Bàn thắng ‘ma’ của Lampard ở World Cup 2010: Sai lầm nghiêm trọng khiến ĐT Anh ôm hận trước người Đức
Thứ sáu, 29/12/2023 22:48 (GMT+7)
Nam Phi 2010 là một trong những kỳ World Cup đáng nhớ nhất lịch sử. Đó không chỉ bởi những sự kiện như thất bại đau đớn của ‘thế hệ vàng’ tuyển Anh, chức vô địch thế giới đầu tiên của Tây Ban Nha, hay màn chơi bóng chuyền của Luis Suarez,... mà còn chứng kiến một trong những bàn thắng ‘ma’ đã góp phần quan trọng thay đổi bóng đá hiện đại.
Vòng 1/8 World Cup 2010, đội tuyển Đức dẫn trước Anh tới 2-0, trước khi Matthew Upson gỡ lại cho Tam Sư một bàn ở phút 37. Chỉ một phút sau, Frank Lampard tung cú sút xa chạm xà ngang dội xuống. Bóng chạm đất sau vạch vôi khoảng nửa mét.
Lampard biết rõ mình vừa mới ghi bàn nên chạy ra đường biên ăn mừng. Nhưng ngay lập tức anh không tin vào điều xảy ra. Bởi thay vì công nhận bàn thắng, trọng tài Jorge Larrionda lại xua tay báo hiệu bóng chưa qua vạch vôi. Thủ thành Manuel Neuer vội vã phát bóng nhanh để trận đấu được tiếp tục. Trên khán đài có chủ tịch FIFA Sepp Blatter dự khán và người đàn ông quyền lực nhất làng bóng đá không bộc lộ bất kì phản ứng nào.
Cho đến nay, đây vẫn được xem là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, đồng thời góp phần làm xuất hiện một trong những thay đổi mang tính lịch sử của làng túc cầu. Vậy cụ thể diễn biến trận đấu sau đó như thế nào? Phản ứng của người trong cuộc ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua video ngày hôm nay.
Cách đây 13 năm, đội tuyển Anh được khoác lên mình cụm từ mỹ miều “thế hệ vàng” khi tham dự World Cup 2010. Người hâm mộ bóng đá xứ sương mù kỳ vọng các cầu thủ sẽ tạo nên một giải đấu đáng nhớ, giúp “Tam sư” giải tỏa cơn khát vô địch kéo dài từ năm 1966. Sự kỳ vọng đã lớn đến nỗi vài tháng trước ngày World Cup khởi tranh, Frank Lampard phải lên báo cầu xin truyền thông và người hâm mộ đừng gọi anh và các đồng đội là “thế hệ vàng”. Anh nói rằng thế hệ này của “Tam sư” vẫn chưa giành được danh hiệu nào, xin đừng gây áp lực cho các cầu thủ bằng cụm từ đó.
Tuy nhiên, truyền thông và người hâm mộ Anh không quan tâm. Ngoại hạng Anh đang là giải đấu số 1 thế giới thời điểm đó. Vài năm trước, các đại diện của bóng đá xứ sương mù đã thống trị Champions League. Không những vậy, tuyển Anh còn có trong tay Steven Gerrard, Lampard, Wayne Rooney, Rio Ferdinand, Ashley Cole, John Terry… toàn hảo thủ xuất sắc của thế giới. Dưới bàn tay của HLV lão luyện Fabio Capello, “Tam sư” đến Nam Phi với mục tiêu vô địch. Daily Mail thậm chí còn gọi Capello là một trong những HLV hay nhất thế giới thời điểm đó
Tuy nhiên, “thế hệ vàng” ấy nhanh chóng biến sự kỳ vọng thành nỗi thất vọng cùng cực. Tại vòng bảng, đoàn quân của HLV Capello trình diễn thứ bóng đá tẻ nhạt và thiếu sức sống. Trải qua 3 trận đấu, "Tam sư” chỉ đánh bại được Slovenia ở lượt trận cuối nhờ pha lập công duy nhất của Jermain Defoe. Hai trận trước đó, thầy trò Capello giành được 2 điểm với hai trận hòa 1-1 với Mỹ và Algeria với tỷ số 0-0. Dù vậy, đội tuyển Anh vẫn giành quyền đi tiếp với ngôi nhì bảng C, khi có cùng 5 điểm với tuyển Mỹ và chỉ hơn Slovenia 1 điểm.
Đối thủ của Tam Sư ở vòng 1/8 là đội nhất bảng D - tuyển Đức. Trước khi trận đấu diễn ra, chẳng ai nghĩ về một kịch bản điên rồ giữa Anh và Đức. Đây sẽ là một trận chiến cân sức, với tỉ số sát nút hay phải đưa nhau đến loạt penalty cân não. Thế nhưng sau 90 phút bóng lăn, Đức giành chiến thắng cách biệt trước Tam Sư với tỉ số 4-1.
Điều gây tranh cãi nhất sau trận đấu này không phải là tỷ số cách biệt mà là một tình huống bóng diễn ra ở phút 39 đã được nhắc đến ở đầu video. Lampard, các cầu thủ Anh và những người hâm mộ trên khắp khán đài sân Bloemfontein hôm ấy đã ăn mừng. Nhưng trọng tài chính Larrionda lắc đầu và Tam Sư bị từ chối một bàn thắng mười mươi. Bàn thắng bị từ chối khiến cho tinh thần của thầy trò HLV Capello chạm đáy. Họ phải nhận thêm 2 bàn thua nữa. Đây là trận thua đậm nhất của tuyển Anh trong lịch sử World Cup và cũng là trận đấu tiễn "thế hệ vàng" về nước.
Sau trận đấu, chính thủ môn Manuel Neuer - người quan sát chính xác nhất tình huống bóng thú nhận: “Tôi nhận thấy bóng đã đi qua vạch vôi. Khi trọng tài không công nhận bàn thắng, tôi nghĩ rằng mình cần phải làm điều gì đó thật nhanh để ông ấy không quyết định lại.”
Xét toàn diện, người Đức xứng đáng với chiến thắng bởi họ chơi hay hơn. Tuy nhiên, người Anh có lý do cho rằng, nếu bàn thắng không bị trọng tài Larrionda "đánh cắp" thì chưa chắc họ đã phải ra về tủi hổ đến thế. Ngay khi trận đấu nghỉ giải lao, phóng viên Alan Green của BBC đã thông báo với Larrionda rằng đó là một bàn thắng mười mươi. Khi xem trên truyền hình, vị trọng tài này chỉ thốt lên rằng "Ôi, lạy Chúa".
Trọng tài Larrionda sinh năm 1968 tại thủ đô Montevideo của Uruguay. Ông bắt đầu làm nhiệm vụ ở các trận cầu chuyên nghiệp vào năm 1995 trước khi được công nhận trọng tài cấp FIFA 3 năm sau đó. Larrionda trở thành một trọng tài sáng giá tại Nam Mỹ khi ông góp mặt tại rất nhiều sự kiện bóng đá lớn của khu vực cũng như thế giới mà đỉnh cao là World Cup 2006. Thế nhưng, cái tên Larrionda cũng đi kèm với khá nhiều tai tiếng.
Chính tại World Cup 2006 trên đất Đức, Larrionda đã lập thành tích ‘ấn tượng’ khi rút ra tới 4 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ trong trận đấu giữa Mỹ và Italia tại vòng bảng. Đến trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha, Larrionda cho "Les Bleus" hưởng quả phạt đền đầy tranh cãi dẫn đến bàn thắng duy nhất của trận đấu, loại Bồ Đào Nha khỏi giải.
Với chiến tích "rút thẻ không chùn tay", 94 thẻ đỏ trong 140 trận đấu quốc tế, Larrionda được đặt cho biệt danh là "Red Card Larrionda". Đặc biệt, trận Anh - Đức không phải lần đầu tiên Larrionda mắc lỗi như vậy. Vào ngày 13/10/2004, trong trận vòng loại World Cup giữa Brazil gặp Colombia, ông cũng từ chối một bàn thắng của chủ nhà Brazil ở phút 70 mà bóng đã vượt qua vạch vôi ít nhất nửa mét. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa.
Gần 10 năm trôi qua, HLV Capello vẫn chưa thể quên được bàn thắng bị từ chối của Lampard. Ông tin rằng nếu tỷ số được nâng lên 2-2, mọi chuyện có thể đã khác. HLV Capello chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2020: "Tuyển Đức khi đó là một đội bóng trẻ trung. Do vậy, nếu họ bị gỡ hòa khi đã dẫn 2 bàn thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý.
Còn với chúng tôi, đó sẽ là một cú hích lớn. Nhưng điều đó đã không xảy ra và tôi mãi không thể quên được. Trận đấu đó luôn hiện hữu trong đầu tôi. Tôi nghĩ về một hiệp 2 với bàn thắng thứ ba, thứ tư. Tôi có thể thấy rõ chúng tôi sẽ chơi ngày càng tốt hơn. Nhưng rồi bàn thắng không được công nhận. Chúng tôi đã nỗ lực trong suốt 2 năm rồi phải trở về nhà vì sai lầm của một người khác."
Dù vậy, ‘trong cái rủi cũng có cái may’. Bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard ở World Cup 2010 đóng vai trò then chốt dẫn đến quyết định áp dụng công nghệ giám sát cầu môn của FIFA. Theo đó, vào năm 2012, FIFA quyết định sử dụng hệ thống phân định bàn thắng bằng công nghệ Hawk-Eye và GolfRef. Cả hai đều có khả năng xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa và gửi tín hiệu đến trọng tài trong một giây. Những dụng cụ hỗ trợ này đã giúp giảm thiểu sai sót của trọng tài trong những tình huống nhạy cảm.
Từ Hawk-Eye, GolfRef, hay sau này là Goal-line, VAR và mới đây nhất là công nghệ bắt việt vị bán tự động. Những công nghệ mới đang được áp dụng nhiều hơn nhằm giúp tăng tính công bằng của các trận đấu và giảm thiểu sai sót của trọng tài. Và động lực của những sự thay đổi này không gì khác cũng đến từ chính những sai lầm như bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard.