Argentina vô địch World Cup 1978: Chiếc cúp vàng sặc mùi chính trị của những gã độc tài
Thứ tư, 31/01/2024 20:07 (GMT+7)
Khi kim đồng hồ mới chỉ điểm phút thứ 3 của hiệp thi đấu thứ 2, huyền thoại Mario Kempes tung cú sút mạnh mẽ xé tan mành lưới Peru. Một pha bóng tuy thể hiện đẳng cấp của ngôi sao số một xứ Tango thời điểm ấy. Từ đỡ bước 1 đến đập nhả nhuần nhuyễn cùng đồng đội, tất cả đều hoàn hảo không tì vết.
Ấy vậy nhưng pha lập công mang tính bước ngoặt ấy của Kempes, cũng được bổ trợ rất nhiều bởi sai lầm khó hiểu từ đối thủ. Và khi nhìn lại khoảnh khắc này, người hâm mộ ắt hẳn tự hỏi liệu Peru có còn muốn chơi bóng nữa không?
5 cái bóng áo đỏ vật vờ trong vòng cấm. Họ tỏ ra vô hại đến mức đáng ngờ để một mình Kempes thoải mái ghi bàn. Và đó cũng chính là hình ảnh đại diện cho vết nhơ khó có thể rửa trôi trong lịch sử các vòng chung kết World Cup.
Argentina đại thắng trong một trận đối thủ chủ động buông, trọng tài thì có những pha bẻ còi vô lý. Để rồi tạo tiền đề giúp họ trở thành nhà vô địch World Cup 1978, lần đầu tiên cũng thật ngọt ngào ngay trên sân nhà.
Ấy vậy nhưng trong thời khắc lịch sử ấy, trong giây phút cả đất nước nổi tiếng với điệu nhảy Tango ăn mừng với “câu chuyện cổ tích” vĩ đại. Thì ở bên ngoài kia, cả thế giới cùng nhìn vào đội tuyển có biệt danh La Albiceleste với ánh mắt phán xét. Một chiếc cúp Vàng có thể chưa phải “thần kỳ” nhất, nhưng xứng đáng mang danh “tai tiếng” nhất, khi giải đấu hoàn toàn bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Nơi những gã độc tài mới chính là những kẻ chiến thắng đích thực.
Thực chất sự hoài nghi về độ “trong sạch” của ngày hội lớn nhất hành tinh năm ấy, đã bị dấy lên từ trước ngày khai mạc. Độc tài Jorge Rafael Videla tuyên bố muốn dùng bóng đá để xoa dịu bất ổn chính trị (trong thời kỳ hàng trăm người Argentina bị thảm sát vì mục tiêu chính trị). Và kỳ World Cup 1978 trên mảnh đất Tango, chính là cơ hội không thể hoàn hảo hơn để thực hiện ý đồ đó của “bố già”.
Để rồi đúng như dự đoán, Argentina đã làm nên điều kỳ diệu khi vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn ở thời điểm ấy như Brazil, Hà Lan để lên ngôi vô địch. Trong đó, ngôi sao Mario Kempes được nhắc tới như cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Màn trình diễn tuyệt vời của ông với 6 bàn thắng, đã giúp Argentina lần đầu lên đỉnh ở World Cup 1978. Chính thành tích ấy cũng giúp Kempes ẵm về danh hiệu Vua phá lưới.
Tuy nhiên, trong sự tính toán và đằng sau "điểm sáng" ấy, chức vô địch của Argentina vẫn khiến nhiều người đặt nghi vấn. Phải chăng, sự thật là Chính phủ nước này đã tác động để đội nhà lên ngôi vô địch World Cup trên sân nhà?
Có rất nhiều chi tiết đã dấy lên mối nghi ngờ ấy của giới mộ điệu. Chúng ta phải bắt đầu từ trận đấu giữa Peru và Argentina ở vòng bảng thứ 2. Cho đến nay, đây vẫn được xem như cuộc chiến để lại nhiều bí ẩn nhất lịch sử túc cầu.
Khi ấy, Argentina nằm chung bảng với Brazil, Ba Lan và Peru. Ở vòng đấu thứ nhất, Brazil đã hạ gục Peru 3-0, còn Argentina đánh bại Ba Lan với tỷ số 2-0. Tới vòng thứ 2, Argentina và Brazil đã hòa nhau 0-0.
Trong trận đấu sớm ở lượt thứ 3, Brazil đã hạ gục Ba Lan với tỷ số 3-1. Điều đó có nghĩa rằng, La Albiceleste phải thắng Peru với cách biệt 4 bàn mới có thể lọt vào trận chung kết. Cuối cùng, Argentina đã hủy diệt Peru với tỷ số 6-0.
Điều đáng nói ở thời điểm ấy, dư luận đã đặt rất nhiều vấn đề về trận đấu này. Không những được đá sau Brazil tới gần 1 tiếng đồng hồ. Tức là đội chủ nhà hoàn toàn biết được mình cần đạt điều kiện gì để vào Chung kết. Rồi lại có tin Argentina đã cung cấp 35.000 tấn hạt ngũ cốc cho Peru (khi ấy Peru đối diện với khủng hoảng lương thực) để đổi lấy chiến thắng đậm.
Không những thế, ngay trước đêm diễn ra trận đấu quyết định. Các cầu thủ Peru đã mất ngủ trầm trọng, khi đội ngũ nhân viên bảo vệ và cảnh sát quân sự canh giữ khách sạn của họ bất ngờ biến mất.
Chắc chẳng có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào, khi sau đó người hâm mộ Argentina đi vòng quanh tòa nhà bấm còi xe và la hét suốt đêm. Bị mất ngủ, thể trạng tuyển Peru suy kiệt thấy rõ.
Đến chiều hôm sau, chiếc xe buýt đưa họ tới sân vận động Rosario Central liên tục gặp sự cố khó hiểu, và đến nơi chỉ 1 giờ trước khi trận đấu bắt đầu.
20 phút trước trận, Tướng Videla bất ngờ bước đến phòng thay đồ của Peru. Quý ông lịch lãm với bộ ria mép đen dày đã đọc một lá thư từ nhà độc tài Peru – Tướng Francisco Morales-Bermudez, nói về sự hợp tác giữa 2 quốc gia. Kết quả tuyển Peru đã chơi vật vờ như muốn gọi mời chủ nhà hãy thắng thật đậm, còn trọng tài đưa ra hàng loạt quyết định đáng nghi.
Ở trận chung kết, Argentina đã sử dụng mọi tiểu xảo để ngăn cản sức mạnh của Hà Lan (thiếu vắng Johan Cruyff ở giải đấu này). Chính xác, việc Hà Lan thiếu vắng trụ cột quan trọng nhất ngay trước thềm giải đấu, cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề chính trị.
Thánh Johan phản đối chính quyền quân sự của nước chủ nhà Argentina, vươn lên bằng con đường đảo chính. Và rồi bất hạnh nối tiếp, khi cả nhà Cruyff trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc vào năm 1977.
Theo lời kể của Johan Cruyff thì ông bị trói chặt và kê súng vào đầu ngay trong nhà mình. Vợ ông cũng bị trói chặt. Cả ba đứa con nhỏ khi ấy đều đang ở trong nhà, và mọi chuyện đành phó thác cho số phận.
Cảnh sát sau đó đã phải đưa đón bọn trẻ đi học. Họ thậm chí ngủ luôn trong nhà ông để bảo vệ. Khi Cruyff đến sân tập thì luôn có vệ sĩ đi kèm trong xe. Giai đoạn kinh hoàng ấy kéo dài đến 4 tháng liền. Vậy thì còn tâm trí đâu mà đá World Cup. Cứ thế Hà Lan bay mất luôn người nhạc trưởng gần như không thể thay thế thời điểm ấy.
Chung cuộc, Argentina đánh bại Hà Lan 3-1 ở hiệp phụ để giành chức vô địch World Cup 1978, khép lại một giải đấu sặc mùi dàn xếp. Hà Lan thất vọng rời sân và từ chối nhận huy chương, khi một số cầu thủ không muốn bắt tay một nhà độc tài. Cả thế giới bày tỏ sự phẫn nộ ra mặt, trước sự mục nát của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm ấy.
Họ phải đợi tới 4 năm mới được thỏa mãn sự hưng phấn. Nhưng rồi đổi lại chỉ toàn sự dối lừa trên mảnh đất Tango. Brazil sở hữu thế hệ Vàng với “phù thuỷ” Zico. Họ đã chiến đấu đầy quả cảm, nhưng rồi bị loại tức tưởi ngay trước thềm Chung kết bởi những điều mờ ám.
Hà Lan tuy không có Johan Cruyff vẫn kiên cường lọt vào Chung kết năm thứ 2 liên tiếp. Nhưng đại diện châu u cũng đành bất lực, bởi thứ sức mạnh đến từ quá nhiều yếu tố của Argentina.
Để rồi cuối cùng người dân xứ Tango mở hội linh đình ăn mừng. Chiếc cúp Vàng năm ấy giúp họ tạm quên đi sự lũng đoạn chính tại đất nước mình. Nhưng rồi bê bối ấy đổi được bao ngày vui? Khi ngay giữa bữa đại tiệc ấy, một số chiếc xe của ESMA âm thầm hộ tống tù nhân đi khắp thành phố, buộc họ đưa đầu ra ngoài cửa sổ xe để chứng kiến sự hưng phấn của chiến thắng. Sau đó, chẳng ai biết những tù nhân tái nhợt, run rẩy và sợ hãi kia đã bị đưa trở lại trại giam và bị hành quyết.