6 Scandal rúng động làng F1 trong 2 thập kỷ qua: Ferrari thiên vị Schumacher lộ liễu, Bỉ tổ chức chặng đua ngắn nhất lịch sử
Thứ ba, 31/08/2021 14:00 (GMT+7)
Ngoài vụ lùm xùm đầy tai tiếng tại chặng đua Grand Prix tại Bỉ của F1 2021, làng F1 thế giới đã chứng kiến không ít scandal đầy tranh cãi trong 2 thập kỷ đã qua.
Chặng Grand Prix San Marino năm 1982
Chặng Grand Prix diễn ra ở San Marino, Italia vào năm 1982 là một ví dụ điển hình về việc chính trị và thể thao không nên dính dáng đến nhau khi chứng kiến hơn 1 nửa số đội tẩy chay cuộc đua.
Trong một quyết định liên quan đến Brazil Grand Prix năm 1982, Nelson Piquet và Keke Rosberg - những người về nhất và nhì ở chặng đua Brazil - đã bị hủy bỏ kết quả của mình vì luật giới hạn trọng lượng xe gây tranh cãi khi đó.
Hiệp hội các đội đua F1 (FOCA) đã phản đối quyết định này và các đội liên kết chặt chẽ với FOCA ,bao gồm cả McLaren, Williams và Lotus, đã thể hiện quyết tâm to lớn trong việc tẩy chay San Marino Grand Prix năm 1982. Chỉ còn Tyrrell, Osella, ATS và Toleman là 4 trong 7 đội quyết định đi ngược lại số đông và tiếp tục tranh tài, với lý do "nghĩa vụ với nhà tài trợ".
Chặng Grand Prix Nhật Bản năm 1989
Cuộc đua giành chức VĐTG năm 1989 được coi là một trong những màn cạnh tranh kịch tính và cũng tranh cãi nhất trong lịch sử F1. ĐKVĐ thế giới năm đó, Ayrton Senna đã bị sa lầy vào cuộc chiến bảo vệ ngôi vương của mình trước đối thủ không đội trời chung và chính người đồng đội ở McLaren vào năm 1989, Alain Prost.
Khi đó, Prost đang là người dẫn đầu BXH với 2 điểm nhiều hơn Senna trong khi mùa giải chỉ còn 2 chặng đua, đồng nghĩa với việc Senna buộc phải giành chiến thắng ở 2 chặng đó nếu muốn bảo vệ chức vô địch.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng diễn ra ở chặng Suzuka thuộc Grand Prix Nhật Bản. Ở vòng đua thứ 47, khi Prost đang là người dẫn đầu và Senna bám đuổi ngay phía sau, cả hai đã va chạm vào nhau khiến 2 chiếc xe đều bị văng ra khỏi đường đua. Trong khi Prost rời khỏi xe vì nghĩ rằng mình sẽ không thể tiếp tục, Senna lại cầu xin các chuyên viên điều hành cho anh khởi động để trở lại cuộc đua.
Những tưởng Senna sẽ có thể níu giữ hy vọng bảo vệ ngôi vương sau pha "ăn gian" của mình thì BTC F1 quyết định loại tay đua người Brazil và không công nhận kết quả của anh ở Grand Prix Nhật Bản. Prost trở thành nhà vô địch năm 1989.
Chặng Grand Prix San Marino năm 1994
Chặng San Marino năm 1994 để lại cho những người yêu mến bộ môn thể thao tốc độ một nỗi đau không thể nào nguôi chính vì bản chất nguy hiểm của nó. Cuộc đua ở Italia năm đó chứng kiến sự ra đi của Roland Ratzenberger và Ayrton Senna sau những tai nạn thảm khốc bởi sự lỏng lẻo trong công tác đảm bảo an toàn cho các tay đua.
Chiếc xe của Roland Ratzenberger đã gặp vài tổn hại ở những vòng đua phân hạng đầu tiên nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào sử dụng. Ratzenberger sau đó gặp tai nạn ở vòng phân hạng thứ hai khi xe anh bị gãy cánh gió bởi những tổn hại từ trước. Lần này, anh đã phải bỏ mạng.
Ayrton Senna với tâm lý không hề ổn định sau cái chết của người đồng nghiệp cũng phải ra đi sau khi mất lái ở khúc cua Tamburello, khiến chiếc xe va vào tường ở vận tốc 135km/h.
Sau cái chết của Ratzenberger và Senna, Hiệp hội các tay đua F1 (Grand Prix Drivers' Association - GPDA) đã được cải tổ để chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho các tay đua.
Chặng Grand Prix Áo năm 2002
Vụ việc tại Grand Prix ở Áo vào năm 2002 được coi là scandal đáng xấu hổ nhất của đội đua Ferrari. Chặng đua năm đó, Ferrari đã cố tình yêu cầu Rubens Barrichello nhường chiến thắng chặng cho người đồng đội Michael Schumacher ngay tại vòng đua cuối cùng.
Barrichello ban đầu đã từ chối một cách dữ dội trước khi buộc phải dừng lại ở khúc cua cuối cùng để giúp cho Schumacher vượt qua, đem lại chiến thắng thứ 5/6 chặng đầu mùa 2002 cho huyền thoại người Đức. Dĩ nhiên, động thái này của Ferrari đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ NHM và truyền thông.
Vụ bê bối này khiến Ferrari bị Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA) phạt 657.000 bảng cùng lệnh cấm các đội ra lệnh cho những tay đua của mình bắt đầu từ năm 2003.
Chặng Grand Prix Mỹ năm 2005
Bên cạnh công nghệ động cơ, lốp xe cũng là một phần quan trọng ảnh hưởng đến thành tích của các tay lái. Ấy vậy mà Michelin, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực lốp xe, lại gần như khiến một chặng đua phải hủy bỏ vì không thể đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình.
Mùa giải 2005, BTC F1 đã đưa ra một điều luật mới hạn chế các đội đua chỉ được phép sử dụng 1 bộ lốp trong cuộc đua phân hạng cũng như cuộc đua chính. Chính vì điều này, Michelin đã rất lo ngại về độ bền của các bộ lốp khi phải liên tục sử dụng.
Hồi chuông báo động đã vang lên khi tay đua thứ 3 của đội Toyota, Ricardo Zonta gặp vấn đề về lốp và phải bỏ cuộc ở ngày phân hạng đầu tiên. Michelin đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào đêm trước ngày phân hạng thứ 2 sau khi có thông tin rằng những chiếc xe khác bắt đầu có "dấu hiệu nguy hiểm" trong lốp của họ.
Hàng loạt những cảnh báo lo ngại về việc nổ lốp hay việc sửa đổi đường đua để cải thiện độ an toàn đã không có kết quả. Trong ngày thi đấu chính thức, khán giả đã không khỏi ngạc nhiên khi chỉ có 6 tay đua đến từ 3 đội sử dụng lốp Bridgestone - Ferrari, Jordan và Minardi - tham gia tranh tài.
Chặng Grand Prix Bỉ năm 2021
Nếu như chặng Grand Prix Mỹ năm 2005 có số lượng tay đua thi đấu ít nhất trong lịch sử F1, thì chặng Grand Prix Bỉ vừa diễn ra cách đây 2 ngày lại là chặng đua ngắn nhất từ trước tới nay. Tay đua Max Verstappen của đội đua Red Bull Racing đã giành chiến thắng chặng chỉ sau 3 phút 27 giây, một con số kỷ lục.
Điều bất thường này xảy ra bởi sự cứng nhắc trong cách vận hành của BTC F1. Ngày 29/8, một cơn mưa cực lớn đã khiến cho chặng GP ở Bỉ bị trì hoãn trong gần 4 tiếng đồng hồ. Không chấp nhận hủy bỏ cuộc đua, BTC đã quyết định yêu cầu các tay lái đi sau chiếc xe an toàn và hoàn thành 2 vòng đua để có thể công nhận kết quả theo luật.
Quyết định này của F1 đã khiến cho rất nhiều tay lái cảm thấy không hài lòng, trong đó có nhà ĐKVĐ thế giới Hamilton. Tay đua người Anh cho rằng việc để chặng đua tiếp diễn trong điều kiện thời tiết quá xấu như vậy là "một trò hề". Hamilton còn tố cáo F1 vì lợi ích kinh tế mà không nghĩ đến sự an toàn của các tay đua cùng người hâm mộ.