành HCĐ Olympic 1968 ở Mexico.

Còn Nhật Bản thì sao? Tại kỳ World Cup thứ 6 liên tiếp, họ đã khiến tất cả phải ngạc nhiên: Không được nhiều người kỳ vọng nhưng 'Samurai xanh' đã giành chiến thắng trước Colombia, hòa Senegal và chỉ để thua Ba Lan với tỷ số tối thiểu ở vòng bảng. Họ lọt vào vòng 16 gặp Bỉ và dẫn trước 2-0 sau 60 phút. Nhật Bản để thua Bỉ 2-3 trong 30 phút còn lại nhưng trận đấu đó đã chỉ ra bóng đá Nhật Bản cần điều chỉnh những gì để đạt được thành công trong những năm tới.

Mặc dù thành công vang dội trong những năm gần đây nhưng nền bóng đá Nhật Bản có lịch sử phát triển không quá lâu đời. Bóng đá ở Nhật Bản được gọi là sakka, phiên âm từ 'soccer' do ảnh hưởng từ Mỹ. Ở đất nước mặt trời mọc, bóng chày mới được ưa chuộng nhất chứ không phải bóng đá dù môn thể thao này đã được biết đến ở Nhật Bản từ khoảng năm 1870.

Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) chính thức ra đời vào năm 1921 nhưng nền bóng đá nước này vẫn phải chờ đợi hơn 40 năm sau mới bắt đầu được chú ý. Nhật Bản đã giành HCĐ Olympic 1968 ở Mexico, dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của bóng đá nước này. Khi đó, giải VĐQG Japan Soccer League (tiền thân của J.League) vừa mới được thành lập năm 1965 với mô hình đội bóng thuộc sở hữu của công ty tương tự như bóng chày và kéo dài nhiều thập kỷ. Không nhiều cầu thủ nước ngoài đến Nhật Bản thi đấu ngoại trừ những người Brazil. Hai đất nước này có mối quan hệ sâu sắc thông qua những đoàn người hợp tác phát triển kinh tế giữa Nhật Bản và Brazil.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 7

Sức bật từ Tsubasa và tầm nhìn thế kỷ

Đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản vẫn chưa có vé tham dự một kỳ World Cup hay Asian Cup nào. Điều này được lý giải là do giải VĐQG Nhật Bản khi đó toàn là cầu thủ nghiệp dư, làm việc trên công ty vào ban ngày và đá bóng như một sở thích khi rảnh rỗi. Giai đoạn này, bước ngoặt thay đổi bóng đá Nhật Bản không phải là những quyết sách về thể thao mà đến từ bộ truyện tranh bóng đá Tsubasa. Tác phẩm truyện tranh này thắp lên tình yêu mãnh liệt của người dân Nhật Bản với 'môn thể thao vua' cũng như sự quyết tâm đưa bóng đá Nhật Bản vươn tầm thế giới.

Năm 1992, ở kỳ Asian Cup tổ chức trên sân nhà, Nhật Bản đã đánh bại Saudi Arabia 1-0 trong trận chung kết và đoạt chức vô địch châu Á lần đầu tiên trong lịch sử chỉ sau lần thứ hai tham dự giải. Một năm sau đó, Nhật Bản không thể giành quyền tham dự World Cup 1994 sau thất bại trước Iraq nhưng người hâm mộ và những người làm bóng đá vẫn lạc quan. Họ tin rằng Nhật Bản vẫn trên đường trở thành cường quốc bóng đá châu Á. Những gì tốt đẹp nhất vẫn chưa xuất hiện.

Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) nhận ra rằng giải VĐQG Japan Soccer League chưa đủ mạnh để thúc đẩy nền bóng đá đi lên. Họ nảy ra ý tưởng thành lập giải đấu mới chuyên nghiệp hơn được gọi là J.League. Mùa giải đầu tiên bắt đầu từ năm 1993 với chỉ 10 đội. Trận đấu giữa Verdy Kawasaki và Yokohama F. Marinos đã thu hút gần 60.000 người hâm mộ đến sân vận động quốc gia. Bóng đá Nhật Bản đứng trước cơ hội 'thay da đổi thịt' nhưng mọi thứ không dễ dàng như thế.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 2

Sau những mùa giải thành công, bóng đá Nhật Bản bắt đầu đi xuống. Cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 1991 đến năm 1992 đã khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ trong 10 năm và ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có bóng đá. Các trận đấu ít khán giả hơn và J.League cũng không còn thu hút nhiều ngôi sao bóng đá từ châu Âu và Nam Mỹ như trước kia. Nghiêm trọng hơn, đã có một đội bóng phải dừng hoạt động. Yokohama Fluegels giành chiếc cúp Hoàng đế sau trận chung kết năm 1999 nhưng đó cũng là trận đấu cuối cùng của họ. CLB này buộc phải hợp nhất với Yokohama Marinos và tiếp tục thi đấu ở J.League với cái tên Yokohama F. Marinos.

Để tránh nguy cơ sụp đổ, ủy ban J. League theo đuổi hai ý tưởng đầy tham vọng. Ý tưởng đầu tiên là một kế hoạch khổng lồ mang tên “J. League tầm nhìn 100 năm” với mục tiêu có 100 đội bóng chuyên nghiệp vào năm 2092. Họ tin rằng những địa phương cấp thành phố và ngay cả cấp quận ở Nhật Bản cũng có thể tạo ra một đội bóng thay vì chờ các nhà tài trợ lớn. Ý tưởng thứ hai là mở rộng kim tự tháp bóng đá bằng cách tạo ra một giải đấu hạng 2 chuyên nghiệp: J.League 2. Nhật Bản ra mắt J.League 2 vào năm 1999 với 10 đội bóng. Và từ đó, J.League 1 cũng loại bỏ cách phân chia mùa giải thành 2 giai đoạn vì bây giờ đã có thể xác định đội lên hạng, xuống hạng.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 6

Gặt hái quả ngọt

Kế hoạch đã thành công: J.League 1 thu hút trung bình 18.883 khán giả đến sân mỗi trận đấu, trong khi J.League 2 cũng đạt mức 6.970 khán giả -  một con số khá tốt nếu so với giải hạng 2 ở châu Âu. Sự thành công của hai giải đấu này đã dẫn đến việc hình thành J.League 3 vào năm 2013, cũng theo mô hình chuyên nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản có 54 CLB chuyên nghiệp và đang trên đường đến mục tiêu 100 CLB chuyên nghiệp như đề án thế kỷ của họ.

Các CLB phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt nếu muốn được công nhận là đội bóng chuyên nghiệp. Đội bóng phải được tổ chức như một công ty đại chúng hoặc là một tổ chức phi lợi nhuận riêng cho bóng đá trong ít nhất 1 năm. Đội bóng phải thuộc sở hữu của người Nhật, tuân theo các quy tắc tài chính (tiến hành kiểm tra thuế hàng năm) và phải có hệ thống đào tạo trẻ/bóng đá học đường  tồn tại hơn một năm. Những quy tắc nghe chừng có vẻ phức tạp với một hệ thống bóng đá đang phát triển nhưng cần thiết: nó ngăn chặn những vấn đề khiến các đội bóng phải nộp đơn phá sản hoặc giải thể hoàn toàn, điều đã xảy ra với một số đội bóng ở giải Italia thời gian gần đây.

Những năm 2000, J.League là miền đất lành cho những cầu thủ nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội. Marquinhos, Juninho hay Lucas cũng đã tạo dựng được vị thế ở Nhật Bản trước khi tỏa sáng ở châu Âu. Xu hướng sử dụng cầu thủ nước ngoài vẫn tiếp tục phát triển ở giải quốc nội Nhật Bản. Không chỉ cầu thủ đến từ Brazil, J.League 1 còn có sự xuất hiện của những ngôi sao Hàn Quốc và cầu thủ đến từ Đông Nam Á. Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda và ba tuyển thủ Thái Lan cũng đã gặt hái nhiều thành công ở giải đấu cao nhất Nhật Bản và cũng là giải đấu hàng đầu châu Á này.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 3

Nhật Bản thua Bỉ 2-3 sau khi dẫn trước 2 bàn ở vòng 16 đội World Cup 2018.

Như một lẽ tất yếu, sự phát triển của J.League đã mang đến nhiều thay đổi tích cực cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Sau khi thành lập J.League, Nhật Bản đã lần đầu tiên giành vé tham dự World Cup năm 1998. Năm 2002, Nhật Bản đồng tổ chức World Cup cùng Hàn Quốc và lần đầu tiên vượt qua vòng bảng. 

Ở các kỳ World Cup vào năm 2010 và 2018, Nhật Bản suýt lọt vào tứ kết và chỉ phải chịu thất bại trên chấm luân lưu năm 2010 hay tỷ số sát nút 2-3 trong trận đấu gặp Bỉ năm 2018. Từ năm 1992, Nhật Bản đã vô địch Asian Cup thêm 3 lần vào các năm 2000, 2004 và 2011. Trong 7 kỳ Asian Cup gần đây nhất, Nhật Bản chỉ thất bại đúng 2 trận.

Những thành công này của đội tuyển Nhật Bản cũng đã giúp nhiều cầu thủ nước này có cơ hội tỏa sáng ở châu Âu: Từ Kazuyoshi Miura, Hidetoshi Nakata đến Shinji Ono, Keisuke Honda. Shinji Kagawa, Makoto Hasebe, Naohiro Takahara, Shinji Okazaki hay thế hệ hiện tại như Minamino hay Tomiyashu cũng để lại dấu ấn ở những giải đấu hàng đầu châu Âu.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 5

Tương lai bóng đá Nhật Bản sẽ thế nào?

Trong thời gian gần đây, bóng đá Nhật Bản đã nhận được những bản hợp đồng béo bở. Năm 2016, J.League ký hợp đồng 10 năm tỷ giá 183 triệu euro mỗi năm với Perform Group. Hợp đồng này đã mang lại cho các đội bóng Nhật Bản những khoản tiền khổng lồ. Torres, Iniesta cùng nhiều ngôi sao khác đã chọn J.League làm nơi dưỡng già và khiến Nhật Bản lại nhộn nhịp những ngôi sao.

Tuy nhiên, các bản hợp đồng có giá trị marketing không phải là đích đến. Ngôi sao Diego Forlan và Cacau đều ký hợp đồng với Cerezo Osaka nhưng không thể giúp đội bóng này tránh cảnh xuống hạng. Cái họ cần bây giờ là những ngôi sao ở đỉnh cao phong độ để nâng tầm giải đấu, qua đó nâng tầm đội tuyển quốc gia Nhật Bản hướng đến những đỉnh cao mới.

Bí mật đằng sau sự phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản - Ảnh 4

 Nhật Bản sẽ làm khách trên sân Mỹ Đình của ĐT Việt Nam vào ngày 11/11.

Với tiềm lực và những bước đi đúng hướng, bóng đá Nhật Bản hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những nền bóng đá hàng đầu thế giới trong tương lai. Nhưng trước mắt, họ sẽ phải thi đấu thật tốt ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á để có lần thứ 7 liên tiếp tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Sau 4 trận đấu ở vòng loại cuối cùng, Nhật Bản hiện đang xếp thứ tư với 6 điểm, trong khi đội dẫn đầu bảng B là Saudi Arabia đang có 12 điểm. Trận đấu sắp tới Nhật Bản sẽ làm khách trên sân Mỹ Đình của ĐT Việt Nam vào ngày 11/11 với mục tiêu giành trọn 3 điểm.

Nền bóng đá Nhật Bản chỉ mới bắt đầu phát triển gần 30 năm trước nhưng đã có những thành công vượt bậc so với những nền bóng đá khác trong khu vực. Thành công đó đến từ 1 giải VĐQG chuyên nghiệp được phân cấp và những quy định nghiêm ngặt để giúp các đội bóng quốc nội 'sống khỏe'. Dù vẫn còn nhiều thử thách trước mắt nhưng trong thời gian dài sắp tới, Nhật Bản vẫn là lá cờ đầu của bóng đá châu lục ở đấu trường thế giới.

*Lược dịch từ bài viết của nutmegassist.com

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá