Arteta đã giải quyết bài toán 'không Odegaard' như thế nào?
Thứ tư, 02/10/2024 11:10 (GMT+7)
Nhìn vào màn trình diễn của Arsenal trước PSG, không nhiều người nghĩ rằng họ đang thiếu mất bộ não trong lối chơi là Martin Odegaard. Thời điểm ngôi sao Na Uy phải vắng mặt dài hạn bởi chấn thương, đã có thật nhiều âu lo hiện lên trong suy nghĩ người hâm mộ đội bóng thành London, nhưng rồi, tập thể này đã giải quyết rất tốt cơn đau đầu đó.
Suốt nhiều cuộc chạm trán đã diễn ra kể từ lúc Martin Odegaard không thể ra sân, Arsenal vẫn đang chơi cực kỳ ấn tượng. Đây là minh chứng cho thấy khả năng “xoay chuyển càn khôn” từ người thuyền trưởng Mikel Arteta, đồng thời như lời khẳng định với mọi người hâm mộ, rằng những đứa trẻ trong tay vị chiến lược gia người Tây Ban Nha nay cũng đã lớn, để sẵn sàng cạnh tranh cho các danh hiệu hàng đầu, từ sân chơi quốc nội tới đấu trường châu lục.
Khi Arsenal tiếp đón PSG ở lượt trận thứ hai Champions League, tin chắc rằng nhiều cổ động viên chủ nhà vẫn còn đó những âu lo cho đội bóng con cưng về kết quả sau cùng. Dễ hiểu thôi, bởi dù chẳng còn Kylian Mbappe nơi đội hình, thì đại diện thủ đô nước Pháp vẫn còn đó không ít ngôi sao thượng hạng, cùng kinh nghiệm chinh chiến dày dặn từ Luis Enrique trên băng ghế chỉ đạo. Đó là còn chưa kể, Pháo thủ đã chẳng có được chiến thắng ở ngày ra quân, dù lúc ấy, đối thủ mà họ phải chạm trán chỉ là Atalanta, vốn kém xa về đẳng cấp.
Nhưng rồi, sau 90 phút ở Emirates, tất cả đều phải thừa nhận rằng, Arsenal thực sự đã có trận đấu quá đỗi ấn tượng. Có thể, họ không vượt trội về tỷ lệ kiểm soát bóng hay số pha dứt điểm tạo ra, song, thứ đoàn quân Arteta ăn đứt PSG chính là sự hiệu quả. Thắng lợi 2-0 như minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Ở đó, dấu ấn lớn nhất đến từ chiến thuật được mà đội chủ nhà mang tới.
Thời điểm Odegaard phải nghỉ thi đấu vì chấn thương, Mikel Arteta vẫn sử dụng sơ đồ 4-3-3 vốn là sở trường của câu lạc bộ suốt bao mùa giải gần đây. Dù cho Pháo thủ thu về một chiến thắng cùng một kết quả hoà ở các màn so tài Tottenham rồi Atalanta, nhưng sức công phá là điều đại diện thành London phần nào đã đánh mất. Chính vì thế, thay vì gò bó đội bóng với cách chơi như vậy, vị thuyền trưởng người Tây Ban Nha đã quyết định chuyển sang đội hình 4-4-2, bắt đầu từ màn đại chiến Man City.
Ở đó, ông bố trí Trossard cùng Kai Havertz chơi cao nhất nơi hàng tấn công. Thành thực mà nói, không ít fan Arsenal chắc cũng từng cảm thấy nghi ngờ về quyết định kia, bởi cả hai cái tên được sử dụng vốn đều không phải là những tiền đạo thuần tuý. Thế nhưng, thay vì thể hiện sự lạc lõng, vô duyên, bộ đôi ấy lại kết hợp cực kỳ ăn ý, để mang tới tính đa dạng nơi lối chơi đội nhà.
3 trận đấu gần nhất khi sử dụng sơ đồ hai tiền đạo, Arsenal thắng 2 và hoà 1. Thậm chí, nếu may mắn hơn, họ đã có thể rời Etihad với 3 điểm trọn vẹn, thay vì là kết quả hoà nuối tiếc. Nỗi âu lo về sự thiếu vắng mang tên Odegaard được Arteta giải quyết dễ dàng, khi Pháo thủ chẳng những mất đi sức sáng tạo, mà còn liên tiếp áp đảo đối thủ trong các màn so tài.
Ngay cả tới Man City với lối chơi pressing tầm cao cũng chẳng thể làm khó The Gunner thì PSG sao đủ tầm để làm điều ấy. Trước nhà đương kim vô địch nước Pháp, Arsenal dù không kiểm soát bóng nhiều như đối phương, nhưng mỗi lần Pháo thủ tấn công, người ta luôn thấy sự nguy hiểm thường trực với khung thành đội khách. Trossard hay Havertz dù chẳng phải những trung phong thực thụ, song chính cách họ di chuyển linh hoạt, lúc xuất hiện ở cánh, khi lại bó vào trong, khiến đối phương gần như không thể kiểm soát. Chưa kể, cả hai đều là các ngôi sao với khả năng chọn vị trí thông minh, cũng như có phẩm chất dứt điểm đa dạng.
Bàn thắng mở tỷ số trước PSG chính là minh chứng như thế. Trossard di chuyển ở sát vòng cấm, tạt bóng vào phía trong cho Havertz, vốn từ khu vực 16m50 băng vào đánh đầu lập công. Là hai tiền đạo được sắp xếp chơi bên cạnh nhau, đúng ra phải liên tục xuất hiện trong vòng cấm địa đối thủ, nhưng không, Arteta cho phép họ được thoải mái hoạt động, tìm kiếm khoảng trống, và thành quả lập tức được tạo ra.
Đó là còn chưa kể, Pháo thủ còn sở hữu thêm hai tiền vệ cánh giàu tốc độ và kỹ thuật là Martinelli cùng Bukayo Saka, càng khiến cho lối chơi tấn công của tập thể ấy trở nên khó lường hơn. Không ít lần, người ta thấy Havertz hay Trossard dạt cánh, mở ra khoảng trống để xâm nhập vòng cấm cho những đồng đội của mình. PSG gần như “vô định” ở khả năng bắt người, bởi họ chẳng thể biết phải kèm ai, vì những cầu thủ đối phương cứ liên tục hoán đổi vị trí.
Và cũng vì như thế, nên đội bóng thủ đô nước Pháp mới để thủng lưới bàn thứ hai, vốn đến từ “ma thuật hắc ám” của câu lạc bộ chủ nhà. Ai cũng biết, nhiều mùa giải gần đây, Pháo thủ rất mạnh trong các pha bóng cố định, ai cũng hiểu họ có cặp trung vệ không chiến là Saliba cùng Gabriel xuất sắc ra sao, nhưng sự lợi hại mà thầy trò Arteta làm được đâu chỉ gói gọn ở hai cái tên kia. Ngay cả khi đối phương có kiểm soát được những ngôi sao này, thì mảnh lưới vẫn rung lên, như cách Arsenal đã làm để nhân đôi cách biệt trước PSG.
Trong tình huống ấy, có 3 cầu thủ chủ nhà lao tới sau đường chuyền vào từ Saka, nhưng thay vì chạm bóng, họ chỉ nhẹ nhàng lướt qua, đủ để khiến Donnarumma bối rối, rồi lúng túng nhìn bóng đi vào khung thành. Việc những ngôi sao Arsenal di chuyển linh hoạt, thay đổi liên tục vị trí đứng ban đầu là phần lý do buộc đối phương mất phương hướng ở các pha bóng kiểu như vậy.
Mất Odegaard, người ta ngỡ rằng Pháo thủ sẽ gặp khó khăn muôn vàn, sẽ mất đi tính sáng tạo và sự đột biến. Nhưng hoá ra, khoảnh khắc người thủ quân vắng mặt vì chấn thương, lại là lúc thầy trò Arteta chứng tỏ cho tất cả rằng họ đã trưởng thành, cả về bản lĩnh lẫn lối chơi để sẵn sàng cạnh tranh cho các danh hiệu hàng đầu. Cũng vì không thể sử dụng chàng cầu thủ Na Uy, mà chiến lược gia Tây Ban Nha đã tìm thấy một sơ đồ đội hình lợi hại khác cho Pháo thủ.
Cách chơi 4-4-2 vừa giúp đại diện thành London đảm bảo sự áp đảo ở mọi cuộc so tài, vừa mang tới cho họ tính đa dạng ở mỗi lần đưa trái bóng sang phía phần sân đối thủ. Từng rất nhiều lần trong quá khứ, các fan bóng đá cho rằng, việc thiếu một trung phong đẳng cấp như Erling Haaland là phần nguyên nhân khiến Arsenal luôn gục ngã ở những thời điểm then chốt của mùa giải.
Tất nhiên, ý kiến ấy không sai, và Arteta thừa sức nhìn thấy vấn đề này. Nhưng bao kỳ chuyển nhượng đi qua, câu lạc bộ này vẫn không bổ sung vị trí đó, tất cả là bởi, vị thuyền trưởng của họ tin rằng, mình đã có phương án giải quyết. Sử dụng Trossard - Havertz chính là câu trả lời mà Arteta đưa ra.
So với Haaland hay nhiều tiền đạo đẳng cấp khác, bộ đôi ấy không mạnh về làm tường, không phải mẫu trung phong luôn rình rập trong vòng cấm, nhưng cái hay của hai cái tên kia chính là việc họ luôn di chuyển không ngừng, luôn xuất hiện ở nhiều vị trí, hoặc đủ sức dạt cánh, mở ra khoảng trống cho các vệ tinh khác. Chính việc họ không bó hẹp mình về phạm vi, về không gian hoạt động khiến đối thủ cực kỳ khó vây bắt, để rồi làm nên khác biệt cho đội nhà.
Đó là cái tài của Mikel Arteta, khi ông đã biết cách “liệu cơm gắp mắm”, đã biết “xoay chuyển càn khôn” chỉ với một thay đổi nhỏ nơi đội hình. Có lẽ, cho tới ngày Odegaard tái xuất, Arsenal vẫn sẽ chơi 4-4-2 trong mọi màn so tài. Chẳng có lý do gì để họ phải từ bỏ cách chơi ấy, khi mà sự hiệu quả vẫn đang được thể hiện bằng những kết quả ấn tượng trên sân.
Chiến thắng vừa tạo ra trước PSG một lần nữa cho thấy đẳng cấp, bản lĩnh của Pháo thủ ở các trận đấu lớn, bởi họ từng đánh bại Tottenham rồi cầm hòa Man City đầy quả cảm. Khác với bao mùa giải trước đây, khi trụ cột không may vắng mặt, Arsenal sẽ lao đao, gặp khó, thì nay, đoàn quân trong tay Arteta đã chơi cực kỳ ấn tượng bằng chính sự thay đổi về nhân sự, về chiến thuật. Đây là lời khẳng định đại diện thành London gửi đến tất cả đối thủ, rằng họ đã sẵn sàng thách thức mọi vinh quang ở mùa giải năm nay. Không cần một trung phong thực thụ, The Gunners vẫn biết cách giải quyết các trận đấu, nhờ vào những ngôi sao hàng công linh hoạt, giàu sức sáng tạo và thừa đột biến.