Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng chuyền Bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc

Thứ ba, 08/03/2022 14:42 (GMT+7)

Bóng chuyền Việt Nam đã chuyển mình lên chuyên nghiệp gần 2 thập kỷ qua nhưng cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có một giải đấu để được gọi là chuyên nghiệp.

Nhiều người vẫn lầm tưởng giải bóng chuyền VĐQG là giải đấu chuyên nghiệp nhưng Bóng chuyền Việt Nam mới chỉ là giải bán chuyên nghiệp. Thời điểm thay đổi tên gọi từ Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc sang giải bóng chuyền VĐQG năm 2004 được coi là dấu mốc cho sự hình thành một giải đấu mang tầm cỡ khu vực.

Trong suốt chiều dài lịch sử giải bóng chuyền VĐQG, những sự thay đổi điều lệ cũng như thể thức thi đấu tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có thể khắc phục được những thiếu sót phát sinh sau từng mùa giải. Cho tới mùa giải 2022, nhiều vấn đề phát sinh khiến những nhà tổ chức bối rối trước các tình huống chưa từng xuất hiện trong lịch sử giải đấu.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc - Ảnh 4
Trận đấu của giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021

Trước lộ trình giảm số đội để biến giải đấu trở thành giải chuyên nghiệp và thay đổi thể thức thi đấu sân nhà sân khách như một số quốc gia có nền bóng chuyền hàng đầu khu vực và châu lục thì năm nay số đội lại phình to hơn thực tế dự kiến. Đây trở thành một bài toán khó cho những nhà làm chuyên môn và thực hiện công tác tổ chức trong mùa giải mới.

Theo ý kiến của nhà báo Nguyễn Lưu trao đổi bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7, ông cho biết: “Cán bộ kiêm nhiệm nhiều nên muốn chuyên nghiệp thì phải chuyên sâu và chuyên nghiệp hóa. Trình độ cán bộ và nhiều HLV chưa cao nên cần tập trung tuyển chọn, đào tạo một cách bài bản”.

Có thể thấy rằng, hàng năm Liên đoàn bóng chuyền đã tổ chức khá nhiều các giải đấu từ cấp độ trẻ cho đến giải VĐQG nhưng sự liền lạc là chưa có. Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc mới chỉ đưa và hệ thống thi đấu từ năm 2008. Sau đó 2 năm (2010) giải Vô địch bóng chuyền trẻ các Câu lạc bộ toàn quốc mới chính thức thuộc hệ thống thi đấu.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc - Ảnh 3
Giải bóng chuyền Hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021 

Sở dĩ thời điểm đó giải Vô địch bóng chuyền trẻ các Câu lạc bộ toàn quốc xuất hiện để “ép” các đội bóng tập trung công tác đào tạo trẻ. Tất cả các CLB đang thi đấu tại giải bóng chuyền VĐQG bắt buộc phải có đội trẻ tham dự giải đấu bởi những mùa giải đó các CLB được phép sử dụng ngoại binh và phong trào nhập tịch cho cầu thủ ngoại đang phát triển. Đây chỉ là chiêu gỡ rối khi bắt đầu khó quản lý ngoại binh bóng chuyền.

Mùa giải 2020, giải Vô địch bóng chuyền U23 quốc gia mới chính thức xuất hiện. Thời điểm đầu không nhận được sự ủng hộ của nhiều đội bởi nhiều lý do khác nhau trong đó đa phần là không đủ quân số và do lần đầu tổ chức nên không gây dược sự chú ý. Tuy nhiên được sự động viên của Liên đoàn, một số đội đã tới với giải đấu và giải có được thành công một cách bất ngờ tại Đăk Nông năm 2020.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc - Ảnh 1
Giải Bóng chuyền trẻ Cúp các CLB toàn quốc năm 2020 (ảnh: Cuonqpv)

Có thể nói, cá giải đấu trẻ của bóng chuyền Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mực khiến cho công tác đào tạo tại nhiều đội bóng đang mai một dần. Có những địa phương như cái nôi của bóng chuyền Việt Nam là Thái Bình hiện nay vẫn phải than trời về việc tuyển quân. Điều này một phần đến từ cơ chế của đơn vị quản lý và một phần từ hệ thống các giải đấu trẻ.

Các quốc gia có nền bóng chuyền phát triển tiệm cận trình độ châu lục như Thái Lan hay các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc họ có hệ thống thi đấu từ cấp độ Trung học cơ sở cho đến Trung học phổ thông. Các giải đấu bóng chuyền học đường là con đường đưa VĐV đến với bóng chuyền chuyên nghiệp bên cạnh công tác tuyển chọn từ cấp CLB.

Nhà báo Nguyễn Lưu cho biết “Chúng ta chưa có một cuộc hội thảo nào chuyên sâu về vấn đề nâng cao sức khỏe, kỹ năng cho VĐV Việt Nam một cách đúng nghĩa. Tất cả chỉ dừng lại ở những cuộc họp bàn về chuyên môn, nó khác xa với bóng đá khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã làm được rất nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu bàn về tất cả những vấn đề tồn đọng của nước nhà”. Như vậy khó có thể có được mối liên hệ sâu sắc giữa giáo dục thể chất, bóng chuyền học đường và bóng chuyền chuyên nghiệp để tìm kiếm tài năng.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc - Ảnh 5
Giải Vô địch bóng chuyền U23 quốc gia lần thứ nhất năm 2020 (ảnh: Cuonqpv)

Theo ông cho biết thì “Hệ thống thi đấu đã có những biến đổi mang yếu tố tích cực. Liên đoàn đã thay đổi cách sắp xếp bảng đấu tại vòng 2 để tăng tính cạnh tranh và tạo công bằng là điều rất đáng khen ngợi”. Tuy nhiên đây chỉ là cách khắc phục những hạn chế phát sinh trong quá trình đổi mới mà chưa có những bước đi mang tầm quy hoạch dài hạn đưa bóng chuyền nước nhà tiến lên chuyên nghiệp.

Năm 2022 có thể coi là một năm bản lề với bóng chuyền nước nhà khi chúng ta hội nhập trở lại với các giải đấu khu vực và quốc tế sau nhiều năm trì hoãn. Kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7 vừa qua cũng mang tới nhiều nét mới để quyết tâm đưa Bóng chuyền nước nhà có được thành tích cao hơn và quan trọng hơn là mang tới cho khán giả cùng người hâm mộ một giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa, xứng tầm với sức mạnh vốn có của chúng ta đang sở hữu.

Đón đọc: Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 3 - Quy chế chuyển nhượng vận động viên đã lỗi thời

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá