Bóng đá trở về nhà
Thứ ba, 06/07/2021 19:32 (GMT+7)
Giữa đội tuyển Anh và một ban nhạc Rock nọ có một đoạn nhân duyên. Năm tháng trôi qua, thăng trầm bóng đá, nhân duyên ấy tưởng như đã bị lãng quên. Và rồi bỗng chốc nó sống dậy như chưa từng bị ngắt quãng. Một hoài cảm xa xôi nay trở thành những xúc cảm sống động hơn bao giờ hết. Vì bóng đá đang trở về nhà, với người Anh.
Ngày 15 tháng 6 năm 1996, trên sân Wembley, một bài hát có tên "Three Lions“ (Tam Sư – cũng là biệt danh đội tuyển Anh) - "It’s coming home again“ đã trở nên nổi tiếng và thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa quốc gia khi Anh đánh bại Scotland với tỷ số 2-0 ở trận mở màn Euro. Đó là một trận đấu mà nhà ngoại cảm người Israel Uri Geller tiết lộ rằng mình đã dùng tâm trí để di chuyển quả bóng trong cú đá phạt đền của Gary McAllister để David Seaman có thể cứu thua cho đội nhà, rồi để Paul Gascoigne vuốt bóng qua đầu Colin Hendry và đánh bại Andy Goram. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, lời hát của "Three Lions“ bùng nổ khắp sân vận động.
Bài hát đó được viết lời bởi 2 diễn viên hài Frank Skinner và David Baddiel, phần nhạc do ban nhạc Rock Lightning Seeds đảm nhiệm. Sau này,Baddiel đã mô tả dịp gặp Kirsty Young trên BBC Radio 4’s Desert Island Discs để nói về ca khúc, về bóng đá là "một trong những khoảnh khắc phi thường nhất trong cuộc đời tôi" và thừa nhận vẫn cảm thấy sởn da gà mỗi khi nghĩ về ký ức đó.
Bài hát chứa đựng nỗi nhớ về chiến thắng vĩ đại nhất của bóng đá Anh – chức vô địch World Cup 1966 sau khi đánh bại Tây Đức 4-2 nhờ cú hat-trick của Geoff Hurst, vừa là lời than thở về những thất vọng họ trải qua trong những năm tháng sa sút, rồi xen kẽ cả minh chứng cho sự lạc quan vĩnh cửu của người hâm mộ vào đội tuyển bóng đá quốc gia, là niềm tin không thể lay chuyển rằng những vinh quang quá vãng có thể được hồi sinh một ngày nào đó.
Thủ lĩnh của Lightning Seeds, Ian Broudie vẫn đang tận hưởng mối tình lâu bền giữa những người hâm mộ bóng đá Anh và bài hát của mình. Mới đây, anh tâm sự: "Mọi người đi ngang qua cửa sổ của tôi vào đêm muộn và hát vang ca khúc ấy. Điều này làm tôi mỉm cười." Ca khúc ăn mừng một chiến thắng từ cách đây gần 3 thập kỷ giờ lại trở thành một hiện tượng do những fan bóng đá thế hệ mới làm nên làn sóng.
“It's coming home. It's coming home, it's coming. Football's coming home.
Everyone seems to know the score. They've seen it all before.
They just know, they're so sure. That England's gonna throw it away, gonna blow it away.
But I know they can play”
(Tạm dịch: Nó đang trở về, nó đang trở về. Bóng đá sắp trở về nhà. Dường như tất cả đều biết kết quả sẽ thế nào. Người ta đều đã chứng kiến chuyện này rồi. Họ biết, và chắc chắn rằng đội tuyển Anh sẽ làm hỏng chuyện. Nhưng tôi thì biết các cầu thủ có thể chơi bóng.)
Hẳn là thế. Đội tuyển Anh mang bên mình một lịch sử bóng đá nhiều nỗi đau, dù họ là nơi đã sản sinh ra bóng đá hiện đại. Một lần lên đỉnh để rồi chục lần ngã ngựa. Người hâm mộ đã từng đi từ thất vọng này đến tuyệt vọng khác. Ngay cả một lứa cầu thủ siêu sao thời David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard, John Terry, Wayne Rooney cũng không đưa đội tuyển Anh đến cái đích kỳ vọng. Thành thử, người hâm mộ thậm chí đã quen với việc đội nhà trầy trật ở một giải đấu lớn dù luôn được đánh giá là ứng cử viên vô địch, truyền thông thì cũng luôn mỉa mai, dù sự cảm thông cũng được luồn vào trong đó.
Những năm này thì khác. Kể từ 2018, khi người Anh vào bán kết World Cup sau khi thắng được ở một loạt luân lưu, thế giới đã dần có cái nhìn khác về họ. Và rồi đặc biệt ở kỳ Euro này, lại là bán kết sau một trận tứ kết với 4 bàn thắng thuyết phục, đoàn quân của HLV Gareth Southgate giờ thực sự là một tập thể đang chơi bóng cùng nhau, không phải những vì tinh tú sân cỏ đang thể hiện phẩm chất cá nhân như xưa nữa.
“'Cause I remember three lions on a shirt! Jules Rimet still gleaming, thirty years of hurt never stopped me dreaming. I know that was then, but it could be again.”
(Tạm dịch: Bởi vì tôi vẫn nhớ hình bóng ba con sư tử trên chiếc áo đấu. Jules Rimet vẫn tỏa sáng, 30 năm đau khổ ấy không thể khiến tôi ngừng mộng mơ. Tôi biết là chuyện xưa đã qua, nhưng nó vẫn có thể trở lại lần nữa)
Cũng vẫn là mốc 30 năm, và lần này, lại ở Wembley, phải chăng người Anh đang thực hiện cuộc hành trình trở về quá khứ và mang hào quang đó tới hiện tại? Broudie cũng nhận ra điều đó, thế nên dù “bóng đá chưa trở về nhà” thì ông vẫn mơ mộng mà nói với phóng viên rằng: "Có một sự đối xứng thơ mộng nhất định, 25 năm trôi qua, cùng một địa điểm, có một điều gì đó đặc biệt. Bạn muốn cảm thấy có một cơn gió thổi về phía mình. Một trong những điều tuyệt vời về '96 và bây giờ là ngay cả những người không thực sự yêu thích bóng đá nhưng cũng trở nên cảm xúc và trông chờ vào đội tuyển Anh…Tôi thích điều này vì đó là khoảnh khắc bạn biết cả một đất nước đang cùng hướng về một phía”.
Khi người Anh lên ngôi vô địch ở Euro này – cái đích đang ở rất gần họ, chắc chắn “It is coming home again” sẽ trở thành khúc khải hoàn ca kéo dài nhiều tháng ngày và cả thập kỷ sau đó. Bóng đá, sau cùng, sẽ trở về nhà?