Barcelona bán quá khứ, tương lai và truyền thống để tìm lại hào quang
Thứ hai, 01/08/2022 18:00 (GMT+7)
Những gì diễn ra trong kỳ chuyển nhượng hè 2022 cho thấy Barcelona đang tất tay, đánh đổi tất cả để có thể tìm lại vị thế càng sớm càng tốt.
Khép lại mùa giải 2021/22 trong cảnh trắng tay cùng khoản nợ lên tới 1,3 tỉ euro nhưng cho Barcelona lại đang là đội… chi nhiều tiền nhất kỳ chuyển nhượng hè 2022. Gã khổng lồ xứ Catalan tiêu tiền như một đại gia, bỏ ra 153 triệu euro để đưa về Robert Lewandowski, Raphinha, Franck Kessie, Andreas Christensen và mới nhất là Jules Kounde.
Ngoài phí chuyển nhượng, Barcelona chắc chắn còn tốn không ít tiền lót tay cho cầu thủ cũng như người đại diện, chưa kể những bản hợp đồng với mức đãi ngộ đáng mơ ước. “Tiền đâu” là điều mà tất cả đều thắc mắc, bao gồm cả HLV Julian Nagelsmann của Bayern Munich.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Barcelona đã tính toán đủ cẩn thận để vừa có tiền, vừa hợp pháp hóa chi tiêu, vừa đăng ký được cầu thủ theo đúng quy định của La Liga. Thực tế, chủ tịch Joan Laporta đã giải thích chi tiết cách Blaugrana tạo ra nguồn tiền, chỉ là nó hơi phức tạp để cho ai ai cũng hiểu được.
Nói một cách đơn giản, Barcelona chấp nhận đánh đổi tương lai để đánh cược. Đội bóng chi tiền để mua sao rồi trông chờ họ sẽ mang về những khoản tiền tương ứng, thậm chí sinh lời, đến từ các khoản bán áo đấu, quảng cáo và tất nhiên, quan trọng nhất là danh hiệu.
Chiêu mộ Lewandowski, Raphinha, Kounde, Christensen và Kessie chỉ trong một mùa hè chẳng khác nào giấc mơ thành hiện thực với mọi đội bóng. Thế nhưng với những cổ động viên trung thành của Barcelona, niềm vui ấy không được trọn vẹn khi nó đi kèm cả nỗi lo lẫn sự thất vọng.
Barcelona từng là hình mẫu mà mọi CLB bóng đá trên thế giới đều hướng đến. Khi HLV Pep Guardiola được bổ nhiệm vào năm 2008, ông không chỉ mang đến thứ bóng đá hoa mỹ mà còn tạo nên thứ gọi là “DNA Barcelona”.
Pep Guardiola ngay lập tức loại bỏ Ronaldinho và Deco, 2 siêu sao ngoại quốc để trao cơ hội cho hàng loạt tài năng trẻ. Ông đã chứng minh mình đúng khi dùng đội hình với nòng cốt là 7 tài năng “cây nhà lá vườn” La Masia giành cú ăn 3, gồm Cúp C1 châu Âu, La Liga cùng Cúp Nhà vua.
Một CLB thành công, có lối đá đẹp với nòng cốt là những cầu thủ tự đào tạo. Thử hỏi làm gì có nhà quản lý nào không muốn hướng đội bóng của mình đến hình mẫu như vậy?
Không phải vô cớ mà Man City xây dựng một mô hình theo kiểu Barcelona từ trước khi HLV Pep Guardiola về sân Etihad, với 2 giám đốc đều là “người cũ” của gã khổng lồ xứ Catalan. Không phải vô cớ mà Chelsea liều lĩnh với Frank Lampard, MU đặt niềm tin vào Ole Gunnar Solskjaer còn Juventus sốt sắng bổ nhiệm Andrea Pirlo.
Thế nhưng tất cả đều đã là câu chuyện của quá khứ. Barcelona giờ vẫn giao phó tương lai cho Xavi Hernandez thật đấy nhưng cách làm đã khác xa. Trong suốt nhiều năm, chỉ có Ansu Fati rồi mới nhất, Gavi là những tài năng trẻ trụ lại được ở đội một. Vấn đề là với sự đổ bộ của những "bom tấn", chưa chắc họ đã có suất đá chính thường xuyên ở mùa tới.
Những cái tên tiềm năng khác từ lò La Masia, hoặc không đủ trình độ, hoặc chưa kịp thể hiện đã bị bán đi để lấy tiền phục vụ các thương vụ “bom tấn”. Các ngôi sao trẻ nổi bật của Barcelona hiện giờ cũng là mua về, như Pedri, Sergino Dest hay Ronald Araujo.
Giờ Barcelona cũng chẳng còn là hình mẫu, thậm chí còn trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Họ "đi đêm", xúi cầu thủ làm những việc thiếu chuyên nghiệp với đội bóng chủ quản, nẫng tay trên của đối thủ một cách trắng trợn, nợ lương chính ngôi sao của mình để lấy tiền mua ngôi sao từ nơi khác.
Cũng khó có thể trách Barcelona bởi xu thế của bóng đá hiện đại thay đổi từng ngày. Chủ tịch Laporta cũng chỉ cố gắng làm tất cả những gì trong khả năng, kể cả có phải mang tiếng xấu nhằm giúp CLB tìm lại hào quang sau mớ hỗn độn mà người tiền nhiệm Josep Maria Bartomeu để lại.
Rủi ro là rất lớn bởi nếu những Lewandowski, Raphinha hay Kounde trở thành “bom xịt” và kéo theo một mùa giải bết bát nữa, chẳng biết Barcelona sẽ bấu víu vào đâu. Dù vậy, khi đã chấp nhận đánh đổi cả quá khứ, tương lai cũng như truyền thống, trước mắt thì cứ vui vì những “bom tấn” đi đã.